Khoảng 1 tháng nay, đàn voi 14 con liên tục vào khu rẫy người dân ở các ấp 5, 7 của xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai), tìm thức ăn, tàn phá nhiều ha xoài, mít, mì (sắn)… của 27 hộ dân.
Voi rừng xuất hiện hàng đêm
Cư dân địa phương nói rằng voi đi theo đàn và xuất hiện hàng đêm. Đàn voi có 14 con, trong đó 2 voi lớn đầu đàn, 2 voi con và số còn lại ở tuổi trưởng thành.
“Voi có 2 con nhỏ nên chúng tôi không dám sử dụng biện pháp mạnh xua đuổi, sợ bị voi quay lại tấn công. Nhiều năm trước, ở địa phương xảy ra vụ người dân bị voi quật chết vì không chạy kịp, giờ ai cũng sợ”, ông Võ Văn Bòn, ngụ ấp 5 (Thanh Sơn), nói.
Theo người dân, khoảng 22h đêm đến rạng sáng hôm sau, voi tràn vào các rẫy xoài đến độ thu hoạch để ăn trái.
Xoài đến độ thu hoạch của gia đình ông Võ Văn Điểu bị voi quật gãy. Ảnh: Ngọc An. |
“Trái gần chín, các ông ấy (người dân Thanh Sơn gọi voi là ông - pv) ăn rồi bỏ hạt lại gốc. Những trái non, các ông ăn một nửa trên rồi bỏ lại nửa dưới. Ăn hết trái, ông quật gãy hết cành hoặc đạp bật gốc”, chị Võ Thị Lệ Nhung cho biết.
Trắng tay vụ trái cây Tết
Chị Nhung canh tác 1 ha xoài giống Đài Loan và cây đã bước sang năm thứ 6. Cận Tết, xoài đang ươm trái, chuẩn bị thu hoạch thì voi về phá hoại.
Tại vườn nông dân này còn sót lại những dấu chân voi có đường kính lên đến 50 cm, in sâu xuống nền đất. Cành gãy nằm la liệt khắp vườn, xen lẫn phân voi là hạt xoài và trái non.
Nhìn vào khu vườn, chị Nhung buồn bã: “Mỗi cây có đến 200-300 kg trái nhưng giờ tan tành. Sau một đêm, gia đình mất trắng trên 3 tấn xoài, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Cả năm làm lụng vất vả, trông chờ vào vụ xoài Tết nhưng giờ chả còn gì”.
Chung cảnh ngộ, gia đình ông Võ Văn Điểu (ấp 5, xã Thanh Sơn) cũng mất sạch 4 tấn xoài.
Ông Sơn cho hay các cây trong vườn ra trái đẹp và các thương lái đã chọn ngày để thu mua. Một ngày trước khi thương lái đến thu nông sản, đàn voi vào vườn của gia đình ông Điểu ăn hết trái, phá gãy cây.
Vườn xoài của gia đình chị Nhung bị voi bẻ gãy trơ trụi. Ảnh: Ngọc An. |
“Thấy các ông đang phá trong vườn, tôi phải gọi thêm những người trong xóm đến rồi tìm mọi cách xua đuổi. Khi các ông ấy ra khỏi vườn thì trái trên cành đã hết, cây bị phá trơ trụi. Tiền nợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí tiền tiêu Tết của gia đình trông chờ vào vụ xoài này giờ mất trắng!”, ông Điểu nói như muốn khóc.
Để vớt vát, giữ gốc cây cho mùa sau, nông dân phải thay nhau canh gác ở khu rẫy.
“Không đêm nào được ngủ ngon giấc. Hai vợ chồng cứ thế thay nhau canh rẫy. Khi voi vào rẫy hàng xóm thì mình cũng phải chạy qua hỗ trợ xua đuổi”, chị Nhung kể.
Sau mỗi đợt voi phá rẫy của nông dân, lực lượng kiểm lâm của Hạt kiểm lâm huyện Định Quán lại đến ghi nhận thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ nông dân.
Làm hàng rào điện
Hồi tháng 7/2017, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã vận hành hàng rào điện để ngăn voi rừng vào khu vực dân cư, tránh các cuộc xung đột giữa động vật này và người.
Voi xuất hiện ở khu vực gần rẫy của người dân tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai) nhiều tháng trước. Ảnh: N.V.C. |
Hàng rào dài 50 km, bao quanh khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, qua địa phận xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Thanh Sơn (huyện Định Quán) và Đắc Lua (huyện Tân Phú, Đồng Nai).
Tuy nhiên, khu vực xã Thanh Sơn có khoảng 20 km chưa có hàng rào điện nên voi đổ ra, vào rẫy người dân.
Ngày 26/1 vừa qua, ông Cao Chí Công, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc bảo tồn voi ở địa phương.
Trước vấn đề voi tràn ra khu rẫy người dân ở xã Thanh Sơn, ông Công đồng ý xây dựng thêm 20 km hàng rào điện ở khu vực.
Tác giả: Ngọc An
Nguồn tin: zing.vn