Kinh tế

Nghịch lý đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp

Là trụ đỡ của nền kinh tế, song, hiện chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đa số doanh nghiệp này quy mô từ "nhỏ đến rất nhỏ".

Là quốc gia sở hữu nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu cùng nguồn lao động dồi dào, song có một nghịch lý là vốn đầu tư chảy vào nông nghiệp ở Việt Nam rất khiêm tốn.

Tại cuộc toạ đàm chiều 16/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, dù nông nghiệp là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng hiện chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp tham gia đầu tư - chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Về chất lượng, 90% doanh nghiệp đầu tư vào ngành này có quy mô từ "nhỏ đến rất nhỏ". Số doanh nghiệp lớn mang tính chất đầu tàu còn ít.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: VGP.

Trên thực tế, chỉ có một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp như Tập đoàn Vingroup hay Dabaco. Riêng Vingroup đã thành lập Vinenco với vốn 2.000 tỷ đồng, mục tiêu phát triển 300 nhà kính tập trung sản xuất rau sạch, đảm bảo nhu cầu nhân dân và phát triển chuỗi mặt bằng phân phối nông sản ở các vùng miền.

“Đây là tín hiệu mừng vì doanh nghiệp đã nhìn thấy khu vực nông nghiệp có tiềm năng sinh lời. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn dè dặt đầu tư vào nông nghiệp", Bộ trưởng Cường nói.

Chỉ ra nguyên nhân, Bộ trưởng Cường cho rằng đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao với thiên tai, dịch bệnh, lợi nhuận thấp, bấp bênh, có ngành hàng yêu cầu vốn lớn. Trong đó, nút thắt về đất đai cũng là một trong những rào cản kìm hãm doanh nghiệp đầu tư vào.

Để giải quyết những bất cập, tồn tại này, ông Cường nhấn mạnh các tỉnh thành và doanh nghiệp cần phải có bước sáng tạo tháo gỡ khó khăn về tích tụ đất đai. Việc này được tiến hành trên cơ sở nông dân giao quyền sử dụng đất nông nghiệp ở nơi cảm thấy làm không hiệu quả cho các doanh nghiệp trong một thời gian nhất định.

Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người dân lo lắng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đồng nghĩa tích tụ ruộng đất vào tay họ khiến mất đi đất đai sản xuất.

Về vấn đề này, Bộ trưởng giải thích, khi thực hiện chính sách giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân năm 1993, Chính phủ đã tính đến việc người dân có quyền chuyển nhượng đất, chuyển đổi nhằm tích tụ lại diện tích lớn hơn để sản xuất lớn hơn.

“Chúng ta nên làm sao để đảm bảo sự phân công xã hội, ai làm tốt hơn, sản xuất tốt hơn thì nên tạo điều kiện để họ làm. Ngược lại, họ sẽ sinh ra nhiều việc làm hơn để cho người dân có việc làm, thu nhập cũng cao hơn”, Bộ trưởng nói.

Về vấn đề tiếp cận vốn, Bộ trưởng cho hay, thời gian qua tín dụng của một số ngân hàng thương mại có sự chuyển đổi nhanh. Ví dụ, thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, 6 năm qua đã có tổng số 1 triệu tỷ đồng đầu tư vào khu vực này, trong đó có đến 51% là từ tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thấp.

Tới đây, Bộ này sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng Thương mại tập trung các gói tín dụng, giảm thiểu thủ tục hành chính, đảm bảo quản lý chặt chẽ tín dụng để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất.

“Dư địa ngành nông nghiệp còn lớn, ngân hàng tiếp tục đổi mới, tập trung chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Làm gì để bù đắp tăng trưởng âm nông nghiệp?

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2016 khu vực nông lâm và thuỷ sản tăng trưởng âm khi giảm 0,18%, tương ứng với 397.400 tỷ đồng.

Nguyên nhân được cho là do sản lượng lúa đông xuân giảm, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long…

Để bù đắp tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, trước mắt tập trung vào các mặt hàng có dư địa để bù đắp tăng trưởng âm 0,18% 6 tháng đầu năm như: Chăn nuôi gia cầm và gia súc. Đây là khu vực còn nhiều dư địa và nhiều thuận lợi như giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn năm ngoái, dịch bệnh không có. Tín hiệu thị trường nội địa tốt, giá lợn, bò, gà đều tốt và đặc biệt có thể xuất khẩu sang các nước bạn.

Dự báo tốc độ tăng trưởng chăn nuôi đạt 45%, có thể bù đắp cho tăng trưởng âm những tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, dư địa thuỷ sản tôm và rau quả cũng được kỳ vọng tăng trưởng tốt. Đối với rau quả, xuất khẩu lần đầu tiên lớn hơn gạo, đạt 2,5-2,6 tỷ USD.

Tác giả bài viết: Kiều Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok