Trong nước

Người nắm giữ 'chìa khoá' Đổi mới

Trước thềm Đại hội VI, cỗ xe Đổi mới ở Việt Nam đã đi được một chặng đường với những cuộc “phá rào” từ cơ sở. Nhưng hành trình chưa hết quanh co, lúc này tiến hay lùi phụ thuộc vào bản lĩnh của người cầm lái.

Công cuộc 'sắp xếp lại giang sơn' trước đại hội Đổi mới 1986
Những chuyện 'cười ra nước mắt' thời tem phiếu

Dành cả đời để nghiên cứu về lịch sử kinh tế Việt Nam, cố giáo sư Đặng Phong trong các công trình nghiên cứu của mình cho rằng: Không thể nói ai là tác giả của Đổi mới ở Việt Nam, đó là sự nghiệp của toàn dân và tập thể lãnh đạo. Mỗi người có đóng góp tùy vào vị trí, cũng như tâm huyết và trí tuệ của mình, để cùng nhau đẩy tiến trình Đổi mới đi lên.

“Thời điểm trước khi diễn ra Đại hội Đảng VI, sau khi Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời và ông Trường Chinh lên thay, có thể nói ở vị trí của mình - Tổng bí thư và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - nhà lãnh đạo Trường Chinh là người nắm giữ chìa khóa của Đổi mới”, GS Phong nhận định.

Video: Ông Phan Diễn nói về những chuyến đi thực tế của Tổng bí thư Trường Chinh trước năm 1986


“Chiếc chìa khoá Đổi mới” đã không hình thành trong một sớm một chiều, mà có quá trình từ nhiều năm trước đó.

Đầu thập niên 80, thông tin từ các bộ ngành, địa phương cũng như thư từ của cán bộ, đảng viên và nhân dân khắp nơi gửi về văn phòng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, phản ánh những khó khăn, bức xúc về tình hình kinh tế - xã hội.

Trước tình hình trên, nhà lãnh đạo trăn trở suy nghĩ tìm cách đưa đất nước thoát tình thế “dựa chân tường”. Cuối tháng 11/1982, ông quyết định hai việc đặt nền móng cơ bản cho sự hình thành tư duy đổi mới sau này. Một là, thành lập nhóm các nhà khoa học để nghiên cứu lý luận, gồm cả việc phân tích khách quan cuộc khủng hoảng kéo dài và suy nghĩ, xem xét phải bắt đầu từ đâu, làm thế nào để “thoát ra”. Hai là, tổ chức đi thực tế ở các địa phương trên cả ba miền đất nước.

Hàng loạt chuyến đi từ 1983 đến 1985 giúp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh nhìn rõ sự thật.


Tổng bí thư Trường Chinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội VI. Ảnh: TTXVN

Khoán chui

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh (thời điểm năm 1982 là Trưởng ban nông nghiệp Trung ương) nhớ lại, lúc bấy giờ lối quản lý hợp tác xã khiến sản xuất nông nghiệp hết sức trễ nải. Trước tình thế đó, một số nơi ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc giao ruộng cho xã viên, ngoài mức nộp cho hợp tác xã theo diện tích được chia, nông dân hưởng phần sản lượng dư thừa. Cách làm này còn gọi là “khoán chui”, vì trái với hình thức hợp tác hoá nông nghiệp và chủ trương cải tạo quan hệ sản xuất ở nông thôn.

“Khoán chui” giúp đời sống nông dân cải thiện, nhưng ở cơ sở phải làm lén lút, nếu trên biết thì bí thư đảng uỷ, chủ nhiệm hợp tác xã bị kỷ luật, thậm chí bị khai trừ ra khỏi Đảng. Điển hình là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú Kim Ngọc cho người dân khoán hộ nên phải làm kiểm điểm, tự phê bình…

“Ban đầu, đồng chí Trường Chinh nghe nói đến khoán chui thì trầm ngâm suy nghĩ, rồi yêu cầu chúng tôi cùng đi khảo sát”, ông Phan Diễn (nguyên Thường trực Ban bí thư, từng là thư ký của Tổng bí thư Trường Chinh) nhớ lại.

Nhóm giúp việc tổ chức để ông Trường Chinh xuống thăm cả hai mô hình, đầu tiên là một số hợp tác xã quản lý theo kiểu cũ đạt kết quả tốt. Ở những nơi này, ông Trường Chinh hài lòng, nhưng khi tìm hiểu sâu, ông nhận thấy mô hình đó đòi hỏi phải có lãnh đạo tốt, tâm huyết và được địa phương ưu ái dồn nguồn lực đầu tư. Với hai điều kiện như vậy thì không thể làm đại trà, vì thực chất chỉ là cách xây dựng “mô hình kiểu mẫu”.

Lần nọ, đón ông xuống thăm, một hợp tác xã đã mượn những con lợn béo nhất của tư nhân nhốt chung vào chuồng lợn tập thể để “khoe thành tích”. Có người phát hiện chỉ ra chuyện này, vì lợn nuôi chung một chủ sẽ không cắn nhau chí chóe trong chuồng như vậy. Nghe xong, ông cau mày suy nghĩ.

Đi tiếp đến những nơi “khoán chui”, ông Trường Chinh thấy rõ sức sống trong sản xuất. Có lần về quê ở Nam Định, ông nghe bà con họ hàng than thở: "Bác làm thế nào cho khoán vài năm để chúng tôi sống đã, sau đó rồi siết lại chứ chết đói đến nơi rồi".

Đến lúc này, từ chỗ từng phê phán mô hình khoán của Vĩnh Phú, ông đã thay đổi ý kiến.

Sự kiện Đà Lạt

Tháng 7/1983, hay tin nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong đó có ông Trường Chinh đi nghỉ ở Đà Lạt, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Linh sắp xếp cho một số giám đốc các xí nghiệp năng động, sản xuất kinh doanh hiệu quả báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Trung ương về tình hình sản xuất kinh doanh và đề đạt nguyện vọng của cơ sở.

"Sự kiện Đà Lạt" diễn ra trong thời gian vừa đúng một tuần lễ (từ 12 đến 19/7/1983). Có ông giám đốc nhà máy thuốc lá rưng rưng nước mắt khóc khi nói về những bi kịch của xí nghiệp mình: Ông vốn là con nhà lao động, đi theo Đảng làm cách mạng, tham gia kháng chiến, sau giải phóng trở về được cử làm giám đốc xí nghiệp. Ông đã bươn chải qua bao khó khăn để tháo gỡ cho sản xuất, cho đời sống công nhân, nhưng luôn luôn bị quy kết là làm sai đường lối…

Ông Nguyễn Văn Linh sau đó mời ba lãnh đạo thăm cơ sở chế biến tơ tằm và xí nghiệp chè của TP HCM đặt tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Và trong một buổi làm việc riêng với các lãnh đạo Trung ương, ông đã báo cáo tất cả tâm tư, những vấn đề mà mình đang nung nấu.

“Hội nghị Đà Lạt có tác động rất lớn vào tư duy của ông Trường Chinh. Ông nhận thấy vấn đề không chỉ là một vài cách thức quản lý kém hiệu quả, mà đã đến lúc phải xem lại cả hệ thống quan điểm về quản lý kinh tế. Về Hà Nội, ông lập tức mời nhiều nhà khoa học đến để nghe suy nghĩ về phương hướng đổi mới”, ông Phan Diễn kể.

Là một trong những nhà kinh tế có tư tưởng đổi mới thời bấy giờ, GS Đào Xuân Sâm (nguyên giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được mời tham gia tổ tư vấn cho Tổng bí thư Trường Chinh. GS Sâm nhớ lại: “Nhiều lần, nhóm nghiên cứu làm việc với Tổng bí thư 3-4 ngày liên tục, ông có thể ngồi nghe chúng tôi trình bày các vấn đề kinh tế mới hàng giờ liền”.


Tổng bí thư Trường Chinh phát biểu tại Đại hội VI. Ảnh: TTXVN

Nhìn thẳng vào sự thật

Những quan điểm đổi mới của nhà lãnh đạo Trường Chinh lần lượt được trình bày tại các hội nghị Trung ương năm 1984, 1985. Ông nêu rõ chế độ bao cấp trong những năm qua làm cho bức tranh kinh tế trở thành giả tạo, đồng thời đưa ra cách nhìn mới về hàng loạt vấn đề: Thái độ với thị trường và giá thị trường, cách giải quyết vấn đề tiền lương, đánh giá hiện tượng "xé rào" ở cơ sở...

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa V) ngày 6/7/1984, ông nhấn mạnh đến thái độ dứt khoát: Trong khi chúng ta còn đang do dự, chưa quyết tâm giải quyết vấn đề tiền lương thì các ngành, các địa phương và cơ sở không chờ quyết định của Trung ương, từ lâu đã “tự động xé rào” để lo cho đời sống công nhân viên chức.

"Khi Trường Chinh nói đến cụm từ tự động xé rào, cả hội trường xôn xao, rằng: Không ngờ ông cụ nắm chắc tình hình đến thế!”, giáo sư Trần Nhâm (nguyên trợ lý Tổng bí thư Trường Chinh) thuật lại.

Các bài phát biểu của ông không dừng lại trong các hội nghị Trung ương mà nhanh chóng được xã hội đón nhận, truyền tay nhau đọc và bàn luận sôi nổi. Nhưng lúc này cũng xuất hiện các ý kiến trái chiều. Trên một số diễn đàn vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1986, khi thảo luận các quan điểm kinh tế, có ý kiến phê phán gay gắt tư duy mới là "say sưa với cơ chế thị trường", "bắt chước các quan điểm của nước ngoài", cho rằng phải "cẩn thận với những con ngựa thành Troy”...

Hơn ai hết, ông Trường Chinh thấy rõ tính chất khó khăn, phức tạp trong quá trình đưa tư duy mới trở thành dòng chủ lưu. Ngày 18/5/1986, trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị, ông đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc “trao đổi thẳng thắn, có tinh thần trách nhiệm”, và “điều tuyệt đối tránh là không vì ý kiến khác nhau mà quy chụp”.

Theo bộ sách về tiểu sử của ông được ấn hành bởi Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, lúc bấy giờ, “những ý kiến đúng đắn và kiên định của đồng chí Trường Chinh đã góp phần quan trọng giúp cho Đảng giữ vững được định hướng đổi mới kinh tế, tránh được bước quanh co dao động quay trở lại con đường quan liêu, bao cấp”.

Và rồi vào một ngày đông cách đây tròn 30 năm, từ diễn đàn Đại hội VI, giọng của Tổng bí thư Trường Chinh vang trong hội trường Ba Đình giữa những tràng vỗ tay nồng nhiệt, kéo dài: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.

Với mô hình quản lý kinh tế, xã hội tập trung, bao cấp, Việt Nam trải qua nhiều khủng hoảng. Mùa đông năm 1986, Đại hội VI của Đảng diễn ra từ 15 đến 18/12, Tổng bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Ông cùng đội ngũ lãnh đạo đất nước đã quyết định “bẻ lái”. Nhân dịp này, VnExpress đăng loạt bài về một thời khó quên trước, trong và sau Đổi mới.

Tác giả bài viết: Võ Văn Thành - Hoàng Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok