Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ cho biết: “Đầu năm 2018, UBND xã Cam Tuyền triển khai dự án trồng ớt cho người dân trên địa bàn theo thỏa thuận đã được ký trước đó giữa Công ty CP Thiên An - Hải Phòng với UBND huyện Cam Lộ.
Theo đó, địa phương trồng tất cả 6,7ha, trong đó 2,4ha ớt chỉ thiên, còn lại 4,3ha ớt sừng trâu cao sản. Khi tiến hành trồng, công ty bao tiêu sản phẩm hỗ trợ bà con cây giống, phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Còn phần bà con đầu tư mỗi sào gồm 350 nghìn đồng tiền công cày, làm đất; 5 công trồng cây; 200 nghìn đồng tiền mua bạt phủ chống cỏ và đầu tư khác.
Tính ra, mỗi sào trồng ớt, bà con đầu tư khoảng 1,3 triệu đồng. Nhưng đến khi thu hoạch, sản phẩm này đã không được công ty trên thu mua như đã cam kết, khiến bà con đang có nguy cơ mất trắng”.
Người trồng ớt ở Quảng Trị trắng tay vì không được thu mua quả. |
“Trên thực tế, người của Công ty CP Thiên An - Hải Phòng đã nhiều lần vào đây thăm tình hình sản xuất của người dân, nhưng họ không thể thu mua vì phía đối tác của họ không còn tiêu thụ sản phẩm này.
Ban đầu họ bảo, việc thu mua mỗi kg ớt quả tươi 5,5 nghìn đồng theo cam kết là bị lỗ lớn bởi mỗi container ớt quả tươi này bán tại Cửa khẩu Lạng Sơn cho Công ty của Trung Quốc còn không đủ chi phí vận chuyển.
Đến thời điểm cách đây nửa tháng, họ tiếp tục vào đây và bảo, Công ty của Trung Quốc không mua hẳn sản phẩm này, nên dù phải bù lỗ, công ty của họ vẫn không thể mua được”, ông Sơn cho biết thêm.
Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho hay, trên địa bàn trồng tổng cộng 17,23ha ớt quả sừng trâu cao sản và ớt chỉ thiên bán cho Công ty CP Thiên An - Hải Phòng.
Tuy nhiên, do khó khăn khách quan, nên công ty và người dân đều bị lỗ. Phía công ty đã đầu tư ra 630 triệu đồng, còn người dân đã đầu tư như đã nói ở trên.
Không riêng huyện Cam Lộ, Quảng Trị còn có các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, người nông dân trồng ớt theo cam kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm này với Công ty CP Thiên An - Hải Phòng, đến thời điểm hiện tại gần như mất trắng, với tổng cộng hơn 50ha.
Trước tình hình trên, UBND và Phòng NN-PTNT các huyện này đang ra sức vận động các công đoàn huyện, cán bộ, viên chức chung tay mua giúp, giải quyết khó khăn cho bà con.
Theo ghi nhận của PV, ớt đã đến thời kỳ thu hoạch cách đây nửa tháng, nhưng người dân không còn đoái hoài với sản phẩm cây trồng này. Các thửa ớt chín mộng rụng dày mặt đất, nhiều cây chết khô, nhưng không được thu hoạch, khiến tình cảnh trông rất ảm đạm.
Chị Lê Thị Thảo, một người trồng ớt ở thôn Đâu Bình 1, xã Cam Tuyền buồn bã cho biết: “Trồng mỗi sào ớt không phải mất 5 công, mà thực tế mất tới 10 công; cộng tiền đầu tư và công cán cùng với diện tích đất coi như bị bỏ hoang, cứ mỗi sào bà con mất hẳn gần 5 triệu đồng…”.
Tác giả: Thanh Bình
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân