Xã hội

Người đàn bà hi sinh cả cuộc đời, cưới vợ cho chồng

Hy sinh hạnh phúc, chia sẻ chồng cho người khác là điều rất hiếm người phụ nữ nào làm được, nhưng với bà Tuyết thì đến tận cuối cuộc đời vẫn luôn vun vén, chăm lo cho hạnh phúc gia đình mới của chồng.

ba tuyet va ba hoi DFBV jpg ashx
Bà Hợi và bà Tuyết (trái), hai người vợ của ông Thắng bên nhau

Người vợ nuốt nước mắt cưới vợ cho chồng

Một ngày cuối năm, có mặt tại căn nhà nhỏ bé tại xóm Tân Hồng (xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) chúng tôi được nghe bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1942) kể về cuộc đời mình. Từ đầu cho đến cuối câu chuyện thì chỉ thấy đó là cả một câu chuyện buồn về cuộc đời của bà, nhưng bà lại không hề thấy hối hận hay luyến tiếc bất cứ điều gì.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Vân Diên (huyện Nam Đàn, Nghệ An), lên ba tuổi thì một cơn bạo bệnh cướp đi mẹ bà, bà Tuyết mồ côi mẹ từ đó. Bố sau đó đi bước nữa với người phụ nữ khác, Tuyết sống với dì “ghẻ” từ bé, may mắn được người dì chăm sóc như con đẻ. Năm 20 tuổi, bố bà cũng qua đời do một căn bệnh quái ác. Bà mồ côi cả bố cả mẹ, lớn lên theo bạn bè lên làm kinh tế mới tại Nông trang Tân Hồng (thuộc xã Nghĩa Phúc, Tân Kỳ) bây giờ.

Cũng như những người khác, gia đình bà nhận lời với người trong xã làm thông gia, gả Tuyết cho anh lính Dương Đình Thắng đang chiến đấu tại mặt trận Nam Lào. Hai gia đình mai mối, trầu cau đi lại dù cả hai người không hề quen biết nhau. Mãi cho đến một lần ông Thắng về quê nghỉ phép hai người mới được gặp nhau mới biết hai người đã có đính ước. Ông Thắng tiếp tục ra chiến trường, bà Tuyết lại lên làm kinh tế, hai người thư từ qua lại rồi nói lời yêu nhau trong thư. Không lâu sau đó, đám cưới diễn ra trong một lần ông Thắng về nghỉ phép.

Năm 1963, ông Thắng được xuất ngũ về đoàn tụ với vợ, hai người lên làm kinh tế mới tại Nông trang Tân Hồng. Sau nhiều năm sinh sống, những đứa con là thứ mà ông bà mong ngóng nhất nhưng vẫn chưa có. Đi khám nhiều thầy lang, uống nhiều loại thuốc nhưng vẫn chưa có kết quả gì. Cả hai ông bà buồn lắm, “hồi đó ông là đảng viên, đi đâu ai cũng nói là không biết sinh con nên ông cũng buồn tủi lắm. Y học hồi đó cũng chưa tiên tiến như bây giờ, chiến tranh bom đạn nên cũng không thể đi chữa trị được. Rừng núi heo hút, nhà nào cũng có đứa con khóc cười nghe mà thèm lắm…”, bà Tuyết kể.



Gần 15 năm chung sống nhưng vẫn chưa có con, chồng lại là con trai một nên bổn phận nối dõi tông đường càng làm cho bà cảm thấy nặng nề. Nhiều người nói gần, nói xa là không biết sinh con cho chồng thì để người khác sinh.

Người khác nói là thế, nhưng bà cũng suy nghĩ nhiều lắm chứ, cũng dịp này có một người đàn ông (anh rể của vợ hai ông Thắng hiện nay) nói với bà: “Chị không sinh được con cho ông Thắng thì để ông lấy người khác sinh con cho ông, tui có đứa em gái đó bà coi răng”. Sau vài hôm suy nghĩ bà Tuyết quyết định mang theo trầu cau đến gặp bà Nguyễn Thị Hợi (SN 1949, người cùng xã) cũng lên làm kinh tế mới tại xã Nghĩa Phúc khi đó đã lỡ thì vì một lời hẹn ước với người yêu ra trận không trở về.

“Ban đầu khi chị Tuyết sang nói chuyện, tui với gia đình không đồng ý mô, phần vì tui chưa lấy chồng lần mô mà dừ đi làm vợ hai người khác, một phần nữa vì mối tình với người yêu hi sinh trong chiến trường. Dần dà được chị Tuyết động viên, rồi cũng thấu hiểu cho tấm lòng của chị và khát khao có con của anh Thắng nên tui gật đầu đồng ý. Nói chuyện với gia đình mãi sau đó bố mẹ tui mới đồng ý cho tui lấy anh Thắng…”, bà Hợi tâm sự.

Bà Hợi xuôi tai rồi gật đầu làm vợ ông Thắng mà ông Thắng không hề hay biết, bà Tuyết đã nói chuyện với chồng, ông Thắng nhất quyết không chịu vì tình nghĩa vợ chồng vẫn còn mang nặng. Được bà động viên, giải thích, thấy vợ thật lòng vun vén cho mình, cùng với khát khao có đứa con nên ông Thắng đồng ý sau khi được vợ tâm sự, giãi bày.

Trước lúc cưới vợ cho chồng, bà Tuyết còn đi làm thủ tục ly hôn để không vì mình mà vướng bận đến chồng và người vợ hai. Lễ cưới cũng được bà Tuyết chuẩn bị chu đáo để người vợ hai của chồng đã chịu thiệt thòi không phải ưu phiền thêm vì mang tiếng làm vợ hai người khác. Đám cưới sau đó được tổ chức, ông Thắng dọn về dưới xuôi sinh sống với người vợ thứ hai, bà Tuyết nuốt nước mắt lặng lẽ sống một mình trong căn nhà nhỏ tại Nghĩa Phúc.

Một đời hi sinh không hối tiếc

Những đứa con với người vợ hai lần lượt ra đời, ông Thắng vui lắm, mong ước suốt mấy chục năm qua đã thành sự thật, ông không còn “mang tiếng” là không có con. Còn bà Tuyết vẫn một mình làm lụng nuôi bản thân, mỗi khi có thời gian ông Thắng lại về thăm và tâm sự với bà, thấy chồng hạnh phúc bên duyên mới bà cũng mừng cho ông nhưng đêm đến thì bà lại ôm gối khóc thầm vì tủi phận mình…

Những đứa con của ông Thắng và bà Hợi lớn lên khiến cuộc sống gia đình khó khăn hơn, ông Thắng lên nói chuyện với vợ đầu muốn lên Nghĩa Phúc sống để làm kinh tế, cũng là để gần bà hơn, tiện đi lại thăm nhau. Nghe cũng mủi lòng, phần vì cũng muốn giúp hai vợ chồng ông Thắng, bà Hợi nên bà đồng ý.

Bảy đứa con và hai vợ chồng ông Thắng, bà Hợi dọn về sống chung trong một nhà. Hai người vợ, một ông chồng trong một căn nhà là điều hiếm có, nhưng hai bà vợ vẫn nhường nhịn nhau không hề có mâu thuẫn lớn nào xảy ra. Rồi những đứa con càng ngày càng lớn nên bà bàn với ông Thắng ra làm nhà riêng để ở cho tiện.

Sau ba năm sống chung, bà quyết định bán con trâu, lấy tiền mua một mảnh đất trong xóm để hai vợ chồng ông Thắng, bà Hợi lên dựng nhà sinh sống. Các con lớn lên, đến tuổi dựng vợ, gả chồng, anh Thọ được bà Tuyết cắt cho một mảnh đất trong vườn làm nhà bên cạnh nhà bà. Anh Thọ và bà Tuyết cũng xem nhau như mẹ con ruột thịt, đi lại chăm sóc những lúc bà trái gió trở trời.

Năm 2013, ông Thắng đổ bệnh nhập viện, bà Tuyết lại lên bệnh viện chăm sóc ông thay những khi con cái và bà Hợi bận. Hai con người già cả chăm nhau trong bệnh viện khiến nhiều người trẻ phải ghen tị.

“Hồi đó, ông nói muốn được về ngôi nhà mà hai chúng tôi sinh sống với nhau trước đó để sống những ngày xế chiều, khi chết muốn được lập bàn thờ tại nhà này để con cái thờ cúng hai ông bà. Tuy trong lòng rất cảm động nhưng tui không đồng ý vì ông còn có gia đình riêng, có con cái” - bà Tuyết tâm sự.

Sau khi chồng mất, bà Hợi và bà Tuyết cùng đứng chịu tang ông, cứ đến ngày lễ, giỗ, Tết hoặc ngày rằm, ngày mùng một bà lại đến thắp hương cho chồng. Giờ đây, bà Tuyết một mình sống trong căn nhà cấp 4 dựng lên cách đây hơn 40 năm mà hai ông bà tự tay dựng lên. Ở cái tuổi 75, bà đã già yếu đi nhiều bởi suốt đời lo nghĩ cho chồng, đến lúc chồng gần lìa đời bà vẫn nhiệt tình vun vén hạnh phúc cho tổ ấm thứ hai của chồng.

“Đến giờ phút này đã gần đến cuối đời mình rồi, dù biết rằng chia chồng cho người khác là điều khó khăn lắm mới làm được nhưng tui không hề hối hận về việc làm này. Hi sinh để ông có một đàn con khỏe mạnh, ngoan ngoãn là tui mãn nguyện lắm rồi…”, bà Tuyết tâm sự.

Tác giả bài viết: Ngô Toàn – Vạn Lộc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok