Cuộc sống

Người mẹ mất quyền nuôi con vì cú bỏ nhà đi xốc nổi

Giận mẹ chồng, chị Linh bỏ đi để lại ba con thơ cho chồng chăm sóc. Khi ra tòa chị đã mất quyền nuôi con.

Chị Linh (45 tuổi, quận 4, TP HCM) và anh Trọng kết hôn từ năm 2002, có ba con chung, hai trai một gái. Hai người đều thành đạt, thu nhập cao. Sinh con thứ ba xong, chị phải nghỉ việc ở nhà nội trợ, kinh tế một mình anh Trọng lo. Đó cũng là khoảng thời gian mâu thuẫn gia đình bắt đầu nảy sinh.

Nguyên nhân cũng vì mẹ chồng nàng dâu không hòa hợp. Từ ngày chị nghỉ việc, mẹ anh cho rằng con dâu lười biếng, chỉ biết ăn bám chồng nên chì chiết, miệt thị. Chị đáp lại: “ba đứa con còn nhỏ, một đứa đang bị bệnh, cả ngày phải chăm chúng, đưa đi học không có thời gian nghỉ sao đi làm”. Anh ra mặt bệnh mẹ, mâu thuẫn xảy ra từ đó.

Gay gắt hơn khi chị bỏ về nhà bố mẹ đẻ sống. “Tôi nghĩ, mình bỏ đi để người ta chăm ba đứa nhỏ cho biết cực khổ thế nào mà bớt trách móc”, chị nói. Thế nhưng, điều đó làm anh Trọng vô cùng tức giận. Anh nói: “Cô ta là một người vô tâm, không có trách nhiệm mới bỏ con nhỏ, đang bị bệnh mà đi. Chúng không nên có một người mẹ như vậy”. Sau hơn 11 năm chung sống, họ ly hôn, con cái chia đôi, chị nuôi đứa út, anh nuôi hai đứa lớn, trong đó có cháu Phương - là con thứ, bị bệnh từ nhỏ, hàng tháng phải vào viện chạy thận.

Không được chăm con gái mỗi ngày, chị Linh vô cùng hối tiếc: Ảnh: Blogradio.vn

Tại bản án ly hôn, họ thỏa thuận, cuối tuần anh phải chở hai con lớn qua ở với mẹ. Anh Trọng hứa tạo mọi điều kiện cho bốn mẹ con gặp nhau. Họ cũng cam kết mỗi tuần cho các con gặp nhau một lần để chúng gắn bó, cảm nhận tình yêu của cả cha và mẹ.

Vậy mà, mỗi lần chị Linh đi gặp con vô cùng khó. Chị cho biết, cha mẹ anh thấy cứ mắng chửi, xua đuổi, nhiều khi không cho vào nhà để gặp con. Có hôm, chị mua quà, quần áo cho con phải mang về. Cay đắng hơn, các con dùng những lời khó nghe để nói chuyện và nhất định không chịu nhận mẹ.

Sau hai năm ly hôn, chị Linh có công việc thu nhập mỗi tháng hơn 50 triệu đồng. “Trước đây, vì không có công việc, kinh tế thua kém tôi phải nhường con cho anh ấy nuôi. Bây giờ, tôi có thể lo tốt cuộc sống cho các con”, chị nói. Người mẹ ấy đã làm đơn yêu cầu được nuôi bé Phương (khi đó 11 tuổi).

Trước đó, chị đã chuẩn bị hết các chứng cứ chứng minh việc đi thăm con bị ngăn cản, các tài sản chị có như nhà, xe, công việc, thu nhập, phương pháp chăm con, thuê cả luật sư để đảm bảo phần thắng về mình. “Chỉ cần bản án tòa tuyên nữa là tôi có thể được chăm sóc con mỗi ngày”, chị Linh nói.

Nhưng theo anh Trọng, từ ngày chị bỏ đi, ba cha con sống rất vui vẻ hạnh phúc. Buổi sáng anh cho con ăn, đưa đi học rồi mới đi làm. Chiều về tắm rửa, chuẩn bị bữa tối, giúp con học bài, chuẩn bị sách vở buổi học ngày mai. Bé Phương được ba chăm sóc nên hiện nay bệnh cũng đỡ hơn rất nhiều. “Dù hiện tại có khó khăn một chút nhưng tôi không muốn cuộc sống của ba cha con bị đảo lộn một lần nữa. Lần trước phải giao bé út cho cô ấy nuôi tôi đã rất buồn”, anh nói.

Khi tòa án quận 4 đưa vụ án ra xét xử, họ tranh cãi quyết liệt, đổ lỗi cho nhau để được nuôi con, vị chủ tọa phải đọc lá thư của bé Phương viết.

“Con lớn rồi. Con yêu cả ba và mẹ. Ba mẹ ly hôn con đã rất buồn. Con muốn nói rằng mình muốn sống trong gia đình có ba, có mẹ. Nhưng con bị bệnh nên chẳng làm gì được. Hôm nay, con nghe ba kể, mẹ muốn được đón con về chăm sóc. Con rất vui vì điều đó.

Nhưng mẹ biết không, thời gian xa mẹ, ba đã yêu thương con, chăm sóc con, cho con học và chữa bệnh cho con. Bây giờ bệnh của con đã đỡ nhiều rồi. Nếu được chọn sống với ba hay với mẹ con sẽ nói mình chọn cả hai. Tuy nhiên, vì điều kiện gia đình mình hiện tại, con phải nói xin lỗi mẹ để được ở bên ba”.

Chị Phương nghe mà lòng thắt lại, người gục xuống, nước mắt tuôn rơi. “Mẹ xin lỗi con. Mẹ đã không cho con một cơ thể lành lặn mà còn gieo thêm nỗi đau. Bây giờ, mẹ thấy mình sai thật rồi. Con gái biết không, thời gian qua, không được ở bên chăm sóc, nhìn một cơ thể nhỏ bé phải chịu đựng những cơn đau, hàng ngàn mũi tiêm chi chít trên người mẹ thương lắm. Vậy mà, mẹ thật bất lực khi không kiếm được nhiều tiền để cương quyết giữ con bên cạnh mình.

Hơn hai năm qua nó dài như một thế kỷ, muốn chạy đến ôm con vào lòng cho con chút hơi ấm của tình mẹ nhưng không thể làm được. Mỗi lần đi thăm, thấy người ta xua đuổi, chì chiết, cố tình ngăn cách mẹ lại nhụt chí, không muốn để cái tôi của mình bị xúc phạm. Mẹ thấy mình thật ích kỷ”, chị Linh nấc nghẹn.

Chị Hường (quận 1) cũng mất quyền chăm con vì bỏ nhà đi khi quá giận lúc bị chồng đánh và mắng chửi. Chị cho biết từng rất tự hào khi lấy được người chồng thành đạt, thu nhập cao, yêu thương vợ con hết mực. Thế nhưng, họ chỉ hạnh phúc được thời gian đầu.

Lúc con trai được năm tuổi, anh ngoại tình với nhân viên. Cô gái ấy ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng đằm thắm, biết cách chiều làm anh say đắm. Về nhà, phải nghe vợ cằn nhằn, mặt nặng mày nhẹ, anh trở nên vũ phu. Năm 2014, chị bỏ đi vì bị chồng bạo hành, lúc đó, con trai của họ tròn 7 tuổi.

Hai năm sau, họ ra tòa ly hôn và tranh chấp quyền nuôi con. Con trai anh chị 9 tuổi đã viết thư xin được ở với ba, vì mẹ đã bỏ đi khi em cần nhất. Chị Hường khóc nghẹn nhưng phải tôn trọng quyết định của con trai. “Xa thằng bé hai năm, là chừng đó thời gian tôi phải sống trong giày vò, dằn vặt, muốn gặp con nhưng chẳng được. Có lẽ vì thế mà thằng bé mới giận mẹ”, chị Hường nói.

Từng hơn 20 năm làm công tác xét xử, giải quyết nhiều vụ việc tương tự, một nữ thẩm phán của TAND quận 4 (TP HCM, xin giấu tên) cho rằng, người vợ ở hai câu chuyện trên đã không đúng, giải quyết mâu thuẫn gia đình không quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Vì nóng giận, vì cái tôi quá cao mà họ bỏ con ra đi, khi bé đang cần chăm sóc, yêu thương là một thiệt thòi lúc tranh chấp quyền nuôi con về sau. Hành động ra đi của người mẹ đã vô tình đẩy đứa trẻ trở nên cô đơn, đố kỵ và hình thành tính hẹp hòi khi phải xa mẹ trong thời gian dài.

Bà còn rất nhớ ánh mắt hận thù của cậu bé 11 tuổi - con trai chị Lan (quận 4) khi gặp mẹ ở tòa lúc cha mẹ ly hôn. Vừa nhìn thấy mẹ từ xa, cậu bé đã lấy tay che mặt, run sợ khi chị đến gần. Điều đó rất khác với trước kia, em luôn nói yêu mẹ, chẳng chịu rời nửa bước. Vậy mà, mới cách xa một năm mà cậu bé hoàn toàn thay đổi.

Bà khuyên các cặp vợ chồng rằng, khi ly hôn thì hãy dành tình cảm còn lại cho con, đừng vì lòng ích kỷ, tự ti và cái tôi mà gây nỗi đau cho chúng. Với người mẹ, đừng cứ giận là bỏ con mà đi, để rồi phải nhận cái kết buồn như trường hợp của 3 người vợ trên. Nếu cảm thấy cuộc sống gia đình ngột ngạt, bị bạo lực, buộc phải bỏ đi thì tốt nhất hãy mang con đi cùng. Trường hợp không thể mang con theo và bị làm khó lúc đi thăm thì hãy từ từ để bé cảm nhận tình thương của mẹ bằng cách nhờ người thân trong gia đình tác động hoặc thầy cô, chính quyền địa phương can thiệp.

Trường hợp phải tranh chấp quyền nuôi con với chồng ở tòa, người mẹ hãy chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ mình từng dành tình thương cho con, bị làm khó như thế nào, bạo lực ra sao và cả công việc cũng như tài chính để tòa xem xét.

* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi

Tác giả: Phan Thân

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: cảm xúc , nuôi con , chăm sóc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok