Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố mới nhất cho thấy, tính đến tháng 6, số dư tổng phương tiện thanh toán đạt trên 12,6 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt trên 5,11 triệu tỷ đồng và tiền gửi của dân cư đạt trên 5,29 triệu tỷ đồng, tăng tương đương 4,78% và 2,94% so với cuối năm 2020.
Tính riêng tháng 6, lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,32% so với tháng trước.
Cùng với đó, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tăng thêm trong tháng 6 là trên 74.200 tỷ đồng, tăng 1,47% so với tháng liền trước và là tháng tăng ròng cao thứ 2 từ đầu năm (chỉ sau mức tăng gần 203.000 tỷ đồng hồi tháng 3).
Tính đến cuối tháng 6, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng đạt trên 5,29 triệu tỷ đồng (Ảnh: Quốc Chính). |
Tính chung nửa đầu năm, người dân đã gửi ròng thêm khoảng 151.200 tỷ đồng vào các ngân hàng, trong khi số này của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là gần 233.200 tỷ đồng.
Diễn biến kể trên trái ngược hoàn toàn so với những năm trước khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư thường lớn hơn nhiều so với các tổ chức kinh tế.
Như trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng bình quân vào khoảng 330.000 tỷ đồng/nửa đầu năm, cao gấp đôi so với mức tăng 167.000 tỷ đồng/nửa năm của nhóm khách hàng doanh nghiệp và tổ chức.
Trước đây, gửi tiết kiệm vào ngân hàng được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh.
Tuy nhiên, mức lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay đã khiến dòng tiền tích lũy của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao như chứng khoán, vàng, bất động sản...
Ví dụ như vào tháng 1, tiền gửi của cư dân vào ngân hàng chỉ đạt trên 4,85 triệu tỷ đồng. Hay như tính đến tháng 4, quy mô tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng ở mức trên 5,26 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với cuối năm 2020.
Trước đó, thời kỳ những năm 2013 và 2014 khi lãi suất huy động còn ở mức khá cao 7-9%/năm, tăng trưởng tiền gửi của dân cư cùng kỳ so sánh từng lên tới 13,55% và 9,83%. Còn cùng kỳ hai năm gần đây, tiền gửi dân cư lần lượt còn tăng 3,37% tại tháng 4/2020 và tăng 2,34% tại tháng 4 năm nay.
Công ty chứng khoán SSI cho thấy, kể từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường mở không phát sinh giao dịch mới và các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục được thực hiện giúp nguồn cung VND được cải thiện.
"Lãi suất tiết kiệm kỳ ngắn hạn tăng nhẹ 10-50 điểm cơ bản tại một số ngân hàng chỉ mang tính chất cục bộ, không phản ánh sự hình thành làn sóng tăng. Lãi suất tiết kiệm sẽ giữ ổn định, nếu tăng cũng chỉ ở mức nhẹ, từ 0,1 - 0,2 điểm %", VCBS nhận định.
Dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước cập nhật ngày 16/8 cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm ở mức 0,75%; một tuần ở mức 1%; 2 tuần 1,06%; kỳ hạn 1-3-6 tháng tương ứng mức 1,4 - 1,79 - 4,54%.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ từ ngày 2 - 6/8 bằng VND đạt xấp xỉ 687.407 tỷ đồng, bình quân 137.481 tỷ đồng/ngày, giảm 15.821 tỷ đồng/ngày so với tuần 26 - 30/7; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 132.659 tỷ đồng, bình quân 26.532 tỷ đồng/ngày, giảm 1.591 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (84% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn một tuần (8% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và một tuần với tỷ trọng lần lượt là 71% và 15%.
Tác giả: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Dân trí