|
Việc cộng dồn hai chất kích thích càng khiến người này không thể kiểm soát được hành vi dẫn đến tai nạn thảm khốc.
Không cần hình dung mình hay thân nhân của mình là những nạn nhân xấu số thì mọi người cũng có ngay sự xót xa, căm phẫn. Điều khiển ô tô, xe tải nặng… có mức nguy hiểm cao độ, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều kém cỏi như hiện nay mà lại “ngáo”, có hơi men và ghê hồn nữa là có cả hai thì khác gì thủ sẵn dao giết người hàng loạt!
Vậy, có nên xử lý các tài xế như thế tội giết người cho đúng mức hơn không? Một câu hỏi từng được đặt ra và đang được nhiều người tiếp tục đặt ra khi số người chết do tai nạn giao thông, do những con nghiện, ma men gây ra đang gia tăng, đang cao gấp nhiều lần so với chết do chiến tranh, thiên tai, khủng bố…
Đáng lưu ý là BLHS 2015 không xem việc có sử dụng rượu bia vượt mức quy định hoặc chất ma túy, các chất kích thích mạnh khác bị pháp luật cấm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Theo Điều 260 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, việc sử dụng các chất trên là một trong những tình tiết định khung quy định tại khoản 2 với khung hình phạt 3-10 năm tù. Trường hợp làm chết trên ba người thì thuộc khoản 3 với khung hình phạt 7-15 năm tù.
Tài xế xe container gây tai nạn ở Long An ngày 2-1 khi đã dương tính với ma túy. Ảnh: CTV |
Như vậy, dù đã sử dụng chất cấm lại còn uống rượu bia khi lái xe làm bốn người chết nhưng tội trạng của tài xế xe container không vì thế mà “tày đình” hơn. Quy định này hợp lý chưa, có công bằng với những trường hợp không dính vô các chất kích thích (để không tự tạo thêm nguy cơ đoạt mạng người) nhưng vì sơ suất hay vì các lý do khác mà gây tai nạn cho người khác hay chưa?
Quan trọng hơn, về mặt thực tiễn, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì rất có thể bị cáo không bị xử phạt đến 15 năm tù. Nếu tạm lấy mức 14 năm cho tròn rồi tính tiếp thì bị cáo có thể chỉ ngồi tù chừng bảy năm từ chính sách giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù khi thỏa được các điều kiện luật định. Dẫu chỉ là ước lượng nhưng hóa ra làm chết bốn người, làm bị thương nhiều người vẫn có thể chỉ ngồi tù ít năm. Vậy có đáng tội hay không, có mong giảm thiểu được những hành vi sát hại đồng loại vô cớ hay không?
Về nguyên tắc, người vi phạm thuộc cấu thành tội nào thì chịu trách nhiệm hình sự về tội đó. Trong tội giết người, người phạm tội đã có hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật. Ngược lại, trong tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người phạm tội được xác định là có lỗi vô ý trong việc gây thiệt hại cho tính mạng người khác. Đây là những lý lẽ của các điều luật hiện tại để các tài xế nghiện ngập chỉ bị xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tức đề nghị của nhiều người về việc đổi sang tội giết người là bất thành.
Tuy nhiên, luật là do con người làm và nếu thấy bất cập thì việc xem xét điều chỉnh cũng là bình thường, cần thiết. Trong suy nghĩ của số đông, những tài xế thiếu nghiêm túc với nghề khi nhận thức được tác hại của rượu bia, heroin nhưng vẫn cố ý đẩy mình vào trạng thái say xỉn, phê ma túy… gây chết người là giết người rồi đó. Nói theo từ ngữ pháp lý là nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra thì không thể coi là vô ý.
Vậy pháp luật sẽ chỉnh sửa theo hướng coi việc sử dụng các chất kích thích khi lái xe là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong tội phạm về giao thông đường bộ? Hoặc quy định nghiêm khắc giống với các nước là nếu có uống rượu bia quá mức hay xài hàng cấm khi lái xe thì có thể đi tù; trường hợp gây tai nạn chết người thì có thể bị trừng trị tựa như phạm tội giết người?
Trước mắt, với ma túy và phổ biến là với rượu bia, chủ xe cùng nhiều người không nên để, nài ép các tài xế rớ tới. Coi như là mọi người cùng tỏ rõ thái độ dứt khoát không chấp thuận để không là đồng phạm của những kẻ gieo nhiều cái chết oan nghiệt sau vô lăng.
Tác giả: THU TÂM
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM