Tỷ phú Jeff Bezos, người đàn ông giàu nhất hành tinh (Ảnh: Getty) |
Theo đề xuất đánh thuế mạnh tay của ông Bernie Sanders, CEO của Tập đoàn Amazon sẽ phải chi ra một khoản tiền thuế tài sản lên tới 9 tỷ USD/năm. “Tôi nghĩ rằng tỷ phú không nên tồn tại” – ông Sanders nói với tờ New York Times.
Theo ước tính, nếu ông Bernie Sanders giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm sau và thực thi kế hoạch đánh thuế mạnh tay với giới siêu giàu như ông hứa hẹn, các tỷ phú sẽ mất tới một nửa tổng tài sản của họ chỉ trong vòng 15 năm, xét trong trường hợp các yếu tố khác (giá trị cổ phiếu hay giá trị doanh nghiệp) vẫn giữ nguyên.
Dù cho bà Warren cũng đưa ra đề xuất đánh thuế tài sản tương tự mà trong đó đánh thuế tỷ phú cao hơn so với triệu phú, nhưng đề xuất của ông Sanders lại mạnh tay hơn rất nhiều đối với những tỷ phú nắm giữ nhiều của cải nhất – điều này phản ánh quan điểm ủng hộ việc đánh thuế người giàu trong một số cộng đồng cử tri nhất định.
Ứng viên Tổng thống Bernie Sanders tuyên bố "tỷ phú không nên tồn tại" (Ảnh: Vanity Fair) |
Theo đề xuất của bà Warren, chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế 2% đối với tài sản trên 50 triệu USD và 3% đối với tài sản trên 1 tỷ USD. Còn đề xuất của ông Sanders bắt đầu từ mức tài sản thấp hơn – đánh thuế 1% đối với tài sản 32 triệu USD – bởi vậy sẽ ảnh hưởng tới khoảng 180.000 hộ gia đình Mỹ, nhiều hơn so với tầm ảnh hưởng 75.000 hộ gia đình theo đề xuất của bà Warren.
Kế hoạch của ông Sanders còn đưa ra mức thuế cao hơn, cụ thể đánh thuế 4% đối với tài sản trên 500 triệu USD, 8% đối với tài sản trên 10 tỷ USD – cao gấp 4 lần so với mức thuế tài sản cao nhất mà các nước châu Âu từng áp dụng. Áp thuế tài sản cao với những người giàu nhất cũng là lý do chính mà ông Sanders dự báo rằng chính sách thuế của ông sẽ giúp huy động được nguồn vốn 4,35 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian 10 năm. Trong khi kế hoạch của bà Warren chỉ huy động được khoảng 2,6 nghìn tỷ USD trong cùng giai đoạn.
Tác giả: Huyền Chi
Nguồn tin: viettimes.vn