Trong tỉnh

Người con ưu tú cả đời gắn bó với rừng già ở xứ Thanh

Những bàn chân nặng chịch bước đến, hơi thở của mẹ đất bỗng lặng im, chỉ những chiếc lá trên ngọn cây vẫn khẽ đung đưa như vẫy gọi, mừng người thân yêu đã về.

Ngày nào cũng vậy, khi gà vừa gáy sáng, ánh mặt trời bắt đầu lấp ló trên ngọn cây, ông đã nịt dao, vác rựa đi vào những cánh rừng già. Ông đi khắp khu rừng, thăm khám từng thân cây, chặt đi những dây dại quấn quanh, phát quang những bụi rậm, để dành đất “diễn” cho cây.

Người đàn ông đấy chính là Hà Ngọc Khang (68 tuổi), trú tại thôn Xuân Minh 2, xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Người đã dành trọn cuộc đời làm bạn với rừng xanh, chứng kiến bao cảnh đổi thay của rừng già.

Khi mẹ về với rừng

Ông Hà Ngọc Khang sinh ra trong một gia đình người Thái nghèo khó, quanh năm bám vào rừng để sinh sống. Ngay từ nhỏ, ông đã cùng với gia đình vào trong rừng sâu để đào củ nâu, củ mài ăn qua bữa đợi ngày lúa chín.

Nhờ công chăm sóc mà rừng quế nhà ông Hà Ngọc Khang sinh trưởng và phát triển tốt.

Bản làng của ông lúc đấy cũng vậy, họ đã quen nương tựa vào rừng, gặp cây to thì chặt, cây nhỏ thì phát, quần quật lam lũ chỉ cố tạo cho được đất trống làm nương rẫy. Tra xong hạt ngô, hạt lúa... họ quẳng lại đó, trông cậy tất cả vào mẹ trời và sự may mắn của thiên nhiên. Vài mùa mưa qua, đám đất ấy bị rửa trôi, bạc phếch, họ đi sâu hơn vào rừng, trèo lên non cao, tiếp tục đốn hạ những thân gỗ, chỉ để lấy chỗ cho hạt lúa, hạt ngô nảy mầm...

Cũng chính vì cái nghèo đói, tù túng nên trong bản rất nhiều người ốm đau, bệnh tật rồi khuất núi, giống như cái giá phải trả khi tàn sát thiên nhiên. Trong số đó có mẹ của ông Khang. Bà ra đi lúc ông mới đầy 2 năm tuổi, cái tuổi đang rất cần sự yêu thương đùm bọc của một người mẹ.

Lớn lên một chút, khi thấy chúng bạn đều có mẹ che chở, ông Khang rất tủi thân, ông thường hỏi bà nội về sự “biến mất” không lý do của người mẹ. Để an ủi đứa cháu tội nghiệp, người bà đành đưa cháu lên thăm mộ mẹ trong những cánh rừng sâu. Đứng trước nấm mồ vô tri, qua những câu chuyện của bà, trí óc non nớt của ông chỉ biết, mẹ mình đã hóa thành những cánh rừng để che chở cho bản làng.

“Khi tôi suốt ngày đòi mẹ, bà nội tôi đã đưa tôi vào tận rừng sâu, nơi có ngôi mộ của mẹ tôi. Tại đây bà bảo với tôi, mẹ của cháu nằm xuống đây để hóa thành những cánh rừng già, bảo vệ cho tôi và cho dân làng. Từ ngày đấy, hễ có thời gian rảnh, tôi thường lên đây thăm rừng”- ông Khang nhớ lại.

Cũng từ đó, mỗi khi có niềm vui, hay nỗi buồn, ông thường cầm dao, rựa tìm về cánh rừng già phía chân núi, nơi có mẹ ông đang yên giấc ngàn thu để tâm sự, trò chuyện. Để giúp mẹ rừng, ông thường chặt đi những dây dại quấn quanh thân cây, hay phát quang những bụi rậm để cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

“Sau những biến cố ấy, tôi rất nhớ mẹ như những đứa trẻ khác, nhưng chính câu nói của bà nội, đã giúp tôi chuyển từ tình yêu mẫu tử sang với tình yêu thiên nhiên, và cây cỏ. Sau này tôi lớn lên, được Đảng và Nhà nước tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng, tôi mới thấy lời nói dối của bà thật ý nghĩa” - Ông Khang cho biết.

Cũng từ đó, tình cảm thiêng liêng của một cậu bé dành cho mẹ mình đã hóa thành tình yêu cao cả của một con người với thiên nhiên, với những cánh rừng. Để từ đó, mẹ rừng trả ơn ông bằng những thân cây gỗ to, những khoảng không bóng mát mỗi khi hè về.

Năm 1980, ông Khang kết duyên cùng với bà Hà Thị Tý, người cùng thôn, dù sống trong đói nghèo, nhưng ông luôn vận động vợ con giữ rừng. Theo ông, người dân tộc Thái sinh ra từ rừng, lớn lên trong sự bao bọc của rừng, đến khi chết lại về với rừng, nên còn rừng là còn tất cả.

Bà Hà Thị Tý cho biết: “Trước những năm 80, người miền xuôi lên đây mua gỗ nhiều, dân làng thường vào rừng đốn cây để đổi lấy bò gạo. Còn ông nhà tôi thì chạy đôn chạy đáo khuyên ngăn mọi người nên giữ rừng. Có lẽ vậy nên có thời gian mọi người bảo ông nhà tôi bị hâm”.

Hàng ngày, ông Hà Ngọc Khang thường đi sâu vào những cánh rừng, chặt phát đi những bụi rậm để cây sinh trưởng và phát triển (Ảnh Hà Khải).

Mặc cho người đời cười chê, ông Khang vẫn nỗ lực đi từng nhà để vận động người dân không làm việc cho kẻ buôn gỗ. Dù đói nghèo, nhưng cố gắng trồng lúa 2 vụ, trồng ngô sẽ đủ ăn. Còn phá đi rừng, chỉ bữa no được vài bữa, khi rừng hết, biết lấy gì mà ăn.

Lập lán gắn bó một đời với rừng

Đứng trước cảnh cơm ăn chưa no, thì việc người dân đốn cây đổi gạo vẫn liên tiếp xảy ra. Nhìn những cánh rừng đang bị chảy máu ông Khang rất buồn, vì cả cuộc đời của ông đã dành cho rừng, chứng kiến từng gốc cây to lớn từng ngày, nay nhìn chúng bị chặt phá mà ông lại chưa tìm ra hướng để bảo vệ.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông Khang đã khăn gói lên thị trấn, gặp những người cán bộ tâm huyết để học tập làm kinh tế. Sau khi được cán bộ nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, ông đã trở về bắt đầu phát triển kinh tế rừng từ những cây tre gốc luồng. Bên cạnh đó, ông còn phối hợp với lực lượng kiểm lâm, quyết tâm giữ bằng được những cánh rừng còn sót lại. Không để xảy ra tình trạng máu rừng tự nhiên chảy mãi về xuôi như trước. Đặc biệt, để tiện cho việc trông coi rừng, ông đã chủ động lập lán, khi phát hiện người lạ vào, có hiện tượng tình nghi, ông sẽ báo ngay cho chính quyền để kịp xử lý.

Ông Khang cho biết: “Để giữ được rừng rất khó, đặc biệt lúc dân đang nghèo đói. Nên trước hết mình phải tiên phong đi đầu thì mới vận động tuyên truyền bà con được. Hơn nữa, mình cũng chỉ là dân nên đôi khi nói hay nhưng họ không nghe, thậm chí còn bảo mình hâm”.

Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi, cùng với thành quả đạt được từ kinh tế rừng đã làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây. Họ không còn vào rừng đốn gỗ nữa mà thay vào đó là trồng keo, trồng quế phủ lên những quả đồi trọc.

Không chỉ có vậy, khi hủ tục nơi đây còn nhiều, ông Khang cũng thường xuyên vận động bà con theo lối sống văn minh. Thấy những gì ông làm trước đều có kết quả tốt nên chỉ trong thời gian ngắn, thôn bản ông đã không còn mê tín dị đoan.

Lán nhỏ của ông Hà Ngọc Khang được dựng sát rừng sâu, nằm trên những đồi quế của gia đình (Ảnh: Hà Khải)

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Khang trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ông Nguyễn Văn Bính, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thường Xuân cho biết: “Ông Hà Ngọc Khang là một công dân tiêu biểu trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ông là một trong những người tâm huyết với rừng, coi rừng như bầu bạn. Thông qua ông Khang, cán bộ kiểm lâm rất thuận lợi trong việc tuyên truyền đến mọi người để nâng cao nhận thức trách nhiệm về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như được hưởng thụ các chính sách của nhà nhước như dịch vụ môi trường rừng, tiền khí thải cacbon (ERPA)”.

Giờ đây dù tuổi cao, sức khỏe yếu dần, nhưng ngày nào ông Khang cũng dành thời gian để đến với mẹ rừng. Những bàn chân nặng chịch bước đến, hơi thở của mẹ đất bỗng lặng im, chỉ có những chiếc lá trên những ngọn cây vẫn khe khẽ đung đưa như đang vẫy gọi, chào mừng người thân yêu đã trở về.

Tác giả: Hoàng Minh - Hà Khải

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok