Trong nước

Người đàn ông hơn 30 năm trang điểm miễn phí cho người chết

Hơn 30 năm qua, ông Trần Ngọc Anh vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, đi khắp nẻo đường Sài Gòn để làm công việc làm đẹp miễn phí cho người xấu số vừa qua đời. Ông chia sẻ đơn giản: "Mỗi ngày không tập cho đi thì cả đời không biết cho là gì”.

Ông Trần Ngọc Anh (56 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) không còn nhớ mình đã chăm sóc chu đáo lúc nguy, tử cho bao nhiêu người. Ông đến với họ để an ủi, chăm sóc, hướng dẫn giúp người bệnh có một cái nhìn đúng về sự sống và cái chết, biết quý giá những giây phút cuối đời để từ đó họ có thể an lòng, thanh thản ra đi trong tình người ấm áp yêu thương và bình an.

Cái duyên đến với công việc này của ông Anh cũng khá bất ngờ. Ông kể, vào năm 22 tuổi, trong một lần nằm viện do tai nạn giao thông, ông kết bạn và trở thành thân thuộc với một cụ ông 77 tuổi nằm giường kế bên.

Khi được ra viện, trong một lần đến thăm người bạn già, ông Trần Ngọc Anh nhận biết rằng người bạn này sẽ không còn sống được lâu nữa. Vậy là ông thường xuyên lui tới để trò chuyện, an ủi bạn. Rồi khi người bạn nằm xuống, ông xin gia đình cho phép được chăm sóc bạn lần cuối. Đó là lần đầu trong đời ông Trần Ngọc Anh vuốt mắt, nắn tay chân, sửa sang thế nằm, tắm rửa, trang điểm cho người đã chết.

Với các thao tác xuất phát từ tấm chân tình và quan sát được trước đó, ông như một chuyên gia làm đẹp chuyên nghiệp. Khuôn mặt của người xấu số hồng hào tự nhiên, ngời sáng nhờ lớp phấn mỏng, mang phong thái thanh thản của một người đang say ngủ, áo quần được nâng sửa thẳng thắn.

Từ ngày đó, ông gắn bó với “nghề” này không kể ngày đêm. Ban đầu chỉ quanh quẩn trong khu xóm, lâu dần, ông được mời giúp ở những nơi xa hơn. Có người chết ở bệnh viện, có người an nghỉ tại nhà riêng; có người trẻ, người già; cũng có người thân thể không còn nguyên vẹn hoặc người lở loét, bốc mùi... do nằm một chỗ lâu năm. Có cả những trường hợp thi thể biến dạng vì tai nạn giao thông hoặc nhiễm căn bệnh thế kỷ hay những bệnh truyền nhiễm không ai dám tiếp xúc... Nhưng ông xem tất cả họ như người thân, chăm sóc cho người chết rất tận tâm và đáng quý hơn, mọi việc ông làm đều miễn phí!

Nhiều năm trôi qua, ông Trần Ngọc Anh không nhớ mình đã phục vụ cho bao nhiêu người chết. Phần lớn ông giúp trong thành phố nhưng nhiều khi đi từ thiện hay có việc ra các tỉnh thành khác, thấy những người đau yếu, “gần đất xa trời”, ông cũng dừng chân giúp đỡ. Nhiều trường hợp do xa xôi không kịp đến nơi, ông hướng dẫn người nhà qua điện thoại.

Ông Anh bên bộ đồ chuyên dùng để trang điểm cho người chết.

“Nhiều người xấu số bị gia đình bỏ rơi hoặc không người thân, số khác vì thương người thân nên cứ ngất lên ngất xuống và phần nhiều là họ không biết làm gì để lo cho thân nhân phút cuối đời. Tôi biết nên giúp và có lẽ tôi cũng được ơn nên không ghê sợ hay cảm thấy bất tiện gì với nhiều trường hợp bệnh nặng, lây nhiễm. Cũng có lúc tôi muốn buông xuôi nhưng rồi lại tự nhủ mỗi ngày không tập cho đi thì cả đời không biết cho là gì”, ông Anh tâm sự.

Nhiều đêm, công việc của ông cứ liên tục từ tối đến sáng, bên này chưa xong bên kia đã gọi giục. Có không ít năm, ông đón giao thừa khi còn đang ngồi trò chuyện cạnh người gần từ giã cõi đời. Không ít lần, ông làm việc với cái bụng trống không, mệt lả nhưng vẫn vui vẻ đến lúc hoàn tất mới chịu ngưng tay.

Lật giở từng trang trong những cuốn bưu ảnh dày cộm, ông kể về từng hoàn cảnh được ghi lại kỹ càng. Ông nhớ rõ tên tuổi, địa chỉ cùng những ấn tượng để lại của từng người được ông chăm sóc. Giúp nhiều nhưng ông không nhận của ai tiền bạc hay quà cáp, ngược lại ông còn giúp gia đình nghèo lo ma chay chu tất.

Ngoài việc làm đẹp miễn phí cho người xấu số, ông Anh thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện trên cả nước.

Từ năm 1997 cho đến nay, gia đình ông Anh còn là nơi cưu mang hàng chục sĩ tử từ các tỉnh lân cận đến TPHCM dự thi đại học; ông còn là một đầu mối từ thiện giúp trẻ em và người dân vùng sâu vùng xa có quần áo, tập vở, thuốc men và nhu yếu phẩm.

Tác giả bài viết: Trung Kiên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok