Gặp chúng tôi ở “lầu 6” Bệnh viện Trung ương Huế (tên thường gọi của Khoa Hồi sức Tích cực, nơi dành điều trị các bệnh nhân bị tai nạn nghiêm trọng, bệnh hiểm nghèo có nguy cơ tử vong cao) vào tháng 5, chị Nguyễn Thị Lan Anh (45 tuổi) nước mắt lưng tròng nghẹn ngào.
Chị kể, dịp lễ 30/4, con trai chị là cháu Trương Ngọc Phước (22 tuổi) trên đường về nhà đã bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não rất nặng phải nhập viện vào “lầu 6” trong tình trạng hôn mê và nguy kịch.
Theo Ths.BS. Nguyễn Xuân Tài, Khoa Hồi sức Tích cực cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân Phước bị chấn thương sọ não và đa chấn thương nặng. Hội chẩn các khoa liên quan gồm Ngoại thần kinh, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại lồng ngực để tìm hướng xử lý tích cực cho bệnh nhân thì tiên lượng bệnh rất xấu. Bệnh nhân Phước hiện không thể phẫu thuật được mà chỉ điều trị nội khoa và hồi sức.
Cụ thể, bệnh nhân bị dập não, phù não, xuất huyết dưới nhện, hôn mê glasgow 3 điểm, tụ máu dưới màng cứng. Các y bác sĩ phải cho Phước thở máy và vận mạch liều cao kèm kháng sinh, dịch truyền và các thuốc hỗ trợ.
Chị Lan Anh đứng bất động, nước mắt tuôn trào khi thấy con gặp nạn nguy kịch |
Mỗi ngày tốn 5 triệu đồng, trong 6 ngày, chi phí thuốc men cho Phước là 30 triệu đồng, trừ bảo hiểm được 80%, gia đình phải trả 6 triệu đồng. Bệnh còn dài và chưa biết khi nào lành, hoàn cảnh nhà khó khăn khiến chị Lan Anh phải đi mượn khắp nơi được hơn 20 triệu để tạm ứng trước tiền viện phí.
“Trong đêm con em bị tai nạn vào cấp cứu, hai vợ chồng gần như không còn tiền phải đi mượn được 3 triệu đồng và nộp 2 triệu vào bệnh viện. Chị đi cầm cố điện thoại được 200 ngàn đồng. Ngày hôm sau đi mượn khắp xóm và bà con được hơn 20 triệu đồng cũng nộp tạm ứng vào viện phí rồi. Tình hình cháu rất nguy cấp, ngày nào cũng điều trị tốn kém, nhất là bệnh quá nặng, chị đánh liều quên đi sự xấu hổ nhờ báo giúp chị” – chị Anh nói.
Chị Anh khóc gọi con nhưng con không trả lời |
Được biết, chị Anh làm nghề phụ nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Trong mùa dịch Covid-19 mấy tháng qua chị không làm ra đồng nào do đám cưới, tiệc tùng không ai tổ chức. Chồng chị đi làm phụ hồ cũng lâm vào tình trạng tương tự khi ít ai làm nhà cửa vì đại dịch.
Cháu Phước bị tai nạn làm nghề may ở Bến xe phía nam, TP Huế chỉ vừa đủ chi tiêu. Ngoài cháu Phước là con thứ hai, anh chị còn có 4 người con. Cháu đầu năm nay 23 tuổi làm nghề may ở TP Hồ Chí Minh. Cháu thứ ba là con gái duy nhất trong nhà học nghề uốn tóc cùng anh đầu ở Hồ Chí Minh, nghe tin anh trai bị tai nạn tức tốc chạy ra Huế cùng mẹ chăm anh. Cháu kế cuối nhà cho vào chùa tu vì nghèo quá nuôi không nổi. Và một cháu út bị bệnh Down nhẹ không đi học được năm nay 10 tuổi.
2 năm trước nhà anh chị còn hộ nghèo thì năm ngoái đã xuống hộ cận nghèo và năm nay thì ra khỏi diện cận nghèo nên không được nhận các ưu đãi nào. Chật vật với cuộc sống mưu sinh hàng ngày để có miếng ăn, nay con bị tai nạn “thập tử nhất sinh”, chị Lan Anh khóc nói với chúng tôi mong được sự quan tâm, giúp đỡ từ các bạn đọc, nhà hảo tâm cứu giúp nhà chị.
Được vào thăm con 1 lần/ ngày vào đầu giờ sáng, chị Anh cứ ôm chầm lấy con mà khóc “Con ơi, mẹ đây, con mau quay về với mẹ và gia đình, con có chuyện chi mẹ sống không nổi”. Nhưng đáp lại là sự im lặng, chỉ có tiếng tít tít đều của máy thở. Nằm trên giường, Phước vẫn nhắm nghiền đôi mắt, cử động yếu ớt vì não đã tổn thương quá nặng.
Người mẹ nghèo phải đi vay mượn nhiều để có tiền chữa trị cho con |
Nước mắt người mẹ nghẹn ngào, nhưng con vẫn bất động. Những nỗi đau, nỗi lo cứ ập vào người mẹ nghèo khốn khổ chạy vạy, vay mượn từng đồng có tiền để chữa bệnh cho con.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Mã số 3737: Chị Nguyễn Thị Lan Anh.
Địa chỉ: Kiệt 29 đường Nguyễn Khoa Chiêm, tổ 10, phường An Cựu, TP Huế
Số ĐT: 078.754.1816
Cháu Trương Ngọc Phước đang điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Trung ương Huế, TP Huế
Số tài khoản cháu của chị Lan Anh: 0161001742119, Châu Viết Hào, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Huế (Vietcombank)
Tác giả: Đại Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí