Chị Minh và anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1987) tình cờ gặp nhau trong đám cưới của một người bạn rồi trao nhau số điện thoại liên lạc. Sau lần gặp gỡ ấy, anh Hùng lại vào Tây Nguyên làm thợ hồ. Chị Minh rời nhà vào tận Bình Dương làm công nhân. Năm 2008, hai người quyết định nên duyên vợ chồng sau một năm yêu nhau qua…điện thoại dù chưa một lần hẹn hò.
Sau khi cưới, họ được mẹ chồng xây cho một căn nhà cấp 4 cho ra ở riêng. Cuộc sống mới đầu của đôi vợ chồng trẻ cũng hạnh phúc, yên ấm như bao cặp đôi khác. Anh Hùng xin làm thợ hồ trong các công trình xây dựng gần nhà. Chị Minh vừa chăm sóc con, vừa đi thu mua phế liệu quanh làng để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày.
Thế nhưng, càng ngày, chân tướng người chồng lười biếng, thường xuyên cờ bạc, vũ phu dần xuất hiện. Những đồng tiền làm được người chồng đem nướng hết vào những cuộc sát phạt trên chiếu bạc. Khi hết tiền, anh này lại về khuôn hết đồ đạc có giá trị trong nhà mang đi bán, ngửa tay xin tiền vợ. Những lúc không có tiền đưa là chị Minh lại bị chồng chửi mắng, đánh thâm tím mặt mày.
Chỉ trong vòng 5 năm, chị liên tiếp sinh 3 “thị mẹt”, đứa này chưa kịp lớn thì đứa kia chào đời. Một mình tay xách tay bồng ba đứa con đã vất vả, chị còn bị chồng ngày đêm chửi bới, đánh đập vì cái tội không chịu sinh con trai nối dõi tông đường. Thường xuyên chứng kiến cảnh vợ chồng chị Minh “cơm không lành, canh chẳng ngọt” nhiều người hàng xóm nghĩ chắc vì không có con trai nên anh Hùng mới đổ đốn, hành hạ vợ. Họ khuyên chị Minh nên đẻ tiếp để kiếm một “thằng cu” cho nhà cửa yên ấm.
Năm 2013, chị Minh lại tiếp tục mang thai, lần này, chị sinh được con trai như mong muốn nhưng vẫn bị chồng đánh đập thậm tệ. “Khi con trai chào đời, thay vì vui mừng, anh ta lại ghen tuông vô cớ, đánh đập tôi ngay trong tháng ở cử. Chồng tôi nói 3 đứa con gái là con anh ta, còn cậu con trai út là con của người đàn ông khác. Anh ta nghi ngờ tôi có quan hệ bất chính với người đàn ông khác đến có con. Rất may thằng bé càng lớn càng giống bố nên anh ta mới chịu buông tha cho tôi, chịu nhìn mặt con mình”, chị Minh nức nở nhớ lại.
Chị Minh kể lại chuỗi ngày đau khổ của mình.
Cứ tưởng khi có con trai rồi thì chồng sẽ thay đổi, nào ngờ, anh Hùng ngày càng dấn sâu vào cờ bạc. Khi trong nhà không còn gì đáng giá để bán, khi vợ không biết vay mượn thêm của ai, anh Hùng đem thế chấp ngôi nhà, thứ tài sản duy nhất để vay tín dụng 45 triệu đồng lấy tiền đánh bạc.
“Nhân viên ngân hàng tìm đến nhà xác minh, xin chữ ký của vợ, tôi đã không ký vào giấy vay tiền và nói với họ rằng chồng tôi cờ bạc, đừng cho chồng tôi vay. Nếu cho chồng tôi vay tiền sau này không có trả thì tôi không chịu trách nhiệm. Biết tôi không chịu ký vào giấy vay tiền, anh ta lao vào túm tóc, đánh tới tấp vào người tôi. Lấy bơm xe đạp đánh mạnh vào chân, vào đầu tôi, dọa sẽ chặt đứt đôi tay của tôi nếu như tôi không chịu ký khiến tôi đi cấp cứu. Sau một tuần nằm viện điều trị, tôi trở về và đành phải ký vào giấy để anh ta vay tiền. Số tiền đã vay tôi không được cầm bất cứ đồng xu nào, đàn con tôi cũng không được một đồng mua sữa. Thế nhưng, cứ đến kỳ hạn đóng lãi, anh ta lại bắt tôi chạy vạy khắp nơi vay tiền”.
Chồng không có trách nhiệm với vợ con, lại thường xuyên hành hạ vợ, một mình chị Minh phải chạy vạy vất vả lắm mới kiếm được bát cơm lót dạ qua ngày cho 4 đứa con. Dù con trai mới hơn một tháng tuổi nhưng chị cũng phải nhờ bà ngoại ở nhà chăm sóc để đi bốc gạch để kiếm tiền. Mỗi lần mở miệng khuyên can chồng nên nghĩ đến vợ con mà suy nghĩ lại là lần đó chị lại bị chồng đánh. Bất lực, chị đành cắn răng chịu đựng, xem như đó là số phận của mình.
Ngày 6/2/2016 (tức ngày 28 tết Nguyên đán) khi mọi người đang vui vầy, chuẩn bị đón tết thì chị Minh lại bị chồng đánh cho một trận thập tử nhất sinh, phải vào bệnh viện cấp cứu vì "tội" không vay tiền cho cho chồng đi đánh bạc, để sắm sửa tết trong gia đình. Đánh chán, người chồng tháo bình ga ở bếp đặt ở đầu giường, nơi mẹ con chị Minh nằm rồi đe dọa sẽ thiêu sống vợ. Sự việc chỉ dừng lại khi người dân báo với công an xã đến can thiệt.
Khi vết thương đã thuyên giảm, chị Minh xin xuất viện về nhà lo tết thì cảnh tượng tan hoang diễn ra trước mắt. Người chồng đã cào hết ngói trên mái nhà xuống, đồ đạc của chị Minh bị ném ra ngoài sân. Không còn chỗ để ở, chị đành tay ôm tay dắt bốn đứa con về nhà bố mẹ đẻ nương nhờ.
Lối thoát duy nhất
Phía trong căn nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Tứ (mẹ đẻ của chị Minh), chị Minh đang loay hoay cho hai đứa con nhỏ (đứa 3 tuổi, đứa 15 tháng tuổi) ăn sáng. Hai đứa con lớn của chị (đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi) đang theo học ở trường làng. Chị Minh cho biết gần 4 tháng nay năm mẹ con chị về tá túc nhà người mẹ đẻ. Để có tiền nuôi bốn đứa con, chị hàng ngày rong đuổi trên chiếc xe đạp đi khắp làng trên xóm dưới thu mua phế liệu. Được sự động viên, khuyên bảo từ gia đình, bạn bè, chị Minh quyết định viết đơn li hôn để giải thoát cho cuộc đời mình.
“Chồng tôi là người cạn tình cạn nghĩa. Dù không thương vợ cũng phải nghĩ đến bốn đứa con. Đằng này, nhà chỉ cách nhau chưa tới 1km nhưng anh ta chưa bao giờ ghé thăm, cũng không một lần điện thoại hỏi xem các con sống chết thế nào. Tôi đã gửi đơn lên TAND huyện Quỳnh Lưu để giải quyết việc li hôn nhưng đến nay đã gần 4 tháng trôi đi mà chưa có một phản hồi nào từ phía tòa án”, chị Minh cho biết.
4 mẹ con chị Minh đang nương nhờ nhà người mẹ ruột.
Ngồi thẩn thờ trên chiếc ghế nhìn hai đứa cháu ngoại bất hạnh, bà Tứ nghẹn lòng. “Sinh được mỗi một cô con gái mà vô phúc vô phận, mới 26 tuổi đã trải qua một đời chồng, một nách bốn đứa con, không tiền bạc, không nhà cửa, nghĩ đến con lúc nào là tôi lại chảy nước mắt. Giờ tôi không chỉ nuôi con mà còn cưu mang cả một đàn cháu. Vợ chồng con cái đã vậy, phía bên nhà nội cũng có bao giờ ngó ngàng gì đâu”.
Trao đổi sự việc với PV, ông Lê Văn Thành (trưởng công an xã Quỳnh Văn) xác nhận. “Mâu thuẫn giữa vợ chồng anh Hùng, chị Minh diễn ra đã nhiều năm nay, phía chính quyền địa phương đã nhiều lần hòa giải nhưng bất thành. Cuối năm 2015 anh Hùng đã bị công an xã xử phạt hành chính một triệu đồng vì bạo hành vợ.
Hiện tại, chị Minh cùng bốn đứa con đang tá túc ở nhà mẹ đẻ. Chị Minh cũng có làm đơn lên tòa án để giải quyết việc li hôn”.
(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)
Tác giả bài viết: Thúy Hằng