Một ngôi làng ở Italia từng bị ngập lụt trong dòng nước vào những năm 1940, bỗng có thể “sống lại” một lần nữa.
Đó là ngôi làng Fabbriche di Careggine (tên tiếng Anh: Careggine Factories), nằm ở tỉnh Lucca ở Tuscany, Italia. Đây vốn là một thị trấn thời Trung Cổ từ thế kỷ 13, đã bị bỏ hoang vào năm 1947.
Con đập nhấn chìm làng Trung Cổ Fabbriche di Careggine trong biển nước |
Vào thời điểm đó, chính quyền ở khu vực này cho xây dựng một con đập trên sông Edron, tạo ra hồ nhân tạo Vagli, nhấn chìm ngôi làng trong biển nước. Bởi vậy, tất cả người dân trong làng phải bỏ xứ rời tới các thị trấn lân cận. Sau khi bị bỏ hoang, làng Fabbriche di Careggine bị gọi tên là “ngôi làng ma”.
Từng bị bỏ hoang và nằm sâu dưới nước, nên làng Fabbriche di Careggine còn bị gọi là “ngôi làng ma” |
Sau những trận lụt lịch sử, nước ở hồ Vagli rút 4 lần, lần lượt vào các năm 1958, 1974, 1983 và 1994. Không lâu sau đó, hồ cạn nước để lộ ra tàn tích của ngôi làng cổ. Tới năm 1994, nước hồ nhân tạo Vagli rút cạn, để lộ luôn ngôi làng từ thời Trung Cổ xuất hiện, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới chiêm ngưỡng.
Ngôi làng từ thời Trung Cổ từng xuất hiện, thu hút rất đông du khách tới chiêm ngưỡng |
Theo Enel, đại diện của tổ chức sử dụng đập nước, có thể con đập sẽ xả để rút nước hồ một lần nữa vào năm 2021. Khi rút nước hồ sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy du lịch trong vùng, bởi chẳng ai muốn bỏ lỡ cơ hội khám phá một thị trấn lịch sử có từ thời Trung Cổ. Hàng chục năm qua, làng cổ Fabbriche di Careggine đã chìm sâu trong 34 triệu m3 nước, nên cơ hội để khám phá rất hiếm.
Quang cảnh thiên nhiên khoáng đạt xung quanh hồ nhân tạo Vagli |
Trước đó vào năm 2016, nơi này từng có kế hoạch rút cạn nước trong hồ nhưng dự án này không được phê duyệt. Mới đây, phía Enel đang cân nhắc kế hoạch này, nhưng chưa ấn định thời gian chính thức.
Ngoài việc rút nước hồ cứa, Enel còn công bố dự án thúc đẩy phát triển du lịch trong khu vực, bao gồm mở một số điểm tham quan nhất định, xây dựng các bảo tàng tập trung vào lịch sử địa phương và tái phát triển môi trường tự nhiên.
Tác giả: Huy Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí