Kinh tế

Người lính già trồng cam sạch thu bạc tỷ

Sau nhiều năm mò mẫm trên những ngọn đồi hoang ở miền tây xứ Nghệ, giờ đây ông Trần Ngọc Hóa (xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn) đã có một gia tài đồ sộ khi khu trang trại vườn-đồi của ông mỗi năm cho lãi ròng cả tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Hóa chăm sóc vườn cam sạch - Ảnh: VGP/Thủy Lợi
Ngay từ đầu vụ, vườn cam vàng xum xuê những quả của cựu chiến binh Trần Ngọc Hóa đã “cháy” hàng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn nhân giống và truyền dạy kỹ thuật chăm sóc cam cho bà con khắp vùng trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông được mệnh danh là “cha đẻ” của thương hiệu ‘Cam sạch Nghĩa Đàn’.

Đất không phụ công người

Cuối năm, từng đợt gió mùa Đông Bắc kèm theo những cơn mưa phùn đặc trưng của kiểu thời tiết miền Trung lạnh ẩm khiến con đường đất đỏ dẫn về khu đồi trồng cam xã Nghĩa Tân càng thêm nhớp nháp, trơn trượt. Ấy vậy mà, từ khắp các lối mòn, từng đoàn xe máy đầy ắp những sọt cam vàng mọng vẫn nườm nượp nối đuôi nhau.

Giữa bạt ngàn màu xanh của lá cây, những giọt sương càng thêm long lanh trên lớp vỏ vàng óng thơm ngọt của lứa quả vừa chín tới. Mùi hương thơm ngọt toả theo ngọn gió.

Theo người dân trồng cam nơi đây, ông Trần Ngọc Hóa chính là người “gieo mầm” cho cây cam Nghĩa Đàn. Biết chúng tôi đến thăm vườn cam của gia đình, ông Hóa niềm nở tiếp đón và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cam mà ông chắt lọc được suốt nhiều năm qua. Theo ông Hóa, do thời tiết vùng này khắc nghiệt, mùa đông thì giá rét và sương muối còn mùa hè lại khô hạn do gió Lào nên đất đá khô cằn, chẳng trồng được cây gì. Mặc dù khó khăn về điều kiện tự nhiên nhưng nhờ ham học hỏi, thấy nhiều vùng ở Hoà Bình có khí hậu tương đồng nhưng vẫn trồng được cam nên ông Hóa nhất quyết “liều” mang cây cam về trồng.

“Ngày đầu đưa cây cam về trồng thử nghiệm, người ta bảo tôi bị điên vì chưa có ai trồng cây này cả, nhất là điều kiện thời tiết không thích hợp với sự phát triển của loại cây trái có múi. Vả lại vốn liếng, kinh nghiệm thì không có”.

Cả khu đồi rộng hơn 3 héc ta, ông sở hữu hơn 700 gốc cam vàng Vân Du từ 5-7 năm tuổi cùng 600 gốc cao su chừng chục năm tuổi; hồ cá cho thu hoạch hàng tạ cá mỗi năm cùng hàng chục gốc lan rừng, cây cảnh giá trị…

Hiện tại, vườn cam của gia đình ông đã vào giai đoạn cho quả ổn định, năng suất trung bình mỗi gốc cam không dưới 2 tạ quả. Với giá bán tại vườn không dưới 30.000 đồng mỗi cân, gia đình ông có khoản thu 700-900 triệu mỗi năm. Bên cạnh đó, hồ thả cá ngoài phục vụ nhu cầu thực phẩm gia đình còn cho ông nguồn thu 10 triệu đồng/năm và nguồn thu hằng năm từ 1,5 héc ta cao su không dưới một trăm triệu đồng tiền bán mủ.

Tay trắng khởi nghiệp thu bạc tỷ

Xuất ngũ từ chiến trường Campuchia trở về năm 1985, sống ở vùng đồi núi ít mưa nhiều nắng, đất đai kém màu mỡ, cái nghèo cứ bám riết không chịu buông tha. Đến đầu những năm 2000, khi Nhà nước có chủ trương khoán đất trống đồi trọc cho dân, ông cùng vợ thuê đất rồi mò mẫm đi tìm hiểu các vùng trồng cam, nghiên cứu giống cây và học hỏi kinh nghiệm rồi mua giống về trồng.

“Thất bại là điều khó tránh khỏi bởi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng cam tôi chưa hề có, vốn liếng đầu tư gần như bằng không, lại còn phải tìm đầu ra nữa. Ngày đó, tôi đem cả sổ đỏ thế chấp ngân hàng được hơn trăm triệu làm vốn. Giờ nghĩ lại cũng thấy mình liều thật!”, ông cười.

Nhờ tinh thần ham học hỏi và đức tính cần cù của “bộ đội cụ Hồ”, ông đã vượt qua vô vàn khó khăn, thậm chí cả thất bại, để hiện thực hoá ước mơ bấy lâu nay của mình. Đến nay, cùng với sự mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tiên tiến và tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn chăm sóc mà từng mùa hoa, lứa quả luôn đúng vụ, bảo đảm chất lượng khi cung ứng ra thị trường. Không chỉ dừng lại ở đó, trăn trở xây dựng một thương hiệu cam sạch cũng dần lớn lên trong ông để đến nay, “Cam sạch Nghĩa Đàn” của gia đình ông đã tiếp cận được những khách hàng khó tính ở tận Thủ đô.

“Cam vốn là loại cây dễ mắc sâu bệnh nên thường phải sử dụng thuốc hóa học để phòng ngừa. Do đó, hương vị tư nhiên không bảo toàn trọn vẹn được. Riêng vườn cam nhà ông Hóa, do được áp dụng các kỹ thuật mới nên quả chín có mùi thơm ngọt và bảo quản được rất lâu”, một thương lái cho hay.

Chia sẻ về thương hiệu “Cam sạch Nghĩa Đàn”, ông Hóa cho biết: “Tôi muốn hướng tới việc mở rộng thị trường và phát triển bền vững nên chất lượng sản phẩm luôn phải đặt lên hàng đầu”. Mỗi lần bón phân hay phun thuốc trừ sâu, ông đều theo dõi cẩn thận. Ông ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học ít gây hại môi trường. Riêng thời điểm trước thu hoạch 1 tháng, ông dừng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Nhờ nỗ lực và cái tâm của mình, hiện gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định, xây dựng được ngôi nhà gỗ khang trang với đầy đủ tiện nghi, chăm lo cho 3 đứa con ăn học chu đáo. Ông còn sắm thêm được chiếc xe ô tô 7 chỗ làm dịch vụ cho thuê.

Không chỉ phát triển kinh tế của gia đình, ông còn hỗ trợ cây giống, kinh nghiệm và vốn cho nhiều hộ dân trong vùng để phát triển vùng chuyên canh cam sạch. Nhờ đó đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động, đưa địa phương phát triển theo hướng nông thôn mới.

Nhiều năm liền ông được vinh danh là hộ nông dân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Ngoài ra, ông còn là một hội viên cựu chiến binh tích cực, xứng đáng là một tấm gương “bộ đội cụ Hồ” cho nhiều người học tập.

Tác giả bài viết: Thủy Lợi

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok