Du lịch

Ngọc bích tạc tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới quý như thế nào?

Những mỏ đá ngọc bích nằm ở Bắc cực, nơi thời tiết vô cùng khắc nghiệt, vì vậy, người ta chỉ có thể tranh thủ khai thác được 3 tháng hè trong một năm, khi băng tuyết đã tan.

Từ lâu, người ta đã truyền tai nhau tác dụng của ngọc bích trong việc phòng tránh rủi ro, “tà ma”, mang lại may mắn, thậm chí, ngọc bích còn là biểu tượng của sức khỏe.

Thực tế đã chứng minh, cách đây hàng nghìn năm, các bậc vua chúa đã sử dụng ngọc bích như là một thứ trang sức biểu tượng cho sự cường tráng và trường thọ.

Thời kỳ tiền Columbus, loại đá quý này không chỉ được sử dụng trong chế tạo vật dụng và vũ khí, mà còn được xem là phương thuốc thần kỳ chữa bệnh thận. Quan niệm này phổ biến ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Từ jade (ngọc bích) có nguồn gốc từ piedra de ijada trong tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là đá thận.

Lịch sử cho thấy, các bậc vương tôn công tử Trung Hoa lẫn các tù trưởng quyền uy ở Trung Mỹ thường đeo chuỗi hạt ngọc bích ngang thắt lưng (vị trí của hai quả thận) suốt cả cuộc đời.

Một người kinh doanh ngọc bích ở Việt Nam cho biết, ngọc bích là tên gọi chung cho hai loại Ngọc bích Jadeite và Ngọc Nephrite. Trong đó, ngọc bích nephrite được xem là bền nhất trong các loại đá thiên nhiên nhưng không cứng bằng ngọc bích jadeite.

Tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới được tạc từ loại ngọc bích nephrite phát hiện ở Bắc Canada (Ảnh: phatgiao.org.vn)


Theo tìm hiểu, bức tượng Phật ngọc bích Hòa bình Thế giới được tạc từ loại ngọc bích nephrite phát hiện ở Bắc Canada.

Không biết từ bao giờ, thiên nhiên đã ban tặng cho Canada một thềm ngọc bích cực kỳ lớn. Tuy nhiên, mãi đến năm 1955, mỏ ngọc bích này mới được con người phát hiện và khai thác.

Các mỏ ngọc bích này đều nằm ở tỉnh British Columbia, sát với biên giới tiểu bang Alaska cũa Hoa Kỳ khoảng 100 dặm về hướng đông.

Những mỏ đá này nằm ở Bắc cực, nơi thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Vì vậy, những người thợ khai thác ngọc bích chỉ có thể tranh thủ khai thác được 3 tháng hè trong một năm, khi băng tuyết đã tan hết.

Điều này là lí do khiến ngọc bích luôn trở thành thứ hàng quý hiếm trong khi nhu cầu của khách hàng ngày một tăng cao.

Như là một cơ duyên khi vùng mỏ ngọc bích này là nơi người ta phát hiện ra hai khối ngọc có giá trị vô cùng lớn, được tạc thành hai bức tượng Phật, một là Phật ngọc Hòa bình Thế giới - được xem là một kỳ quan của Thế giới. Khối ngọc còn lại nặng 32 tấn, được tạc tượng Phật Thích Ca nặng 7 tấn ở Thái Lan.

Tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới được chế tác từ khối ngọc thạch có trọng lượng 18 tấn được gọi tên là “Polar Pride” có nghĩa là “Niềm kiêu hãnh Bắc cực”.

Khối ngọc thạch này được phát hiện tại Bắc Canada vào năm 2000 và được các nghệ nhân Nepal, Ấn Độ và Thái Lan chạm khắc theo nguyên mẫu tượng Phật Thích ca tại thánh địa Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ).

Tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới sẽ được nghinh đón về chùa Hoằng Phúc (Quảng Bình) vào ngày 26/3.


Việc chế tác diễn ra tại Thái Lan, đến cuối năm 2008 pho tượng Phật ngọc hoàn tất, được đặt tên là Phật Ngọc hòa Bình Thế giới.

Khi hoàn thành, Phật ngọc cao 2,7m, nặng trên 4 tấn được đặt ngồi trên một ngai vàng thạch cao khoảng 1,4m, tổng cộng trọng lượng của tượng Phật ngọc sau khi lắp đặt xong nặng gần 8 tấn.

Từ đó đến nay, tượng Phật có một không hai này được nghinh đón và tôn trí ở các nước Úc, Mỹ, châu Âu, châu Á.

Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên có vinh dự được đón tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới vào năm 2009. Tượng đã được tôn trí và chiêm bái tại các chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng), chùa Đại Tòng Lâm (Bà Rịa – Vũng Tàu), chùa Phổ Quang, chùa Hoằng Pháp (Tp.HCM), chùa Vạn An (Đồng Tháp), chùa Phật Tích (Bắc Ninh).

Đầu năm 2016, lần thứ hai Việt Nam vinh dự được đón tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới quay trở lại. Theo lịch trình, bắt đầu từ ngày 26/3, tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới sẽ tới chùa Hoằng Phúc, ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Lễ khai mạc cung nghinh tượng Phật ngọc diễn ra 9h sáng 27/3. Tượng được tôn trí tại chùa Hoàng Phúc tới 5/4, sau đó di chuyển tới một số tỉnh như Thanh Hóa, Thái Nguyên...

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, mục đích của việc đưa Phật ngọc về các chùa Việt Nam để cầu hòa bình cho đất nước, mưa thuận gió hòa.

“Đây được xem là một duyên lành khi Phật Ngọc hòa bình thế giới được tôn trí ở Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng, là một cơ hội để đồng bào và tăng ni, phật tử được chiêm bái, cũng như nhận được nguồn năng lượng dồi dào của Phật Ngọc Hòa bình Thế giới, đem lại sự may mắn, tâm bình an và mọi điều tốt lành nhất”, Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.

Tác giả bài viết: Tâm Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok