Kinh tế

Người tiêu dùng không còn quay lưng với thịt lợn

Những ngày gần đây, thị trường thịt lợn đã không còn trầm lắng, các bà nội trợ đã không còn quay lưng lại với thịt lợn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Hóa, tại các chợ ở TP Thanh Hóa số lượng khách mua thịt lợn đang có dấu hiệu tăng lên.

Người mua lựa chọn sản phẩm thịt lợn.

Trưa ngày 28-3, theo quan sát của phóng viên tại chợ Đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương hầu hết các quần bán thịt đều đã hết hàng. Đây là một trong những chợ lớn nhất TP Thanh Hóa. Tại đây, có đến hàng trăm con lợn đã được giết mổ tại các lò mổ trong TP và các huyện phụ cận đưa vào mỗi ngày. Ngay từ rạng sáng, phần lớn số thịt này được xuất sỉ cho các quầy kinh doanh thịt ở những chợ nhỏ khu vực lân cận. Số còn lại được bán lẻ cho các bà nội trợ, các nhà hàng, bếp ăn tập thể. Những người bán thịt ở đây đều khẳng định, lượng thịt bán ra hiện ít hơn so với những ngày chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thanh Hóa. Tuy nhiên, những ngày gần đây, lượng người mua đã tăng lên đáng kể.

Bà Lương Thị Hạnh (59 tuổi), chủ ki ốt số 43-45, chia sẻ: “Sau những thông tin thất thiệt về bệnh dịch tả Châu Phi và sán lợn nên cả tháng nay người dân quay lưng lại với thịt lợn. Nhưng những ngày gần đây số lượng người mua có dấu hiệu tăng lên. Bình thường, tôi bán hết ngày 3 đến 4 con nhưng khi có dịch chỉ bán được một con, mấy ngày gần đây bán được khoảng 2 con”.

Nói rồi, bà Hạnh lôi trong túi ra tờ “Giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chăn nuôi” cho chúng tôi xem. Bà trần tình: “Ở các chợ khác như thế nào không biết. Nhưng riêng ở chợ đầu mối này, thịt lợn khi đưa vào chợ đã được cán bộ thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ. Thậm chí, khi mua thịt lợn, chúng tôi cũng phải bắt nơi xuất hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ chứ sao dám đùa với sức khỏe người tiêu dùng được”.

Theo các tiểu thương ở đây, khách mua thịt lợn đã có dấu hiệu tăng lên sau khoảng gần một tháng giảm mạnh. Đến thời điểm hiện nay, giá lợn hơi thấp nên thịt bán ra cũng thấp hơn trung bình khoảng 10.000đồng/kg đối với tất cả các loại. Hầu hết, khách hàng giờ không còn vô tư khi lựa chọn thịt lợn như trước nữa, họ lật đi lật lại miếng thịt để xem dấu kiểm soát giết mổ.

Chị Đặng Thị Hồng (50 tuổi), phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa, cho biết: “Cách đây mấy tuần, khi nghe truyền thông nói về việc bùng phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi, rồi chuyện sán lợn nên khi đi chợ tôi cũng không còn chọn thịt lợn làm thức ăn cho gia đình mình nữa. Nhưng sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, biết bệnh dịch tả lợn Châu Phi không lây lan qua người và vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C nên tôi đã yên tâm chọn thịt lợn làm thức ăn cho gia đình mình. Chỉ cần chọn những miếng thịt tươi ngon, có đóng dấu kiểm dịch là yên tâm rồi”.

Thịt lợn bán tại các quầy đều được đóng dấu kiểm dịch.

Không chỉ riêng gì ở các chợ tại TP Thanh Hóa mà ở những huyện khác trong tỉnh Thanh Hóa, người tiêu dùng vẫn không quay lưng với thịt lợn.

Bà Lưu Thị Hoa (58 tuổi), xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, chia sẻ: “Ban đầu nghe thông tin bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ đài, báo… tôi cũng thấy hoang mang. Nhưng sau khi được tuyên truyền, thấy nó không lây lan cho người, cũng có thể bị tiêu diệt khi nấu chín, vì vậy, thời gian qua tôi vẫn chọn thịt lợn làm thức ăn thường xuyêncho gia đình mình. Không phải riêng gia đình tôi, mà tất cả các bà nội trợ ở đây đều không có ai quay lưng với thịt lợn. Chỉ cần khi mua, mình chú ý hơn về màu sắc của thịt là được. Với lại, các ngành chức năng đã kiểm soát nghiêm ngặt như vậy thì lợn bệnh cũng khó mà lọt ra ngoài vùng có dịch”, bà Hoa nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Ngọc Thắng, Trưởng ban Quản lí chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, cho biết: “Thịt lợn khi vào đây đã được kiểm dịch đầy đủ, những con lợn không có giấy chứng nhận xuất xứ của chính quyền địa phương, không có giấy kiểm dịch thì sẽ không được đưa vào chợ. Sau khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn, vì vậy số lợn dịch bệnh không thể ra khỏi dùng có dịch để vào chợ được”.

Theo ông Thắng, người nội trợ cần tỉnh táo, thông thái hơn trong lựa chọn thực phẩm, cụ thể là thịt lợn, không nên quá cảm tính. Với những trường hợp thông tin sai sự thật về dịch bệnh cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý để người nông dân, cũng như các tiểu thương đỡ chịu thiệt thòi.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok