Trong tỉnh

Người dân Thanh Hoá vỡ mộng vì 'cây làm giàu'

Được ví như “cây làm giàu”, nhưng cây gai xanh trồng chưa lâu đã bộc lộ nhiều hạn chế khiến người nông dân Thanh Hóa đứng ngồi không yên.

Nông dân thu hoạch gai xanh tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.


Kỳ vọng thành... thất vọng

Là loại cây mới ở Việt Nam, cây gai xanh được đưa vào trồng tại Thanh Hóa từ năm 2018 và trồng đại trà từ năm 2021 tới nay.

Thế nhưng, nhiều hộ dân tại huyện Lang Chánh tham gia đề án trồng cây gai xanh không hiệu quả đã ồ ạt chặt bỏ.

Còn tại huyện Cẩm Thủy có tình trạng doanh nghiệp chậm trả tiền và ngừng thu mua sản phẩm một thời gian khiến người dân “đứng ngồi không yên”.

Năm 2018, khi thực hiện đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, huyện Lang Chánh có định hướng phát triển diện tích trồng lên đến 500ha. Huyện vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. Đến năm 2019, Lang Chánh có hơn 100ha cây gai xanh, tập trung nhiều ở các xã Đồng Lương, Tân Phúc.

Kỳ vọng là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, 5 năm trước, ông Lê Văn Thắng (thôn Tân Phong, xã Tân Phúc) trồng gai xanh trên diện tích 5 sào.

Sau nhiều lần không bán được thành phẩm, ông chán nản, phá cả vườn cây, thậm chí ông đã đốt hết sợi gai khô.

“Mỗi lần hàng chở sang đều bị chê, trả lại do không đạt độ ẩm. Chán nản, cực chẳng đã tôi đốt bỏ hơn 5 tạ sợi gai tồn dư, sau đó đốn hạ cả vườn”, ông Thắng chia sẻ.

Trong khi đó, việc trồng và thu hoạch cây gai xanh theo ông Thắng tốn công, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Việc thu hoạch đại trà tập trung trong một thời gian ngắn nên phải thuê cùng lúc nhiều nhân công. Sợi gai phơi được nắng mới đẹp, mà chỉ cần gặp một cơn mưa là bị thối hỏng, phải bỏ đi.

Tháng 5/2022, gia đình ông Hà Đắc Liên (xã Trí Nang) thu hoạch 1,3ha keo mới được 3 năm tuổi để trồng cây gai xanh. Dù được chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn, nhưng cây không lớn. Hơn 4 tháng sau khi trồng, cây gai xanh chỉ cao được 50cm, thân úa vàng, ra hoa, ra quả. Quá thất vọng, đầu năm 2023, ông Liên báo chính quyền rồi nhổ bỏ cây gai xanh, trồng mía.

Tại huyện Cẩm Thủy - nơi được xem là “thủ phủ” của cây gai xanh. Sau nhiều năm phát triển vùng nguyên liệu, đến nay huyện Cẩm Thủy đã trồng được trên 400ha.

Thế nhưng, từ năm 2022 đến nay, việc chậm thanh toán và nhập sợi khiến người trồng gai xanh bắt đầu lo lắng, hoài nghi về tính bền vững của loại cây này.

Gia đình ông Phạm Văn Băng và nhiều hộ dân tại xã Cẩm Tú rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần khi nhà máy chậm thu mua khiến cho tồn kho lâu ngày ẩm, mốc, hư hỏng, đến khi nhà máy thu mua thì đã hỏng hết.

Thậm chí, trước đây nhà máy thu mua cây tươi, nay lại chuyển sang thu mua vỏ khô, từ đó người dân mất thêm công thuê người tuốt, phơi khô. Do chưa có kinh nghiệm phơi, bảo quản, nhiều gia đình đã phải vứt bỏ hàng tạ vỏ cây do để lâu, hư hỏng, không đạt yêu cầu của nhà máy.

Ông Phạm Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết, ngay khi nhà máy chậm trả tiền, dừng thu mua vỏ gai xanh, huyện đã vào cuộc và đến cuối tháng 11, Công ty An Phước thực hiện trả hết số nợ trên 4 tỷ đồng cho người dân, đồng thời thu mua số gai xanh tồn đọng trong dân.

“Công ty họ đầu tư xây dựng nhà máy gần 700 tỷ đồng, chắc chắn họ muốn gắn bó lâu dài, nhưng thời gian qua, nhà máy cũng gặp nhiều khó khăn, vì thế huyện cũng mong muốn người dân bình tĩnh, đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Vũ thông tin thêm.

Người nông dân bên vỏ cây gai xanh.

Phá bỏ hơn 200ha

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, cây gai xanh được tỉnh Thanh Hóa xác định là cây chủ lực, nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Chọn, thời gian qua nhà máy chậm thu mua, nợ tiền khiến người dân bắt đầu chán nản, từ đó dẫn tới diện tích trồng mới không đạt yêu cầu, nhiều nơi có hiện tượng bỏ chăm sóc, phá cây. Vì thế, theo lộ trình tới năm 2025, tổng diện tích đặt ra 6.400ha chắc chắn không đạt được.

“Có một số nguyên nhân khiến mục tiêu khó thực hiện được. Đầu tiên yếu tố kinh nghiệm phát triển vùng nguyên liệu của công ty còn hạn chế, thiếu các giải pháp, thiếu chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để hình thành các tổ, trạm phát triển vùng nguyên liệu.

Người dân phá bỏ cây gai xanh để thay thế cây khác.

Cây gai xanh dễ trồng, nhưng nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật, sẽ không đảm bảo độ cao, không cho thu hoạch. Ngoài ra, quá trình trồng, thu hoạch cần rất nhiều lao động chi phí đội lên, cơ giới hóa thấp…”, ông Chọn phân tích.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, đến tháng 11/2023, toàn tỉnh đã trồng được khoảng 1.000ha cây gai xanh, tập trung nhiều nhất tại các huyện Cẩm Thủy hơn 413ha, huyện Thạch Thành 108,9ha, Bá Thước hơn 91ha...

Thế nhưng, đến thời điểm này đã có trên 200ha gai xanh bị phá bỏ chuyển đổi sang cây trồng khác, thậm chí có nhiều huyện diện tích cây gai bị thu hẹp nhanh chóng như: Huyện Thạch Thành có 108,9ha nhưng đã có 78,3ha bị phá bỏ; huyện Lang Chánh trồng được 60ha nhưng cũng chỉ có trên 10ha. Đặc biệt, huyện Yên Định có tổng diện tích 10,2ha nhưng đã phá bỏ hoàn toàn.

Ngày 24/4/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 1484/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên cây liệu gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án được thực hiện ở địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa. Mục tiêu của đề án đến năm 2020 phát triển vùng nguyên liệu gai xanh với diện tích 3.000ha. Giai đoạn 2021 - 2025 mở rộng thêm diện tích 3.457ha, nâng tổng diện tích đất trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là hơn 6.400ha. Định hướng năm 2030, tổng diện tích gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha.

Tác giả: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok