|
Không ngại khó, ngại khổ
Trường Mầm non xã Tam Thanh, huyện vùng cao biên giới Quan Sơn nằm trên địa bàn xa nhất, khó nhất của huyện. Điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là các điểm lẻ. Trường có 1 điểm chính, 6 điểm lẻ, gồm: Khu Kham, khu Ngàm, Phe, Cha Lung, Mò, Pa.
Toàn trường có 398 học sinh, trong đó, khu lẻ có 260 cháu. Các khu lẻ cách xa trung tâm xã từ 5 đến 10 km, giao thông đi lại khó khăn, phải qua khe, qua suối. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều cô giáo điểm lẻ vẫn không ngại khó, ngại khổ, hàng ngày vẫn vượt qua khe, suối, đèo dốc đến lớp dạy học.
Cô giáo Lê Thị Nhung (SN 1987), giáo viên bản Ngàm, Trường Mầm non xã Tam Thanh, cho biết: Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Mầm non T.Ư1, cô Nhung về dạy tại Trường Mầm non xã Tam Thanh và được phân công dạy ở khu lẻ bản Ngàm.
Đến nay, cô Nhung đã có 11 năm cắm bản và là giáo viên gắn bó nhiều nhất với những khu lẻ xa nhất (cách gần 10km từ trung tâm xã) của xã Tam Thanh như: Bản Pa, Cha lung, Phe.
Từ huyện Bá Thước lên xã Tam Thanh dạy học, cô Nhung đã gắn bó với vùng đất này và quyết định xây dựng hạnh phúc gia đình ở nơi đây. Những năm sinh con nhỏ cô được ưu tiên về dạy ở bản Ngàm gần nhà hơn.
Khi con cai sữa, cô Nhung lại tiếp tục hành trình đến những bản xa để dạy học. Hàng ngày, buổi sáng cô thường dậy sớm nấu cơm rồi mang cơm đi để buổi trưa ở lại ăn cơm tại lớp. Chiều tan học, cô Nhung lại chạy xe máy về nhà.
Gặp những hôm trời mưa to, bão lũ, đường đi khó khăn cô Nhung phải ngủ nhờ lại nhà dân. Rồi sau cơn mưa, những con đường đất núi trở nên lầy lội, trơn trượt. Dù đã đi quen rồi, cô Nhung vẫn rất vất vả mới vượt qua được.
Tâm sự về hành trình vào những bản khó dạy học, cô Nhung nói: “Nhiều năm nay, giáo viên dạy ở bản lẻ chủ yếu là người của bản. Trường Mầm non Tam Thanh có mình tôi là giáo viên đi về các bản dạy học.
Khó khăn, vất vả nhất khi về các điểm trường lẻ là đường giao thông đi lại khó khăn. Phòng học chủ yếu bằng tranh, tre, nứa, lá nên hở tứ bề, vào mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nắng, ngày mưa thì ướt. Đặc biệt là mùa đông, gió lùa vào khiến học sinh ngồi trong lớp vẫn run cầm cập. Thương các em, tôi nghĩ mình càng phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Niềm vui “cõng chữ” đến nơi xa
Cũng là trường khó khăn nhất của huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, Trường Tiểu học xã Tam Thanh có 365 học sinh. Tại khu chính có 11 lớp nhưng chỉ có 6 phòng học khiến nhà trường phải chia thành 2 ca để học. Toàn trường có 158 học sinh phải đi qua sông, suối, vùng sạt lở (bản Kham, Ngàm, Mò, Cha Lung, Pa).
Còn ở các khu lẻ, chủ yếu phòng học vẫn là tranh tre, nứa lá. Những năm gần đây, thực hiện xóa trường tranh, tre, nứa lá nên học sinh được đưa về điểm trường chính học. Chỉ những bản xa nhất, khó khăn nhất, học sinh mới phải học tại điểm lẻ vì vậy các thầy giáo ở đây cũng phải vất vả hơn nhiều so với dạy ở điểm trường chính.
Thầy Nguyễn Văn Hùng (SN 1980), giáo viên khu Cha Lung, Trường Tiểu học Tam Thanh, xã Tam Thanh chia sẻ: “Tôi quê ở xã Hà Lai, huyện Hà Trung. Tôi lên công tác tại Trường Tiểu học Tam Thanh, huyện Quan Sơn từ năm 2006. 11 năm dạy học, tôi có 8 năm cắm bản. Những ngày đầu khi mới nhận công tác, tôi được phân công lên bản Mò dạy học.
Lúc đó, chưa quen với cuộc sống, nếp sinh hoạt, ngôn ngữ của đồng bào nơi đây thấy cái gì cũng lạ lẫm, nhưng ở lâu rồi lại gắn bó, trở thành thân quen với người dân bản. Sau đó, tôi về dạy tại bản Cha Lung, bản khó khăn nhất của xã Tam Thanh và cách trung tâm xã gần 10 km.
Hiện nay, đường giao thông đi lại vào bản vẫn còn khó khăn, vất vả nhưng chưa là gì so với những năm trước đây. Lúc bấy giờ đường giao thông chưa làm, chỉ là lối mòn đường núi, đất lở sa lầy. Những chuyến tôi về quê lên trường, khi gặp mưa gió, đất núi cứ bám rít và bánh xe không tài nào đi được. Người dân bản hễ thấy thầy giáo là chạy lại giúp sức đẩy xe về điểm trường”.
“Ở dưới xuôi lên công tác miền núi, rào cản lớn nhất với người dân nơi đây chính là ngôn ngữ. Xã Tam Thanh chủ yếu là người dân tộc Thái. Để ngày càng thân quen với đồng bào, tôi phải học tiếng bản địa. Mặt khác, học sinh nơi đây, nhiều em lên học tiểu học vẫn chưa nói thạo tiếng phổ thông. Các thầy, cô giáo cũng cần phải học tiếng dân tộc để giao tiếp với các em. Trong quá trình dạy học, nhiều khi thầy giáo phải sử dụng song song cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thì các em mới hiểu được” – thầy Hùng cho biết.
Ở những bản vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt nên những thầy, cô giáo cắm bản dạy học nơi đây phải chịu nhiều vất vả. Đến điện thoại là phương tiện liên lạc phổ biến ở các vùng trung tâm thì khi vào đến bản cũng chập chờn không bắt được sóng.
Những khi muốn gọi điện về cho gia đình thầy Hùng phải đi dò sóng, có khi phải lên khu đồi mới gọi điện được. Khó khăn vậy nhưng tình cảm người dân nơi đây lại chính là sợi dây níu kéo các thầy giáo gạt đi những khó khăn, vất vả về vật chất để ở lại đem cái chữ cho con em dân bản.
Ăn cùng người dân bản, sống cùng người dân bản thầy Hùng đã được bà con dân bản xem như người con của bản nên những khi bản có sự kiện, ngày lễ, thầy Hùng đều được mời tham dự. Cắm bản dạy học hơn 10 năm, thầy Hùng vẫn chưa có điều kiện xây dựng gia đình riêng. Nhắc đến chuyện riêng này, thầy Hùng cười hiền nói: “Dạy học ở bản vùng sâu, vùng xa, thời gian chủ yếu ở điểm trường nên cũng ít có điều kiện tìm hiểu bạn gái. Vì vậy mà đến giờ vẫn chưa đến duyên…” |
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại