Giáo dục

Ngoài đại học còn nhiều con đường khác để vào đời

Thời điểm các trường đại học công bố điểm thi sắp đến gần cũng là lúc thí sinh và các bậc cha mẹ phải bình tâm suy nghĩ, định hướng chọn trường, nơi học cho con em, nhất là trong bối cảnh tình trạng cử nhân thất nghiệp là "nỗi ám ảnh" của xã hội.

Theo thống kê của Bộ LĐ&TBXH đến tháng 12/2015 cho thấy cả nước có hơn 200 ngàn cử nhân tốt nghiệp ĐH, CĐ (trong đó có hàng chục ngàn cử nhân sư phạm) chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn được đào tạo thậm chí là thất nghiệp.

Từ số liệu thống kê trên phản ánh nhiều điều. Trước hết điều mà ai cũng biết đó là tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ở nước ta. Học sinh nào tốt nghiệp THPT những năm trước đây cũng đều muốn vào được đại học, chứ không thích học CĐ nghề, TCCN hay Trung cấp nghề. Trong khi nhu cầu tuyển dụng người có trình độ cử nhân ĐH, CĐ thì luôn trong tình trạng “cầu không đáp ứng đủ cung” dẫn đến người tốt nghiệp ĐH ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn được học.

Thứ hai, quá trình chọn trường, chọn ngành ngay từ đầu không theo đúng với sở thích, khả năng của học sinh. Dẫn đến mất hứng thú trong học tập, không theo kịp chương trình học sau một thời gian bước vào cánh cổng của trường ĐH nên kết quả học tập không cao, bị thi lại nhiều môn, nhiều lần, thậm chí bị buộc thôi học. Hoặc nếu có tiếp tục học thì cũng “lay lắt” rồi ra trường. Chính “thành tích” học tập như vậy nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và bị thất nghiệp.

Thứ ba, một hệ lụy dễ thấy nữa là nếu không tìm được việc làm sau 3 - 5 năm học là một sự lãng phí vô cùng to lớn đối với người học, phụ huynh và cả xã hội. Đó là về tiền bạc, thời gian, công sức học tập. Rồi tâm lí của người học khi ra trường mà không có việc làm dễ chán nản, buông xuôi thậm chí sa ngã và vi phạm pháp luật. Đây là điều không hiếm gặp, đã được các phương tiện truyền thông đưa tin, phản ánh.

Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng không thể không nói đến việc định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu. Thay vì chọn trường, chọn ngành thiếu theo kiểu phong trào, thời thượng. Vì vậy, định hướng lựa chọn ngôi trường ĐH, ngành học khi có kết quả thi THPT Quốc gia 2016 là vô cùng quan trọng, cần thiết đối với thí sinh và cả những phụ huynh. Trước khi chọn, cần tính đến “đầu ra”, tức khả năng xin việc khi ra trường.

Tính đến điều này, chúng ta không nhất thiết phải chọn ĐH này, ĐH nọ. Nhất là những em có kết quả thi vừa bằng điểm sàn hoặc trên một chút thì có thể chọn các trường CĐ nghề, TCCN, TC nghề, hoặc trường nghề. Với các ngành mã xã hội có nhu cầu cao hiện nay như: cơ khí, điện, hàn, du lịch... thời gian học ngắn, đỡ tốn chi phí ăn học, cơ hội có việc sau khi ra trường lại cao. Những lựa chọn trên là phù hợp, “vẹn cả đôi đường”.

Bởi thực tế đi học ĐH mục đích ra trường cũng muốn tìm được việc làm. Nhưng với tình hình “các trường ĐH hiện nay nhiều như lá mùa thu” và yêu cầu đầu vào không cao thì việc đậu được ĐH là rất dễ dàng. Cơ hội học ĐH, CĐ là không hề khó. Nhưng với cách đào tạo theo kiểu “đem con bỏ chợ” cho “đủ hoặc vượt chỉ tiêu tuyển sinh” nhằm đảm bảo nguồn thu cho các trường còn việc có tìm được việc làm sau khi ra trường hay không thì “tự bơi”. Như vậy, những lãng phí chỉ do người học và phụ huynh gánh chịu.

Cho nên, trước khi chọn trường, chọn ngành, chúng ta cần phải cân nhắc thật kĩ. Không nhất thiết phải vào học ĐH, CĐ bằng mọi giá. Mà phải biết lựa chọn theo sở thích, khả năng theo học và đặc biệt là đầu ra khi tìm việc làm.

Muốn không bị lãng phí về tài chính, công sức, thời gian học tập, đôi khi cả những khoản nợ ngân hàng vì đã vay trong quá trình học ở ĐH, CĐ (đối với những gia đình nghèo, khó khăn...), chúng ta phải hết sức suy tính khi chọn trường, chọn ngành học. Đừng để sau khi học xong ĐH, tốt nghiệp ra trường nhưng khi đi xin việc lại bắt đầu bằng tấm bằng THPT mà báo đài đã không ít lần phản ánh.

Tác giả bài viết: Trung Thạnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok