Diện tích giảm
Tháng 12, thời điểm công tác thu mua mía nguyên liệu tại Long An đang nhộn nhịp những ngày đầu niên vụ 2016 - 2017. Năm nay người trồng mía Long An phấn khởi vì ngay đầu vụ mà nhiều nơi nông dân đã bán được giá cao hơn cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và bán mía khó khăn từ các năm trước, diện tích mía của Long An năm nay vẫn còn xu hướng giảm.
Ông Nguyễn Như Ba, một nông dân trồng mía ở xã Lương Bình, huyện Bến Lức, cho biết gia đình trồng mía được khoảng 20 năm, lúc trước trồng trên diện tích 10 ha nhưng nay giảm xuống còn 8 ha.
“Năm nay nước mặn lấn sâu làm diện tích mía giảm mạnh. Tiền bán mía vụ trước cũng không được thanh toán đúng thời hạn nên chưa có điều kiện tiếp tục đầu tư. Nhiều hộ trong xã đã chuyển sang trồng cây khác”, ông Ba cho biết.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Long An, toàn tỉnh có gần 10.000 ha mía nguyên liệu, giảm trên 3.000 ha so với diện tích của niên vụ 014-2015. Ngay tại huyện có diện tích trồng mía nhiều nhất trong tỉnh là Bến Lức thì cũng đã giảm trên 300 ha so với niên vụ trước, hiện chỉ còn 7.700 ha.
Hiện người dân tại các xã Lương Bình, Lương Hòa, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mía năm 2016-2017, dự kiến kéo dài đến hết tháng 3-2017.
Theo quy hoạch, tỉnh Long An có 2 nhà máy chế biến đường, đảm nhận thu mua mía nguyên liệu của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, tình hình tiêu thụ mía nguyên liệu liên tục đối diện với nhiều khó khăn.
Nhiều thời điểm nhà máy chậm trễ trong việc tiếp nhận mía nguyên liệu đã thu hoạch của nông dân cũng như thanh toán chi phí canh tác, giá mía thu mua đầu vào giảm mạnh.
Đầu ra bấp bênh khiến diện tích mía nguyên liệu của tỉnh Long An liên tiếp sụt giảm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây hạn mặn, ngập lụt trong thời gian dài, năng suất và chữ đường mía niên vụ này thấp hơn so với các niên vụ trước.
Trước tình hình tiêu thụ mía cho nông dân không ổn định, nhiều nơi nông dân bỏ mía chuyển sang cây trồng khác, chính quyền UBND tỉnh Long An đã chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh cùng Phòng Nông nghiệp các địa phương có vùng nguyên liệu mía đã tìm nhiều cách để giải quyết khó khăn cho nông dân.
Mời doanh nghiệp đến mua mía cho dân
Đoàn công tác của địa phương đã tổ chức khảo sát thực địa, gặp gỡ các hộ nông dân để nắm bắt tình hình thực tế, tiếp thu kiến nghị, đề xuất nhằm kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể nhằm đảm bảo tổ chức thu mua toàn bộ lượng mía nguyên liệu với mức giá hợp lý.
Nhận thấy tiến độ thu mua mía của các nhà máy hiện tại chưa đảm bảo nhu cầu bán mía của nông dân, UBND tỉnh Long An đã yêu cầu ngành nông nghiệp triển khai hợp tác với các đơn vị ngoài địa bàn tỉnh thực hiện thu mua và đầu tư cho nông dân trồng mía.
Trên cơ sở đó, từ cuối năm 2014, Sở NN&PTNT Long An cùng với Phòng NN&PPTNT huyện Bến Lức đã thống nhất với Nhà máy đường Biên Hòa Tây Ninh - CTCP Đường Biên Hòa hỗ trợ bao tiêu mía nguyên liệu cho người dân huyện Bến Lức.
Ngay trong niên vụ 2014-2015, công ty này đã thu mua trên 2.000 ha mía ngoài hợp đồng của 2 nhà máy hiện có trên địa bàn tỉnh.
Nhà máy Biên Hòa Tây Ninh thực hiện thu hoạch mía bằng máy tại các vùng nguyên liệu.
Bước vào niên vụ 2016 - 2017, Biên Hòa Tây Ninh tiếp tục đầu tư và thu mua 3.500 ha mía tại huyện Bến Lức theo như đề nghị của chính quyền tỉnh Long An.
Với kinh nghiệm hợp tác với nông dân ở nhiều địa phương, công ty Biên Hòa Tây Ninh đã có nhiều điều chỉnh cải tiến các chính sách phù hợp với thực tế sản xuất tại Long An nhằm đảm bảo lợi ích của người dân trồng mía.
Thông qua việc điều phối, sắp xếp lịch thu hoạch hợp lý, hỗ trợ phương tiện vận chuyển cho người dân Bến Lức, hỗ trợ phân loại và áp dụng mức giá mua mía cố định theo từng nhóm mía được áp dụng để đảm bảo bao tiêu tối đa sản lượng mía cho các hộ dân... việc thu hoạch và bán mía của nông dân đã khoa học và dễ dàng hơn.
Đồng thời, công ty cũng áp dụng chính sách giá thu mua linh hoạt ở từng thời điểm tùy theo thực tế thị trường nhằm đảm bảo thanh toán chi phí thu mua mía nhanh chóng, định kỳ 2 lần/tuần giúp bà con ổn định đời sống cũng như nguồn vốn đầu tư, tái sản xuất theo đúng thời vụ.
Bà Chín Thơm, một hộ trồng mía ở Bến Lức, chia sẻ: “Năm nay thời tiết khó khăn hơn năm trước nhưng giá thu mua mía cao, nhà máy ở Tây Ninh tới hỗ trợ thu mua và thanh toán tiền mía đúng hạn, đầy đủ nên thu nhập của chúng tôi ổn định hơn, có vốn đầu tư trồng mía mới, yên tâm trồng mía”.
Tác giả bài viết: Trần Bình Minh
Nguồn tin: