Cãi nhau như “hàng tôm, hàng tép”
Những ngày gần đây, chuyện các thí sinh cãi vã, ném đồ, đụng tay đụng chân… để giải quyết mâu thuẫn; giám khảo/ host lời qua tiếng lại với nhau như “ngoài đường ngoài chợ” trong chương trình Vietnams Next Top Model 2017 và The Face 2017 khiến nhiều người bức xúc đề nghị dẹp bỏ chương trình.
Cụ thể, dù mới chỉ phát sóng đến tập 4 nhưng Vietnam's Next Top Model 2017 đã mang đến cho người xem khó chịu này đến khó chịu khác. Người ta không thể tưởng tượng được vì sao một chương trình tìm kiếm người mẫu mà các thí sinh lại hành xử với nhau như “hàng tôm, hàng tép” ngoài chợ.
Thuỳ Dương ném đồ vào đầu Nguyễn Hợp trong tập 4 Vietnam's Next Top Model 2017. |
Trong tập 2 của chương trình, chỉ vì chuyện tranh chấp một chiếc giường mà sáu cô gái khiến người xem “nhức óc” vì phải nghe họ cãi vã qua lại. Thậm chí, nếu không có các thí sinh khác can ngăn có khi Cao Thiên Trang và Nguyễn Hợp đã lao vào đánh nhau vì chấp nhặt nhau một câu nói.
Trong tập 4, các cô gái ngồi trong nhà chung chỉ thẳng vào mặt nhau để nói chuyện, người này vừa nói một câu người kia đã ra giọng xỉa xói, thủ lĩnh vứt hết đồ đạc của các thành viên ra ngoài để lấy lại phòng, thành viên không phục tạt nước vào người thủ lĩnh…
Không chỉ có thí sinh mà ngay cả “host” (người dẫn của chương trình) cũng nói chuyện với nhau “chợ búa” không thua kém. Trong các tập đã phát sóng, host Nam Trung không chỉ có những động tác khiếm nhã như: ngáp, trợn mắt, bĩu môi… mà còn có những lời nói đầy chua ngoa dành cho thí sinh và Võ Hoàng Yến. Đỉnh điểm là khi Võ Hoàng Yến phản biện lại những đánh giá của Nam Trung về Cao Ngân liền bị anh “chặn họng”: “Đem cái giấy khai sinh ra đây rồi hẵng nói chuyện về cách sống”...
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Vietnam's Next Top Model gây phản ứng với những “chiêu trò phi văn hoá” này. Cuộc chiến của các thí sinh trong ngôi nhà chung và cách hành xử thiếu tế nhị của các host đã từng khiến truyền hình thực tế xấu đi nhiều.
Tương tự, trong The Face 2017, các giám khảo cũng sẵn sàng lời qua tiếng lại, chỉ thẳng vào mặt nhau để nói chuyện, coi thường nhau ra mặt... Ngay ở tập 1, thí sinh với HLV đã cãi nhau loạn xa. Đến các tập tiếp theo, Minh Tú, Lan Khuê và Hoàng Thùy cũng liên tiếp "choảng" nhau trước mặt thí sinh.
Mặc dù các thí sinh lẫn giám khảo biết là mọi thứ đang được quay lại để phát sóng trên truyền hình nhưng họ vẫn cư xử với nhau “bản năng” như đang ngồi ở một chỗ vắng người. Những câu nói mang tính thiếu kiềm chế được "văng" ra mọi lúc khiến cho mỗi tập phát sóng là một sự khó chịu với người xem. Nhiều cảnh khi phát trên truyền hình bị cắt thì ngay lập tức được đăng tải lại trên mạng xã hội để đẩy kịch tính của chương trình lên cao hoặc tạo ra những cãi vã trên mạng xã hội hòng PR cho chương trình.
“Thượng đế” đang bị xem thường?
Cựu người mẫu Thuý Hạnh cho rằng: “Có thể, các người mẫu trẻ bây giờ muốn thể hiện cái tôi cá nhân nhưng các bạn ấy thể hiện hơi quá đà khiến cho người xem có những cái nhìn không được thiện cảm. Vì thế, bản lĩnh của người tham gia truyền hình thực tế rất quan trọng. Với những người mẫu trẻ, truyền hình thực tế chỉ là bước đệm, nếu họ không giữ được bản lĩnh sống của mình thì con đường đi sau này của họ sẽ rất khó khăn.
Riêng các chương trình truyền hình thực tế, nếu phát hiện có vấn đề hoặc bị dư luận lên án quá mức thì nhà đài cần phải nhắc nhở và chấn chỉnh nhà sản xuất để tiết chế lại”.
Theo cựu người mẫu Thuý Hạnh, khán giả khi xem truyền hình thực tế cũng nên tỉnh táo bởi nhiều khi những gì mình được thấy trên màn hình là sự ghép đặt có chủ ý của nhà sản xuất. Tất nhiên, khán giả có quyền bày tỏ ý kiến của mình để cả thí sinh lẫn giám khảo trong chương trình có thể nhận ra những điều mình bị hạn chế mà thay đổi theo hướng phù hợp.
Nghệ sỹ Công Vượng bày tỏ, với tư cách là nhà sản xuất chương trình, anh hiểu được áp lực của các nhà sản xuất khi bắt tay vào dàn dựng một chương trình. Trong thời điểm cứ mở tivi lên lại gặp truyền hình thực tế thì nhà sản xuất buộc phải sử dụng chiêu trò để tạo drama (kịch tính) là điều dễ hiểu. Nhưng kể cả tạo kịch tính thì cũng phải văn minh chứ không thể để cho các nhân vật biến truyền hình thực tế thành “cái chợ”...
“Một khi câu chuyện của truyền hình thực tế bị đẩy đi quá xa so với những chuẩn mực văn hoá thì việc bị phản ứng hoặc đòi tẩy chay là điều dễ hiểu. Thời gian gần đây, truyền hình thực tế đã tạo ra quá nhiều những chiêu trò lố lăng, không thể chấp nhận. Và càng không thể chấp nhận khi tôi là khán giả, bỏ tiền ra để xem truyền hình nhưng lại phải chứng kiến những màn cãi vả đầy tính “chợ búa” của những người mà tương lai sẽ là người mẫu, sẽ có thể đại diện cho hình ảnh thương hiệu hoặc quảng bá cho sản phẩm nào đó.
Tôi cũng cực lực phản đối kiểu giám khảo bốp chát với nhau không tiếc lời như trong Vietnam's Next Top Model và The Face gần đây. Làm thế khác nào xem thường khán giả, dìm văn hoá xuống thang “zero” và xúc phạm ba chữ “người nổi tiếng”, nghệ sĩ Công Vượng nói.
Nhiều người cho rằng, việc nhà sản xuất và những người nổi tiếng trong Vietnam's Next Top Model và The Face bất chấp dư luận để làm những điều không phù hợp với chuẩn mực văn hoá đã làm cho chương trình xa rời mục đích tìm kiếm người mẫu Việt Nam hoặc tìm kiếm gương mặt thương hiệu. Và thực tế đã chứng minh, nhiều chương trình từng bị khán giả quay lưng khi lạm dụng chiêu trò quá mức để câu rating. Bởi không một “thượng đế” nào có thể chấp nhận bỏ tiền ra để xem những cảnh cãi vã, bốp chát, ứng xử thiếu văn hoá... của người nổi tiếng từ năm này qua tháng khác.
Tất nhiên, khán giả cũng không bỏ qua câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị phát sóng đối với những chương trình như thế này. Đành rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường, lợi nhuận là điều không thể không tính đến. Nhưng không thể vì lợi nhuận mà bỏ qua mọi giá trị, nhất là với chương trình truyền hình thực tế phát sóng trên sóng quốc gia.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: Báo Dân trí