Hiện trường một vụ xung đột tại trại tị nạn gần Laayoune. (Nguồn: AFP/ TTXVN) |
Theo Ngoại trưởng Bourita, Maroc sẽ đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Tehran, đồng thời trục xuất Đại sứ Iran tại Rabat.
Ông Bourita nói rằng Iran và đồng minh Hồi giáo dòng Shi'ite của nước này là phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Liban đang hỗ trợ Mặt trận Polisario bằng việc huấn luyện và vũ trang cho các tay súng Hezbollah thông qua Đại sứ quán Iran ở Algeria.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Maroc cũng nói thêm rằng Hezbollah đã cử các quan chức quân sự và cung cấp cho Polisario vũ khí, đồng thời huấn luyện họ tiến hành chiến tranh trong thành phố.
Hiện Iran chưa đưa ra phản ứng nào đối với động thái nói trên của Maroc.
Maroc tuyên bố chủ quyền khu vực Tây Sahara sau khi thực dân Tây Ban Nha rời đi, nhưng Mặt trận Polisario đã phát động một cuộc chiến tranh du kích đòi độc lập cho người Sahrawi cho đến khi ra đời một lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc ủng hộ.
Hôm 27/4 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các bên tham gia cuộc xung đột ở Tây Sahara "đàm phán không có điều kiện tiên quyết" và kéo dài thêm 6 tháng hoạt động của Phái bộ quan sát Liên hợp quốcvề việc ngừng bắn giữa Maroc và Mặt trận Polisario.
Nghị quyết này đã được phê chuẩn với 12 phiếu thuận và 3 phiếu trắng của Trung Quốc, Nga và Ethiopia.
Nhiệm vụ của Phái bộ Liên hợp quốc đối với việc trưng cầu dân ý ở Tây Sahara (MINURSO) hết hạn vào ngày 30/4 vừa qua.
Theo nghị quyết, nhiệm vụ của Phái bộ được gia hạn cho đến ngày 31/10. MINURSO tại Tây Sahara gồm khoảng 400 nhân viên với ngân sách hoạt động hằng năm khoảng 52 triệu USD.
Một nhà ngoại giao giấu tên đánh giá, 6 tháng kéo dài này sẽ "cho phép tạo ra một đòn bẩy" để thúc đẩy các bên đàm phán.
Trong thời gian này, MINURSO sẽ tìm kiếm các giải pháp chính trị với hy vọng sẽ nối lại quá trình đàm phán trước đó. Vòng đàm phán gần nhất giữa Maroc và Mặt trận Polisario bắt đầu từ năm 2008.
Với khu vực sa mạc rộng 266.000km2 và bờ biển dài 1.100km, Tây Sahara là vùng lãnh thổ duy nhất của châu Phi mà tình trạng hậu thuộc địa chưa được giải quyết.
Hiện Maroc đang kiểm soát phần lớn khu vực này (80%), trong khi phần còn lại (20%) thuộc về Mặt trận Polisario.
Hai phần lãnh thổ trên được ngăn cách bởi một bức tường và một vùng đệm do các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc kiểm soát.
Tuy nhiên, phía Maroc đã cáo buộc Mặt trận Polisario xâm phạm khu vực lãnh thổ do nước này quản lý.
Hiện Mặt trận Polisario đang yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc tự quyết định vấn đề độc lập. Tuy nhiên, Maroc đã từ chối mọi giải pháp ngoài việc công nhận chủ quyền khu vực lãnh thổ trên thuộc nước này./.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo TTXVN