Nhân ái

Người phụ nữ bất hạnh nuôi mẹ già và em gái nhiễm chất độc da cam

Lấy chồng từ năm 1994 nhưng bà Dung chưa một ngày rời nhà bố mẹ đẻ, bởi người phụ nữ này có bố mẹ già yếu và 2 người em nhiễm chất độc da cam. Có chồng như không, bà Dung vẫn một lòng một dạ ở lại ngôi nhà nhỏ ở quê nghèo Thái Bình để trọn hiếu, vẹn tình.

Bà Ngô Thị Thoa (54 tuổi) - em gái bà Ngô Thị Dung ở thôn Linh Thanh, xã Thuần Thành (huyện Thái Thụy, Thái Bình) là nạn nhân chất độc da cam dioxin. Ảnh: T.D

Từ thông tin do lãnh đạo và cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) cung cấp, ngày 23.7, chúng tôi tìm về thăm nhà cụ bà Lê Thị Ngân (91 tuổi, trú thôn Linh Thanh, xã Thái Thuần - nay là xã Thuần Thành, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Giữa cơn mưa tầm tã buổi trưa, bà Ngô Thị Dung (62 tuổi) là con gái cụ Ngân ra đón chúng tôi vào ngôi nhà nhỏ chỉ có toàn phụ nữ lớn tuổi...

Cụ bà Lê Thị Ngân xây dựng gia đình với cụ ông Ngô Liêm Oanh, sinh được 4 người con (con gái cả SN 1951, con gái thứ 2 là bà Dung SN 1959, con gái thứ 3 là bà Ngô Thị Thoa SN 1967, con trai út là ông Ngô Liên Thi SN 1969).

Cụ ông Ngô Liêm Oanh là người có công với cách mạng, tham gia vào cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, bản thân nhiễm chất độc hóa học ở cấp độ nặng. Hai người con gái đầu của cụ Oanh và cụ Ngân vẫn khỏe mạnh bình thường, đến người con gái thứ ba và người con trai thứ tư thì đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam dioxin.

Do ảnh hưởng của chất độc da cam, bà Thoa bị câm điếc bẩm sinh, không đi lại được mà chỉ có thể ú ớ, ngồi, nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh đều diễn ra trong căn phòng nhỏ này. Ảnh: T.D

Sau khi người chị cả lấy chồng ở huyện bên, năm 1994, bà Dung lập gia đình với người chồng quê tỉnh Quảng Ninh, sinh được hai người con.

Thế nhưng từ khi lấy chồng, bà Dung đã thuyết phục chồng ở rể lại Thái Bình để bà đỡ đần bố mẹ cùng chăm sóc hai người em tật nguyền.

Do chồng bà Dung hay rượu chè, cờ bạc lại thường xuyên chửi rủa, đánh vợ con, hỗn hào với bố mẹ vợ và các em nên từ năm 2008 đến nay, hai người đã không còn sống chung nữa, chồng bà bỏ về quê.

Đến năm 2012, cụ Oanh lâm bệnh nặng nằm liệt giường, đau đớn hơn 2 năm thì năm 2014, cụ qua đời. Từ đó, gần như một mình bà Dung phải lo toan, chăm sóc cho mẹ già và 2 người em nhiễm chất độc hóa học, thi thoảng người chị cả mới qua lại để đỡ đần được vài ngày.

Đến năm 2018, ông Ngô Liên Thi là con trai duy nhất và là con út trong gia đình cũng qua đời vì bạo bệnh. Giờ đây, ngôi nhà thường xuyên chỉ có 3 người phụ nữ, người mẹ năm nay 91 tuổi ốm đau liên miên, bà Dung và người em gái là bà Thoa bị tật nguyền.

"Khi bố tôi còn sống, ông nói rằng trời đã bắt tội 2 em như vậy rồi, chúng nó đã không thành người thì mong chúng đi trước, để bố còn sống lo cho chúng nó, chứ bố mà đi trước thì chỉ khổ mày với mẹ mày. Nhưng do chất độc nhiễm vào người nặng quá, đến năm 84 tuổi thì bố tôi mất sau mấy năm đau đớn, vật vã" - bà Dung kể lại.

Vừa chăm sóc em tật nguyền, bà Dung còn phải chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già yếu thường xuyên ốm đau. Ảnh: T.D

27 năm kể từ ngày lấy chồng, sinh con, bà Dung chưa một ngày được đi làm dâu, bởi trên có bố mẹ già, dưới là các em tội nghiệp. Hàng tháng, khoản tiền sinh hoạt, chi tiêu duy nhất gia đình trông ngóng vào khoản chi trả trợ cấp của nhà nước dành cho tuất vợ người có công của cụ Ngân, chế độ chất độc da cam của bà Thoa và chế độ chăm sóc thân nhân người có công của bà Dung, tổng cộng được hơn 2 triệu đồng.

"Trời vẫn còn chút thương cho số phận của tôi, cháu trai lớn sinh năm 1995 đã tốt nghiệp Đại học Bách Khoa ra trường đi làm được mấy năm, nuôi được em gái sinh năm 2000 vẫn đang đi học cũng ở Đại học Bách khoa" - bà Dung chia sẻ về niềm hạnh phúc mà mình có được.

Ông Phạm Văn Cương - cán bộ thương binh xã hội xã Thuần Thành - cho biết: "Bà Dung một mình chăm sóc mẹ già yếu và em gái cao tuổi nhiễm chất độc da cam, là 1 trong những trường hợp khó khăn đặc biệt nhất của địa phương. Rất mong chính quyền các cấp và cộng đồng xã hội quan tâm, chia sẻ với người phụ nữ bất hạnh này".

Mọi sự giúp đỡ gia đình bà Ngô Thị Dung xin gửi về Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng, số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232748. Số tài khoản (STK): 113000000758 tại Vietinbank Chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. STK: 0021000303088 - tại Vietcombank - Chi nhánh Hà Nội, STK: 12410001122556 - tại BIDV - Chi nhánh Hoàn Kiếm.

Hoặc ủng hộ trực tiếp đến Mã số: LD 21155, bà Ngô Thị Dung, địa chỉ: thôn Linh Thanh, xã Thuần Thành (Thái Thuần cũ), huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Số ĐT: 0366592884. STK: 3408192240825 - tại Agribank - Chi nhánh Thái Thụy, Thái Bình.

Tác giả: TRUNG DU

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok