Thế giới

Ngoài Việt Nam, những quốc gia nào ăn Tết Nguyên Đán?

Không chỉ riêng tại Việt Nam, Tết Nguyên Đán cũng là ngày lễ truyền thống ở nhiều nước khác tại khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Trung Quốc

Tết Nguyên Đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất tại Trung Quốc. Tại xứ tỷ dân, Tết Âm lịch còn có tên gọi khác là Xuân Tiết (Tết Xuân) kéo dài từ ngày 8/12-15/1 âm lịch.

Trong dịp này, người Trung Quốc thường quây quần bên nhau, dọn dẹp và trang trí nhà cửa thật đẹp, cùng làm những món ăn truyền thống để cúng tổ tiên. Sủi cảo, bánh bao, bánh trôi chính là những món ăn không thể thiếu được trong mâm cơm ngày Tết, bởi theo quan niệm của người Hoa, đây là những món sẽ đem lại nhiều thành công và may mắn.

Vào ngày đầu năm mới, những người lớn tuổi ở Trung Quốc tặng phong bì đỏ (hồng bao) cho trẻ em hoặc những người chưa lập gia đình. Truyền thống này được phát triển từ phong tục tặng tiền xu để xua đuổi tà ma. Múa lân hoặc rồng, bắn pháo hoa hoặc đốt pháo vào ngày đầu năm mới là một số cách phổ biến khác để đón Tết âm lịch ở Trung Quốc.

Giống với Trung Quốc đại lục, người dân tại 2 khu vực Hong Kong và Đài Loan cũng đón Tết Âm lịch với nhiều hoạt động và lễ hội khác nhau.

Hàn Quốc - Triều Tiên


Tết Nguyên Đán tại Hàn Quốc còn được gọi là ngày lễ Seollal, kéo dài 3 ngày đầu năm mới theo lịch Hàn Quốc. Vào ngày lễ này, người dân Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống Hanbok, quây quần bên người thân, bạn bè thưởng thức các món ăn truyền thống hay chơi một số trò chơi dân gian.

Trong khi đó tại Triều Tiên, người dân thường tới đặt hoa tại chân tượng đài Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung). Họ cũng thường quây quần bên gia đình và cùng thưởng thức món bánh gạo Songpyeon truyền thống.

Mông Cổ


Tết Tháng Trắng hay ngày Tsagaan Sar đều là tên gọi của Tết Âm Lịch tại Mông Cổ. Đây cũng là dịp báo hiệu thời điểm kết thúc một mùa đông lạnh lẽo và khởi đầu cho mùa xuân ấm áp, thích hợp cho việc bắt đầu một mùa vụ mới. Dịp Lễ này được kéo dài từ mùng 1 đến mùng 3 âm lịch.

Dịp này, người dân Mông Cổ cũng thường dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa những bộ trang phục truyền thống mới và chuẩn bị các món ăn truyền thống để chào đón năm mới.

Đặc biệt, một nghi lễ quan trọng được diễn ra trước ngày giao thừa là tất cả nam giới Mông Cổ phải lên núi hoặc ngọn đồi cầu nguyện, sau đó họ sẽ chọn một hướng phù hợp với mệnh tuổi của mình để xuất hành xuống núi.

Malaysia


Người Hoa chiếm một phần không nhỏ dân số Malaysia, vì vậy, Tết Nguyên đán cũng là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đất nước này. Malaysia thường tổ chức nhiều hoạt động truyền thống như múa lân, múa sư tử... Đặc biệt nhất là màn bắn pháo hoa hoành tráng tại tháp đôi Petronas.

Singapore

Giống như Malaysia, Singapore cũng có cộng đồng người Hoa đông đúc, do vậy, quốc đảo sư tử cũng là một trong những nước ăn mừng Tết Nguyên đán. Dịp này, Singapore thường tổ chức 3 lễ hội lớn nhất từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch là lễ hội hoa đăng, lễ hội đường phố Chingay và lễ hội Singapore River Hongbao.

Ngoài ra, Tết Nguyên đán còn phổ biến ở nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia, Bhutan, Ấn Độ, Phillipines,... Mặc dù phong tục, tập quán đón Tết mỗi nơi mỗi khác, nhưng nhìn chung đều hướng đến việc đoàn tụ với gia đình và chuẩn bị cho một khởi đầu mới.

Tác giả: Hoa Vũ (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok