Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội, năm học 2018-2019, TP có hơn 100.000 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, tăng trên 22.000 em so với năm trước. Con số này khiến áp lực tuyển sinh vào lớp 10 của các trường công lập cũng sẽ tăng cao do điều kiện cơ sở vật chất có giới hạn, không cho phép nâng chỉ tiêu tuyển sinh.
Cân nhắc phương án tăng chỉ tiêu
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hà Nội cho biết trước tình hình này, sở đã đề xuất TP đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trường, lớp mới. Ngoài ra, cân nhắc đến phương án tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập, nhất là trường thuộc khu vực khó khăn.
Để có một suất học tại các trường chất lượng cao như Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành là cực kỳ khó khăn với các học sinh Hà Nội |
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP Hà Nội còn xem xét cho phép các trường THPT tự chủ tài chính, trường THPT ngoài công lập được tiếp nhận hồ sơ trúng tuyển vượt chỉ tiêu khoảng 10%-20%, tùy theo quy mô, điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 của TP Hà Nội dự kiến vẫn giữ ổn định như các năm trước, là thi kết hợp xét tuyển. Thí sinh dự tuyển vào lớp 10 hệ không chuyên sẽ thi 2 môn ngữ văn và toán (nhân hệ số 2), kết hợp xét kết quả học tập, rèn luyện ở bậc THCS. Kết quả này được quy ra điểm với mức tối đa là 20 (gồm 4 năm là HS giỏi, hạnh kiểm tốt). Riêng thí sinh dự tuyển vào các trường chuyên của TP Hà Nội, sau khi đạt điều kiện tối thiểu (4 năm là HS giỏi, hạnh kiểm tốt) sẽ phải dự thi 4 môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ (môn điều kiện) và môn chuyên.
Bên cạnh việc đưa ra phương án tuyển sinh chung cho các trường công lập, Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng đang tính toán để đưa ra phương án tuyển sinh hợp lý cho các trường "hot" khi có số hồ sơ nộp vào cao hơn chỉ tiêu. Thí sinh dự thi vào lớp 10 ngay trong tuần đầu tiên của tháng 6-2018.
Hồi hộp chờ phương án tuyển sinh lớp 6
Căng thẳng không kém kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, việc tuyển sinh vào lớp 6 của các trường chất lượng cao cũng khiến phụ huynh và HS rất hồi hộp do có thông tin sửa đổi quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Đến nay, các phụ huynh như "ngồi trên đống lửa" vì không biết việc tuyển sinh lớp 6 sẽ thực hiện theo quy định hiện hành - tức là xét tuyển - hay thi tuyển tại một số trường như dự kiến được Bộ GD-ĐT đưa ra.
Về định hướng tuyển sinh năm 2018, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết nếu việc tuyển sinh theo phương pháp đánh giá năng lực ở một số trường được Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng, sở sẽ khảo sát, đánh giá các trường này để có phương án phù hợp nhất. Ông Đại cho rằng việc Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo cho phép một số trường có số HS đăng ký vượt chỉ tiêu được tổ chức đánh giá năng lực là phù hợp.
Theo ông Đại, nếu trường nào có số lượng HS đăng ký vượt chỉ tiêu thì cần lên các phương án để kiểm tra, xét tuyển. Sở sẽ nghiên cứu xem phương án nào hài hòa nhất. "Theo quy định, khoảng tháng 3-2018, sở sẽ công bố phương án thi này" - ông Đại nói.
Ngoài Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển sinh lớp 6 toàn TP, nhiều trường chất lượng cao của Hà Nội cũng tuyển HS không cần đúng tuyến như THCS Cầu Giấy, THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, THCS Nam Từ Liêm… Bên cạnh đó, một số trường ngoài công lập có tiếng như Nguyễn Siêu, Marie Curie, Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm… cũng mong muốn được tổ chức thi tuyển bởi lượng HS đăng ký dự thi quá đông so với chỉ tiêu.
Tuyển thẳng cũng bị siết Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, một số trường THCS sẽ được tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay. Ngoài ra, việc tuyển thẳng nhờ các giải thưởng cũng được siết chặt hơn. Các trường chỉ tuyển thẳng HS đoạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng phụ huynh "chạy" học bạ, "chạy" giải thưởng để xét tuyển cho con. |
Tác giả: YẾN ANH
Nguồn tin: Báo Người lao động