Nhân ái

Người đàn ông bị bỏng nặng do bất ngờ ngất xỉu khi đang đốt vỏ ngô

Người vợ nghèo nuốt nước mắt nhìn chồng chết mòn từng ngày vì bị bỏng nặng. Những thớ thịt trên thân thể anh đang ngày một nặng thêm mà lòng chúng tôi như quặn thắt.

Không còn tiền để tiếp tục điều trị, người vợ nghèo đành nuốt nước mắt đưa chồng về nhà để chăm sóc. Nhìn đôi chân cháy sạm, nham nhở những vết thương chưa lành của chồng mà chị chỉ biết lặng lẽ khóc nghẹn trong đau đớn.

Người đàn ông mà chúng tôi muốn nói tới là anh Nguyễn Văn Phương (SN 1975, trú xóm 1, xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Đón chúng tôi là người đàn bà nhỏ nhắn, gầy tong chị Phan Thị Huyền (SN 1979, vợ anh Phương). Chị Huyền nước da nâu pha màu cát ven bãi bồi sông Lam - nơi gia đình chị gieo trồng mấy ruộng ngô ở đó - cũng từ ruộng ngô này mà người chồng của chị khi đốt vỏ bắp bị lửa thiêu cháy suýt mất mạng .

Hiện tại phía dưới gót hai bàn chân anh Phương đã hoại tử dần dần.
Hiện tại phía dưới gót hai bàn chân anh Phương đã hoại tử dần dần.
Chị Huyền lau những vết thương cho chồng.
Chị Huyền lau những vết thương cho chồng.

Trong căn nhà nhìn bề ngoài thì có vẻ khang trang, nhưng chui vào trong thì trống huơ trống hoác và được cái tivi thời “Napoleon” để lại là quý giá nhất. Trên chiếc giường cũ kỹ, anh Phương nằm đó như bất động với đôi chân chỉ còn da bọc xương, những đốm đen như vảy sút (vảy tê tê) chỉ cần nhìn cũng thấy não lòng.

Trong câu chuyện ngắn ngủi bị ngắt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn ngào trong nước mắt của chị khiến chúng tôi không cầm được lòng.

Chị bảo, chồng chị anh Phương bị bỏng nặng sau một tai nạn không đáng có. Cách đây hơn 3 tháng, khi chở toàn bộ số áo ngô (phần vỏ bao quanh bắp ngô - PV) ra bãi ngô bãi bồi ven sông Lam để đốt tiêu hủy chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới. Khi anh Phương châm lửa thì cũng là lúc gió nổi, ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt, anh Phương bất ngờ ngất xỉu và ngã vào đám cháy.

Quá đau đớn anh nằm bất động trên giường.

Quá đau đớn anh nằm bất động trên giường.

Toàn bộ phần dưới từ lưng quần đến hai bàn chân của anh bị ngọn lửa lớn bao trùm thiêu cháy đen. Lúc này chỉ có một mình anh đang làm nên không ai phát hiện ra, chỉ đến khi anh tỉnh lại rồi lết về đến nhà như một phép màu của cuộc sống. Anh thoát chết, nhưng di chứng để lại bây giờ thì càng đớn đau hơn.

“Khi đó tôi không biết vì sao mình lại ngất đi rồi ngã vào đám cháy. Tôi cũng không nhớ mình đã đi về nhà bằng cách nào nữa. Chỉ biết về đến thềm nhà là tôi không thể đi nổi rồi nằm bất tỉnh”, anh Phương nhớ lại cái ngày kinh hoàng xảy ra với mình.

Khi được mọi người báo tin, chị Huyền vội chạy về, chị chết đứng, gục ngã khi thấy toàn thân chồng bị ngọn lửa lớn thiêu cháy đen sạm. Ngay lập tức anh Phương được người thân đưa xuống cấp cứu tại BVHNĐK Nghệ An. Sau đó anh được chuyển ra BV bỏng quốc gia để điều trị, với nhiều phần trên cơ thể bị bỏng rất sâu. Các bác sĩ phải lóc toàn bộ phần thịt, da bị chết và tiến hành phẫu thuật 5 lần để cứu lấy mạng sống của anh.

Bàn chân anh ngày càng bị hoại từ dần.
Bàn chân anh ngày càng bị hoại từ dần.
Những lúc đau đớn anh Phương thiếp đi.
Những lúc đau đớn anh Phương thiếp đi.

“Khi đó mọi người tưởng anh ấy không thể qua khỏi. Nhất là những ngày đầu, khi bác sĩ bảo phải chuyển ra Hà Nội để điều trị, mà trong nhà không còn đồng nào, hoảng quá tôi phải để anh ấy lại ở bệnh viện rồi về nhà cầu xin mọi người, vay mượn khắp nơi mới có ít tiền để đưa anh đi điều trị”, chị Huyền nghẹn ngào chia sẻ.

Những ngày tháng đưa chồng đi điều trị tại Hà Nội với 5 lần phẫu thuật là những ngày tháng cơ cực nhất trong cuộc đời của người phụ nghèo. Có những lúc chị phải nuốt nước mắt để chồng ở lại bệnh viện để về nhà vay mượn tiền và lo cho 3 đứa con thơ cùng người mẹ chồng đã gần 80 tuổi.

“Để anh được nằm ở đây, toàn bộ thịt trên người chỗ nào còn có thể lấy thì bác sĩ đã lấy và đắp chỗ đã bị cháy. Các chú nhìn là thấy thôi, giờ anh ấy còn xương trơ trọi, da thì lốm đốm không phát triển được, hai bàn chân đang bị hoại tử dần dần… Cũng do bỏng quá nặng, nên phần hậu môn chính bị chặn lại và phải phẫu thuật làm một hậu môn nhân tạo chỗ bụng để đi (đi đại và tiểu tiện) nên rất khó khăn và nguy cơ nhiễm trùng cũng rất cao, bây giờ chỉ còn cách đó thôi mới kéo dài sự sống”, chị Huyền buồn rầu chia sẻ.

Đến thời điểm này mọi thứ tài sản đáng giá, căn nhà nhỏ của gia đình cũng được mang đi cầm cố, đến số thóc chưa kịp thu hoạch ngoài ruộng chị cũng phải bán non cho người ta để thêm phần lo chi phí chữa trị cho chồng. Chị cứ như con thoi ngược xuôi từ nhà đến bệnh viện, tấm thân gầy gò của người vợ phụ nữ tiều tụy khắc khổ.

Tiền mất, nhưng tật anh Phương vẫn mang và có thể sẽ mãi mãi nếu như anh không được chữa trị kịp thời. Nhưng giờ biết lấy đâu ra tiền để chữa trị cho anh. Trong khi đó, số tiền vay ngân hàng, nợ anh em, hàng xóm cũng gần 200 triệu nhưng chưa biết lấy đâu ra mà trả, nên chuyện kiếm tiền để chữa trị cho anh với chị lúc này là nằm mơ.

“Nợ nóng ngân hàng đến kỳ đáo hạn họ đến đòi rồi mà chưa có nên đành khất. Hơn một năm trước khi anh đang khỏe gia đình đã phải vay ngân hàng 30 triệu mua con trâu cày ruộng, nay nó cũng được bán để lấy tiền chữa bệnh cho chồng rồi. Giờ đây đang nợ mẹ, nợ con chồng chất không biết khi nào mà trả được”, nói đoạn, chị Huyền cúi mặt khóc. Chị Huyền cũng cho biết thêm, hiện gia đình chị đang nợ ngân hàng 2 khế với số tiền hơn 50 triệu đồng.

Hiện tại mỗi tháng tiền thuốc cho anh Phương cũng mất 10 triệu/tháng.
Hiện tại mỗi tháng tiền thuốc cho anh Phương cũng mất 10 triệu/tháng.

Hiện tại do không có tiền điều trị nên chị đành phải đưa chồng về nhà để chăm sóc. Cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng thêm túng quẫn khi một mình chị phải lo toan mọi chi phí sinh hoạt, tiền thuốc thang cho chồng và chăm sóc người mẹ chồng đã gần 80 cùng 3 đứa con thơ dại gồm cháu: Nguyễn Ngọc Mai (học lớp 8), Nguyễn Văn Mạnh (học lớp 4) và Nguyễn Văn Nam (3 tuổi).

Và chúng còn quá nhỏ để giúp đỡ mẹ trong những ngày tháng cả gia đình trải qua cơn giông bão khủng khiếp. Những ngày mẹ ra Hà Nội chăm cho bố, chúng ở nhà với người bà ốm yếu, đứa lớn thì nấu ăn, tắm rửa, chăm sóc cho các em thay mẹ.

Bà Nguyễn Thị Vận gần 80 tuổi mẹ anh Phương tuổi cao sức yếu hằng ngày vẫn phải chăm sóc con mình.
Bà Nguyễn Thị Vận gần 80 tuổi mẹ anh Phương tuổi cao sức yếu hằng ngày vẫn phải chăm sóc con mình.
Một hậu môn nhân tạo được mở ở phần bụng để đưa chất thải ra ngoài.
Một hậu môn nhân tạo được mở ở phần bụng để đưa chất thải ra ngoài.

“Hai đứa lớn đi học chi phí khoảng 4-5 triệu nhưng chưa nạp được đồng nào tôi đang khất cô giáo hẹn kỳ sau vậy. Không lẽ giờ bắt chúng nó bỏ học…”, chị Huyền não nề tâm sự về số tiền hai đứa con đi học nay đang nợ nhà trường mà chưa có cách.

Dù được điều trị tại Hà Nội hơn 3 tháng nhưng các vết thương quá nặng nên anh Phương vẫn chưa thể đi lại mà phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do người vợ đảm nhận. Nhìn đôi chân biến dạng hoàn toàn, những phần da trên cơ thể phân hủy rơi rụng dần anh cảm thấy mình như đang bất lực. Anh nghẹn ngào: “Giá mà hôm đó tôi không tỉnh lại, được chết đi thì không phải trở thành gánh nặng cho vợ con, gia đình như thế này”.

Đứa con thứ 3 dù đã đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng gia cảnh quá khó khăn nên phải ở nhà với mẹ.
Đứa con thứ 3 dù đã đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng gia cảnh quá khó khăn nên phải ở nhà với mẹ.

Những vết thương cứ ăn mòn, xói sâu vào xương tủy khiến anh Phương không chỉ đau đớn về thể xác mà còn cả tinh thần. Anh nằm đó bất động, bất lực khi nhìn người mẹ già gần 80 tuổi mon men bên mình để đuổi những con ruồi bu vào chỗ thịt rụng; hay khi người vợ lấy thuốc bôi vào chỗ ngứa để anh bớt đau… hoặc khi 3 đứa nhỏ quây quần bên bố càng làm cho anh thêm âu sầu tủi phận.

Dù được đưa về nhà nhưng anh Phương vẫn phải điều trị bằng thuốc với chi phí gần 10 triệu đồng/tháng. Có hôm không vay nổi tiền để đi lấy thuốc cho chồng, chị Huyền cũng chỉ biết nắm chặt lấy đôi bàn tay, lau từng phần vết thương trên cơ thể của chồng trong nước mắt. Cũng từng phần thịt trên cơ thể cứ rơi đi, chị lại càng quặn thắt con tim chỉ biết câm nín chịu đựng trông chờ vào một phép màu từ trời cao.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Phan Thị Huyền, xóm 1, xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Số ĐT: 01632.627.484

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy - Nguyễn Tình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok