Giáo dục

Người khiếm thị khóc, hát tiễn biệt Hướng Dương

Tại tang lễ sáng 27/4 ở TP HCM, những người mù nắm tay, hát vang bài "Khát vọng" tặng người chị đã đồng hành họ bao năm qua.

Lễ viếng chị Nguyễn Hướng Dương - giám đốc thư viện sách nói dành cho người mù, qua đời tối 25/4 - diễn ra tại trụ sở thư viện (đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1). Không gian khá hẹp của thư viện, mới đây còn bóng dáng thân quen của người giám đốc mẫn cán, nhiệt tình, giờ được dọn dẹp lấy làm chỗ đặt linh cữu chị và những vòng hoa viếng tang. Sinh thời, nơi này như mái nhà thứ hai của Hướng Dương, nơi chị và các nhân viên, tình nguyện viên miệt mài thực hiện những đầu sách nói phục vụ cho khoảng hai triệu người khiếm thị cả nước.

Dòng người mù nối nhau vào viếng chị Hướng Dương. Ảnh: Khang Thái.

Từ sáng, nhiều đoàn người mù đã đến tiễn biệt người chị gắn bó với họ. Họ lặng lẽ bám lấy vai nhau, đi thành hàng, thành kính thắp nén hương trước linh cữu. Không khí chùng xuống hẳn khi khoảng 20 bạn trẻ đến từ mái ấm khiếm thị Thiên Ân (Tân Phú) cất giọng thể hiện ca khúc Khát vọng để tặng chị Hướng Dương. Nhiều em chỉ khoảng 13-14 tuổi vừa quệt nước mắt vừa hát: "Hãy sống như biển trào, như biển trào, để thấy bờ bến rộng. Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông...". Gia đình, nhân viên của người quá cố đang tất bật tiếp khách cũng dừng tay để hát theo. Rồi không thể kìm nén cảm xúc được nữa, họ òa lên khóc.

* Dòng người tiễn biệt chị Hướng Dương

Anh Tuấn (29 tuổi), một thành viên của mái ấm, cho biết anh và nhiều em nhỏ ở đây lớn lên theo những quyển sách nói của chị Hướng Dương. "Dù không gặp tiếp xúc với chị nhiều, chúng tôi đều xem chị là thần tượng. Ngày hôm qua, khi nghe các cô chú trong mái ấm báo tin chị mất, chúng tôi bàng hoàng, không tin đó là sự thật", anh Tuấn kể. Trước khi lên xe về, anh quay lại gửi lời nhắn nhủ: "Chị Hướng Dương ơi, chúc chị hạnh phúc trên thiên đường nhé".

Anh Vòng Quang Kỳ (22 tuổi), nhà ở Đồng Nai nhưng đã dậy từ sớm để đến TP HCM kịp giờ viếng. Anh là một trong những bạn trẻ từng nhận học bổng hỗ trợ của chị Hướng Dương. "Dù chỉ mới gặp vài lần, tôi rất ấn tượng với sự dễ mến, hoạt bát của chị. Tôi cũng gặp nhiều bạn khiếm thị ở đây. Tất cả đều biết ơn chị đã sống một đời tâm huyết vì chúng tôi. Chị là tấm gương để chúng tôi nhìn vào và vượt qua những khó khăn của bản thân", anh nói.

Chen trong đám đông, một phụ nữ trung niên đến từ Hội người mù Thủ Đức, cho biết chị nhờ người quen đưa lên quận 1 để tiễn chị Hướng Dương. Ngồi lặng lẽ chờ đến lượt thắp hương, chị niệm kinh Phật, cầu nguyện cho người nằm xuống siêu thoát. Chị bảo Hướng Dương là ân nhân, là ánh sáng của những người mù như mình.

MC Quốc Bình là một trong những tình nguyện viên của thư viện sách nói từ 2013 đến nay. Mỗi tuần, anh đến đây một lần để đọc sách. Anh không giấu được nỗi buồn vì từ giờ không còn gặp người phụ nữ mình quý mến. Quốc Bình kể anh nhớ nhất ở chị Hướng Dương ở sự lạc quan, nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Trước Tết 2018, chị gọi cho anh bàn về công việc thư viện khi chị vắng mặt để mổ chân. "Chị không kể chi tiết tình trạng bệnh. Tính chị là vậy, luôn giấu những đau đớn lại riêng mình. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy nụ cười và nguồn năng lượng toát ra từ chị", Quốc Bình chia sẻ.

Mẹ của chị Hướng Dương trong vòng tay của người đến viếng. Ảnh: Khang Thái.

Tại lễ tang, kẻ mắt sáng, người khiếm thị cùng nói về tương lai của thư viện khi vắng bóng người đầu tàu.

MC Quốc Bình chỉ là một trong số nhiều tình nguyện viên của thư viện. Dù xác định cộng tác lâu dài với nơi này, anh vẫn lo lắng về tương lai của nơi đây. "Chị Dương làm việc rất hiệu quả. Mẹ Hướng Dương đã đồng hành cùng chị trong mọi công việc của thư viện nhiều năm qua. Bà rất hoạt bát, nhanh nhẹn nhưng tuổi đã cao, vì vậy, mọi thứ sẽ rất vất vả phía trước".

Ông Lê Quốc Ân, cậu của Hướng Dương và là chủ tịch quỹ thư viện, cho biết: "Hướng Dương sống có tình nghĩa, hiếu thảo với gia đình và luôn tâm huyết với các hoạt động xã hội. Vì vậy, ai cũng yêu mến cháu". Ông Ân trăn trở khi nghĩ đến chuyện tìm người thay thế chị Hướng Dương trong việc quản lý, phát triển thư viện sách nói. Dù mọi người ở đây đều trên dưới đồng lòng, ông lo không biết ai sẽ có đủ năng lượng và nhiệt huyết và được các nhà hảo tâm tin tưởng như cháu gái.

Mẹ của Hướng Dương, bà Hoàng Lê Thúy Ngọc, tuổi đã ngoài 70, cố nén nỗi đau để lo việc hậu sự cho con gái. Gia đình động viên bà mạnh mẽ để Hướng Dương ra đi thanh thản. Nhưng mỗi khi có ai đến ôm bà hoặc hỏi thăm vài câu, bà lại chảy nước mắt. Giờ vắng con gái, bà không dám nghĩ tới cảnh sẽ đi về một mình thế nào.

Tuy vậy, những người mù vẫn giữ sự lạc quan. Vòng Quang Kỳ nói rằng dù Hướng Dương mất đi, anh tin thư viện sẽ không mất mà ngày càng phát triển. "Tôi tin có người thay được chị, vì ông trời đã lấy đi của chúng ta cái gì thì sẽ bù đắp lại một thứ khác". Thư viện sẽ có người nối tiếp, kế thừa và những người mù như anh Kỳ sẽ lại đến đây thường xuyên, không chỉ để đọc sách mà để nhớ về người chị của họ - đóa Hướng Dương thuộc về ánh mặt trời.

Tác giả: Vân An

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok