Cuộc sống

Người béo phì dễ mắc ung thư gì?

Nhiều người nghĩ béo phì chỉ liên quan đến tiểu đường, tim mạch, nhưng thực tế đây chính là nguyên nhân gây ra 20% ung thư.

Tại hội thảo mới đây ở Hà Nội về thải độc cơ thể phòng ung thư, GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc bệnh viện K cho biết, ung thư đang là vấn đề bức bối không phải của riêng quốc gia nào mà của toàn thế giới.

Đây là căn bệnh đa nguyên nhân. Tại Việt Nam, ngoài tuổi thọ, giới tính, địa dư, 80% ung thư do tác động từ môi trường, trong đó thuốc lá chiếm 33%, 35% do thực phẩm không an toàn và chỉ 5-10% liên quan đến yếu tố di truyền.

GS nhấn mạnh, với ung thư phòng bệnh phải đóng vị trí ưu tiên hàng đầu. Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như việc thay đổi lối sống: bỏ thuốc, hạn chế rượu bia, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, người dân nên cố gắng tuân thủ.

Thực phẩm không an toàn chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư tại VN
“Riêng thực phẩm bẩn là vấn đề làm nóng cả QH. Hoá chất trong thực phẩm khi vào cơ thể sẽ tích luỹ dần, bám chắc trong các mô cơ thể. Nhưng ăn rồi làm sao thải ra? Nên thải độc cơ thể là vấn đề rất mới”, GS Đức chia sẻ.

Ông cho biết, vừa qua trên mạng xã hội chia sẻ nhiều về các phương pháp thanh lọc cơ thể, như uống nhiều nước, uống nước chanh... Tuy nhiên người dân không nên áp dụng thái quá, đã có trường hợp tử vong vì truỵ tim mạch, suy kiệt do chỉ uống nước.

Theo các chuyên gia, gan có cơ chế tự thải độc, giúp loại bỏ các chất thừa thãi, các độc tố ra khỏi cơ thể; tập thể dục, uống nước nhiều cũng hỗ trợ quá trình thải độc.

Tuy nhiên bình thường hệ thống thải độc chỉ hoạt động được 40% công suất, trong khi độc tố trong thực phẩm ngày càng nhiều nên cần phải bổ sung các chất oxy hoá, các hoạt chất làm tăng hoạt tính của các enzym tại gan bằng việc ăn các thực phẩm chứa nhiều glutathione như măng tây, mầm súp lơ, rau chân vịt, đậu bắp...

Nhưng cũng có những chất gan không thể loại bỏ được, do đó cách tốt nhất vẫn là hạn chế đưa chất độc vào cơ thể.

Nhận diện thực phẩm tăng nguy cơ ung thư

PGS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng cho biết, ngoài các chương trình dự phòng (cấm hút thuốc nơi công cộng) và sàng lọc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng chính là một trong những biện pháp dự phòng ung thư.

PGS Hương cho biết dinh dưỡng chính là một trong những biện pháp để dự phòng ung thư
“Nhiều người nghĩ béo phì chỉ liên quan đến tiểu đường, tim mạch, nhưng thực tế đây chính là nguyên nhân gây ra 20% ung thư. Khi béo phì sẽ khiến các độc tố chất tăng trọng, kháng sinh trong sản phẩm động vật tích lại các mô mỡ, thịt, cơ thể không đào thải được”, bà Hương chia sẻ.

Những người béo phì có nguy cơ cao mắc các loại ung thư thực quản, tiền liệt tuyến, đại trực tràng, vú, nội mạc tử cung, thận.

Các yếu tố đầu vào khác như rượu sẽ gây ung thư khoang miệng, thực quản, gan, đại tràng vú; Ăn mặn sẽ gây ung thư dạ dày, mũi họng.

Ăn nhiều thịt đỏ dễ gây ung thư đại trực tràng; ăn thức ăn nấm mốc (aflatoxin) gây ung thư gan; các loại thức ăn, thức uống quá nóng thường xuyên sẽ gây ung thư khoang miệng, thực quản; ăn nhiều đồ nướng, đồ ăn nhanh gây ung thư dạ dày, đại trực tràng...

Bảng chế độ dinh dưỡng giúp ngừa ung thư
PGS Hương khuyến cáo, người dân cần ăn nhiều rau củ quả để ngừa ung thư khoang miệng, thực quản, đại trực tràng; ăn nhiều cá, tỏi, thực phẩm chứa nhiều canxi để ngừa ung thư trực tràng; ăn các loại thực phẩm chứa nhiều selen như lúa mỳ, ngô, bắp cải, đậu hà lan, cà rốt, thuỷ hải sản để ngừa ung thư phổi, đại trực tràng, tiền liệt tuyến.

Thực phẩm chứa nhiều folate trong đậu, ngũ cốc chưa xay xát kỹ giúp ngừa ung thư tuỵ, thực quản, đại trực tràng

Tác giả bài viết: Thúy Hạnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok