Trong tỉnh

Người dân ồ ạt chặt bỏ cao su vì không có lợi nhuận

Những năm 2000 nhiều huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã chặt phá hàng nghìn héc-ta rừng trồng; thậm chí tại xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành còn quy hoạch cả đất vùng trũng trồng cây lúa để trồng cao su. Thế nhưng vài năm trở lại đây, cao su rớt giá, không có người thu mua. Sản phẩm được ví như “vàng trắng” giờ đây đang nằm trơ xương như “một đống nợ”, nhiều hộ dân đã chặt bỏ cả héc-ta cao su không thương tiếc.

Sau nhiều năm bám trụ với hy vọng cây cao su sẽ hồi sinh, thương lái sẽ thu mua nhiều, giá mủ sẽ tăng. Thế nhưng càng chờ đợi, càng cố gắng chăm sóc thì mủ cao su càng rớt giá trầm trọng. Nhiều hộ dân ngậm ngùi chặt đi cả vườn cao su hàng hecta sau nhiều năm trồng trọt, chăm bón.

Cao su rớt giá, nhiều hộ không còn bỏ công chăm sóc.

Nhiều hộ dân tại xã Hóa Quỳ đã trồng hàng hecta cây sao su khi có chủ trương của tỉnh, cũng như hi vọng sẽ trở thành những cây vàng trắng thật sự. Thế nhưng những năm gần đây, giá mủ xuống thấp, người dân không đầu tư phân bón, chăm sóc dẫn đến cây cao su sinh trưởng, phát triển không đều, cây to cây nhỏ sản lượng mủ cũng thấp.

Giá mủ cao su tụt dốc đã khoảng năm năm nay, người trồng cao su gần như không có thu nhập. Sau nhiều năm bám trụ theo tinh thần chủ trương của tỉnh, kinh tế nhiều gia đình gặp không ít khó khăn nhiều hộ đành lòng phải đốn bỏ cây sao su để chuyển đổi cây trồng mới, mong có thu nhập để cải thiện đời sống.

Nhiều cây cao su vừa bị chặt hạ vẫn còn chảy mủ.

Như trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Thành (xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành) với 5ha thuộc diện tích cao su được trồng từ những năm 2007. Anh Thành ngậm ngùi cho biết: “Sau một vài năm đầu cây cao su cho thu nhập thì từ năm 2011 đến nay, chưa năm nào cây trồng này cho gia đình nguồn thu cao hơn so với cây mía, chưa kể kém hơn nhiều lần về giá trị so với các loại cây trồng khác như keo, chàm. Giá mủ cao su thấp nên hai vợ chồng không dám thuê nhân công cạo mủ. Vườn cao su cũng chẳng chăm sóc hay bón phân khiến phần nhiều cây cao su sinh trưởng không đều”.

Được biết, hiện giá mủ xuống quá thấp, giá mủ cao su khô giao động trong khoảng chỉ từ 21 triệu đến 25 triệu đồng/ tấn.

Trước thực trạng trên, trên nhiều huyện như Thạch Thành, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thọ Xuân… các hộ dân không ngần ngại chặt bỏ cây cao su để chuyển đổi cây trồng. Thậm chí không ít hộ cho rằng sẽ sẵn sàng nộp phạt nếu các ngành chức năng không cho phép.

Nhiều người nông dân xứ Thanh từ khi chuyển đổi trồng cây cao su theo chủ trương của tỉnh, họ mong mỏi có thể thoát nghèo, mang lại kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, nhiều năm liên tiếp cây cao su gần như không cho thu nhập. Người dân đề nghị cấp ngành chức năng sớm có định hướng chuyển đổi cây trồng hoặc có giải pháp trợ giá để họ có đủ niềm tin để giữ lại diện tích cao su đã dày công đầu tư, chăm trồng.

Nhiều diện tích cao su bị người dân Thanh Hóa đốn hạ, chất đống

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 14.311 ha cao su. Trong đó, 2.917 ha cao su đại điền, 11.394 ha cao su tiểu điền. Số diện tích trên đã giảm 1.260 ha so với con số hồi đầu năm 2018. Trong đó, các huyện có diện tích cao su giảm mạnh nhất, gồm: Thạch Thành giảm 452,1 ha, Như Xuân giảm 330 ha, Như Thanh giảm 313,4 ha, Thường Xuân giảm 125,5 ha...

Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo: với những vườn cao su bị gãy đổ do bão, hư hại do sương muối, mật độ không đảm bảo thì cũng không thể bắt người trồng phải giữ lại. Tuy nhiên, với những vườn cao su được hỗ trợ theo các chương trình trồng rừng từ Dự án 661, 327 hoặc trong quy hoạch thì kiên quyết giữ.

Trước thực trạng trên, người nông dân xứ Thanh vẫn đang trông chờ mủ cao su sẽ tăng giá, hoặc nhà nước có chính sách trợ cấp về giá để người dân không còn phải đành lòng chặt bỏ cây su mình đã trồng và chăm sóc cả chục năm trời. Câu chuyện về cây cao su ở tỉnh Thanh vẫn còn chưa có hồi kết.

Tác giả: Thanh Tâm

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

  Từ khóa: Cao su , người dân , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok