Trong nước

Nghịch tử giết mẹ, bỏ thi thể vào thùng sơn chôn ngoài vườn

Khi bị người mẹ tàn tật la mắng, nghịch tử gây vụ án mạng kinh hoàng, sau đó bỏ thi thể mẹ vào chiếc xô xách ra vườn chôn lấp.

Căn nhà bỏ hoang, phía sau là mộ phần của nạn nhân

Đã nhiều năm nay, những người dân ở miền quê nghèo ấp Ông Cai (xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) vẫn chưa thể quên được tội ác tày đình mà Nguyễn Thế Triều (tên thường gọi là Niển, 30 tuổi) đã nhẫn tâm cướp đi sinh mạng của người mẹ mang nặng đẻ đau ra mình là bà Nguyễn Thị Ngọc Châu (70 tuổi).

Thi thể được phát hiện sau 20 ngày bị chôn lấp

Chị Tâm, người sinh sống cách nhà bà cụ xấu số 1 con kênh nhớ lại, khi còn sống nạn nhân bị tàn tật ở chân, không lao động nặng được nên ở nhà kết bông vải thuê. Còn người con trai của bà Châu đã hơn 30 tuổi, sức vóc trai tráng nhưng lười biếng chẳng làm lụng gì, chỉ ham đi trộm cắp.

“Ban ngày nó (Triều – PV) ru rú trong nhà, chỉ ban đêm mới ra ngoài đi trộm đồ. Bả khuyên răn mãi không được nên đành để mặc. Lúc đó bà cụ già rồi vẫn phải nai lưng làm thuê rồi cơm nước cung phụng cho con trai”.

Chị kể tiếp: “Thường thì ngày nào bà cũng sang nhà tui để cùng kết hoa. Khoảng cuối tháng 8/2012, suốt nhiều ngày tui không thấy bả sang, còn đột nhiên thấy Triều có những hành động lạ. Hồi trước có cho tiền nó cũng không ra khỏi nhà vào ban ngày, nhưng mấy hôm đó đột nhiên nó ra khỏi nhà và chủ động đến nhà những hàng xóm chơi, thái độ rất phấn chấn, vui vẻ.

Tui thấy lạ, hỏi “má đi đâu sao mấy ngày liền không thấy”, thì nó trả lời “bả đi lên TP HCM chơi rồi, ở trên đó sướng chắc không muốn về nữa”. Tui bán tín bán nghi kể cho những người khác nghe thì ai cũng đinh ninh là nó nói dối, chắc chắn đã có chuyện gì đó xảy ra”.

Nhiều ngày sau vẫn không có chút tin tức của bà Châu, ngày 11/9 chị Tâm cùng nhiều người khác tìm đến tận nhà Triều để tìm hiểu. “Tui thấy quần áo của bả vẫn còn nguyên, chiếc điện thoại và ít hoa giấy đang làm dở vẫn còn trên giường. Hỏi thì nó cứ lắc đầu nên mọi người báo lên chính quyền. Khi công an ấp đến hiện trường, người dân cũng tò mò tìm đến rần rần.

Đột nhiên có anh bắn chim nói vài hôm trước có giẫm vào chỗ sình và mùi hôi nồng nặc nhưng nghĩ là con gì chết nên bỏ đi. Công an đào hố sình lên, ai cũng tá hỏa vì thi thể bà Châu bị nhét trong thùng sơn nước đang phân hủy. Từ lúc bả mất tích đến khi phát hiện khoảng 20 ngày”.
Người hàng xóm vẫn còn bàng hoàng khi thuật lại sự việc

Khi hay tin thi thể mẹ được đào lên, Triều men theo con kênh bỏ trốn mất dạng. Ngày 12/9, lực lượng chức năng mới tóm gọn được kẻ thủ ác khi tên này đang lẩn trốn trong một căn nhà hoang ở ấp bên.

Triều khai, vì bị mẹ la mắng không chịu lao động mà chuyên trộm cắp nên sinh hậm hực. Nhân lúc mẹ đang thổi cơm Triều đã gây án, nhét thi thể mẹ vào thùng sơn nước xách ra lùm cây rậm rạp phía sau nhà, sau đó quay trở lại lau dọn hiện trường. Đợi khi chiều xuống, Triều lấy xẻng ra lùm cây đào hố rồi lấp thi thể xuống. Để ngụy trang, Triều đẵn cây xoài nhỏ trồng lên trên nhằm tránh sự nghi ngờ của mọi người.

Nhiều phiên xử đã diễn ra vì hung thủ liên tục kháng cáo xin giảm nhẹ tội, phiên xử cuối cùng Triều bị kết án tử hình. Năm 2015, Triều bị thi hành án, loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội.

Cuộc đời lận đận của nạn nhân

Ông Nguyễn Văn Bảy (55 tuổi, em cùng cha khác mẹ của bà Châu) ngồi thẫn thờ bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ mối mọt kêu ken két, gương mặt đen xạm càng rõ vẻ ủ rũ khi nhắc lại câu chuyện. Ông kể, cha của ông có 2 người vợ.

Bà Châu là con gái thứ 4 của người vợ đầu. Sau khi mẹ của bà qua đời, người cha đi thêm bước nửa và sinh thêm được 3 người con. Nếu tính tất cả anh chị em cùng cha khác mẹ, ông Bảy được tính là người con thứ 6 trong gia đình.

“Hồi trước, gia đình tui rất nghèo. Cha làm thuê không đủ ăn, nên mấy chị em đều nghỉ học từ sớm. Chị Châu từ khi sinh ra đã bị tật ở chân, không có tiền chạy chữa nên chị tui phải chịu tật nguyền suốt đời. Khi chị còn nhỏ, cha gửi chị đi ở cho một gia đình khá giả.

Người ta thương chị tội nghiệp nên cho chị đi học đến khi biết đọc biết viết. Rồi trong nhiều năm cóp nhặt, chị tiết kiệm được một khoản tiền. Năm 16 tuổi, chị tui được người ta cho lên Sài Gòn học may. Sau đó trở thành thợ may cho một hãng thời trang nổi tiếng ở Sài Gòn thời bấy giờ. Tui nghe chị kể hiệu may của chị luôn luôn đông khách và chuyên phục vụ cho những người có tên tuổi giàu có”.

Ông Bảy trầm giọng kể tiếp, bà Châu tuy tàn tật nhưng đẹp nhất vùng hồi đó: “Mỗi lần chị về thăm nhà là nhiều thanh niên trong làng tìm đến tán tỉnh rần rần nhưng chị tui đều từ chối. Rồi duyên số đưa đẩy chị đến với một người đàn ông làm thợ cơ khí. Sau này hiệu may nơi chị tui làm bị giải tỏa, phải trở về quê”.

Theo lời kể, trên đường trở về quê nhà Tiền Giang, bà Châu cùng chồng và 2 người con bị thất lạc nhau. Vì quá đau khổ, bà Châu trở thành ăn xin đi khắp chốn để tìm con và chồng nhưng thời gian trôi qua vẫn không có tin tức. “Chị tui về nhà trở nên “khùng khùng dại dại”, cứ thường rời nhà đi vất vưởng không ai cản được. Rồi chị gặp một người mù ăn xin và nên vợ chồng. Triều ra đời sau đó”.

Người em nạn nhân cho hay chị mình có số phận lận đận

Chẳng bao lâu người chồng sau cũng “mất”, bà Châu ôm con về quê, được địa phương thương tình cấp cho miếng đất và hỗ trợ xây căn nhà tình thương để hai mẹ con bà được an cư lập nghiệp.

“Chị tui có mỗi mình nó, cưng nó như cưng trứng. Hồi nó còn nhỏ cũng ngoan hiền nghe lời mẹ lắm. Nhưng không hiểu sao khi nó lớn lên thì dần đổi tính, trở nên lười biếng chẳng động tay động chân vào việc gì, ngay cả nấu ăn giặt giũ cũng nhờ cậy tay mẹ. Năm nó 20 tuổi, có người họ hàng xin cho nó làm phụ hồ ở Sài Gòn. Tưởng nó sẽ tu chí làm ăn, ai ngờ nó không muốn chịu khổ nên đi trộm cắp xe máy của người ta. Nó bị bắt, phải ngồi tù 2 năm”.

Người cậu của hung thủ kể: “Nó ra tù vẫn chứng nào tật đấy. Thậm chí còn lì lợm hơn. Ban ngày nó tuyệt đối không ló dạng, cứ đêm buông xuống lại ra đường quậy phá. Nhà ai hở cái gì cũng trộm cắp, từ con gà đến quả trứng trong ổ.

Trong làng ai cũng sợ và không ai dám chơi với nó. Cha mẹ nào cũng thương con, chị tui cũng vậy nhưng vì nó hư đốn quá nên nhiều lần chị phải chịu xấu hổ đến đến từng nhà dặn dò có gì phải cất giữ thật kỹ, phòng đứa con tắt mắt, thế nhưng cũng không ăn thua”.

“Nhà chị quá nhỏ, lại quá xa những hộ khác, có lẽ hôm đó chị bị nó đánh đã kêu cứu nhiều lắm nhưng chẳng ai nghe. Nhà cửa cây cối quá um tùm nên cũng nhiều ngày sau mọi người mới phát hiện được. Số của chị tui khổ từ nhỏ, đến khi già mong được nhờ cậy con, ai ngờ…”, người em bỏ dở câu nói...

Tác giả bài viết: Hoài Ân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok