Kinh tế

Người thuần hóa cam Vinh sống ở đất đồi

Tận mắt chứng kiến vườn cam hơn 4 ha, sai trĩu quả chờ ngày thu hoạch của anh Bùi Văn Tiến, thôn Lương Hải 2, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên (Lào Cai), tôi không khỏi thắc mắc, làm thế nào anh Tiến lại có thể “thuần hóa” giống cam Vinh trên đất đồi Lương Sơn dễ dàng đến vậy?

Anh Tiến cho biết, 5 năm trước, ngoài vài khóm măng bát độ, trên đồi sau nhà anh chỉ để cỏ dại mọc. Tình cờ, anh Tiến phát hiện có cây cam mọc tự nhiên, khuất sau bụi măng, cây cam cho quả sai, chín vàng, khiến anh phấn khởi vì có thêm giống cây ăn quả mới ở địa phương. Sau đó, anh Tiến lặng lẽ, kỳ công sưu tầm tài liệu về kỹ thuật trồng cam và các loại cây có múi trên đất đồi.

Anh Tiến bên vườn cam trĩu quả.
Cuối năm 2012, anh Tiến mua 4 giống cam khác nhau, mỗi loại 10 cây về trồng thử trên khu đồi sau nhà, sau 1 năm, chỉ có giống cam Vinh là phù hợp nhất. Năm 2014, anh Tiến quyết định đầu tư hơn 400 triệu đồng để trồng hơn 4 ha cam. Nhờ được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên chỉ sau 2 năm, đồi cam Vinh của anh Tiến đã có nhiều cây cho quả. Tuy nhiên, để đảm bảo dinh dưỡng cho cây cam, toàn bộ số quả trong năm đầu được anh Tiến ngắt bỏ. Bởi vậy, năm nay, vườn cam của gia đình anh sai trĩu quả, sản lượng ước đạt 3 - 4 tấn. Với giá cam Vinh trên thị trường Lào Cai hiện khoảng 60.000 đồng/kg, anh Tiến có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ cây trồng này.

Anh Tiến cho biết, trồng cam trên đồi quan trọng nhất là đảm bảo nước tưới, tiêu úng vào mùa mưa, bằng việc làm luống, đào rãnh xung quanh. Phân bón thích hợp cho cây cam là các loại phân chuồng, phân vi sinh với chu kỳ bón cách nhau từ 25 - 30 ngày/lần. Cần tăng cường dinh dưỡng cho cây cam vào thời kỳ ra hoa và đậu quả, chú ý phòng bệnh cho cây, nhất là vào mùa hè.

Học theo cách làm của anh Tiến, ở xã Lương Sơn đã thêm một số hộ trồng cam Vinh trên đất đồi, với tổng diện tích toàn xã là 18 ha và con số này đang tiếp tục tăng trong những năm tới.

Tác giả bài viết: Phạm Khánh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok