Kinh tế

Người thương binh làm kinh tế giỏi

Trở về từ cuộc chiến tranh ác liệt thời chống Mỹ với thương tật 71%, trải qua bao vất vả gian nan giờ đây ông trở thành một tấm gương sáng trong làm ăn kinh tế giỏi tại địa phương.

Cựu binh Lê Văn Tất kể chuyện thời chiến đấu.

Người cựu chiến binh ấy là Lê Văn Tất, sinh năm 1944, tại xã Quỳnh Diệu, H. Quỳnh Lưu, Nghệ An, giàu truyền thống cách mạng. Tiếp bước cha anh, năm 1963, ông nhập ngũ tại C1, Trung đoàn 214, sư 324 (Trung đoàn pháo binh Cao xạ, rồi Đại đội 16, Trung đoàn 101, sư 35A (thuộc QK 4), Đại đội 16 (trực thuộc T.Ư cục Miền Nam), điều động vào miền Nam chiến đấu ở Chiến khu D. Sau hơn 6 năm chiến đấu, 4 lần ông được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ". Đầu năm 1971, ông bị thương nặng nên được đơn vị cho ra quân về quê nhà điều trị. Năm 1973 ông lập gia đình, sinh được 7 người con, nhưng 3 người đã mất ngay sau khi sinh do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ ông. Hòa bình lập lại, cuộc sống ở quê nhà quá vất vả khiến người thương binh ấy phải tính kế sinh nhai để nuôi sống gia đình 6 miệng ăn. Năm 1997, gia đình ông bán hết vườn tược, nhà cửa, lên lập nghiệp tại thôn Đắc Kual 2, xã Đắc N'Drung, H. Đắc Song, Đắc Nông. Vào đây với đôi bàn tay trắng, vợ chồng người thương binh nghèo đã phải lao động vất vả, làm luôn chân luôn tay để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Bằng quyết tâm của người lính được rèn giũa trên chiến trường, ông đã vượt qua tất cả khó khăn của cuộc sống mưu sinh. Sau nhiều năm tích cóp, hiện nay ông có trong tay 6 héc - ta đất vườn, đó là tài sản mà hai vợ chồng ông gây dựng cả chục năm nay. Ông chủ yếu trồng cà-phê xen với hồ tiêu, thu nhập bình quân mỗi năm vào khoảng 5 đến 6 trăm triệu đồng. Ông tự hào: "Nói về cây tiêu thì tôi là người đi tiên phong nhất, lúc chưa ai biết đến cây tiêu thì tôi đã trồng gần 1.000 trụ". Ông bảo, tiêu là loại rất khó chăm sóc, có lần ông sống dở, chết dở khi vườn tiêu bất ngờ chết hàng loạt. Do thiếu vốn kiến thức về cây tiêu nên không chủ động được cách phòng tránh cũng như trị bệnh, vườn tiêu của ông đã bị tổn thất nặng nề. Sau lần đó, ông quyết tâm đi học kỹ thuật trồng, cũng như chăm sóc tiêu và mới đây ông vừa nhận chứng chỉ nghề sau khóa học 3 tháng...

Hằng ngày ông vun trồng, chăm sóc vườn tiêu.

Khi chia tay chúng tôi, ông bộc bạch: "Các con tôi giờ đã lập gia đình, đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định, tôi cũng bớt phần lo lắng. Sắp tới tôi có ý tưởng là viết một cuốn nhật kí về cuộc chiến tranh ác liệt mà tôi đã trải qua, để làm tư liệu cũng như đó là một kỉ vật của người lính...". Tôi cầm chặt tay người lính già, lòng chợt bồi hồi khi nghĩ đến lần sau gặp ông, tôi sẽ là người đầu tiên đọc cuốn nhật kí ấy...
Tác giả bài viết: Ngọc Giang
Nguồn tin: Báo Công An thành phố Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok