Không quá khó hiểu tại sao nhiều người Triều Tiên làm việc như các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) ở Malaysia, việc này giúp họ thu thập thông tin và dữ liệu nội bộ.
"Họ không phải là những người bình thường vì họ được đào tạo đặc biệt trước khi được Bình Nhưỡng lựa chọn cho đi làm việc ở nước ngoài".
"Sự hiện diện của họ tại Malaysia không chỉ là để làm việc mà còn nhằm hoạt động như điệp viên", nguồn tin cho biết.
Những người này nằm trong số khoảng 100.000 người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài trên toàn thế giới. Họ đã trở thành nguồn lực có giá trị cho Bình Nhưỡng vì họ gửi tiền về quê nhà.
Thực tế, mọi thành viên trong một gia đình Triều Tiên sống ở nước ngoài đều phải báo cáo bản thân tại đại sứ quán Triều Tiên hàng tháng. Họ cũng sẽ bị phỏng vấn khi về nước.
Ngoài CNTT, nhiều người lao động Triều Tiên còn khai thác quặng sắt ở Sarawak và làm đối tác với các doanh nhân Malaysia. Nguồn tin cũng cho biết chủ lao động thường gửi tiền lương của nhân công Triều Tiên cho đại sứ quán, người lao động chỉ được hưởng trợ cấp sinh hoạt.
"Đại sứ quán thường gửi tiền mặt về vì họ không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến do những hạn chế của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng", nguồn tin nói. "Họ sẽ mang về những chiếc cặp đựng tiền mặt và sử dụng đặc quyền ngoại giao ở sân bay".
Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người Triều Tiên làm việc trong ngành công nghệ thông tin. Làm sao Bình Nhưỡng đào tạo được nhiều chuyên gia CNTT như thế?
Theo Hackread, một cổng thông tin trực tuyến ở Milan, Triều Tiên có một đơn vị CNTT được gọi là Cục 121, gồm một nhóm tin tặc được đào tạo bài bản để thực hiện các nghiệp vụ gián điệp qua mạng.
Bernama đã kiểm tra và tìm thấy một loạt cuộc phỏng vấn giữa cổng thông tin và giáo sư Kim Heung Kwang, người Triều Tiên đã trốn sang Hàn Quốc năm 2004.
Trong cuộc phỏng vấn, Heung Kwang nói ông đã dạy khoa học máy tính tại Triều Tiên cho nhóm tin tặc hàng đầu trong 20 năm. Heung Kwang cũng cho biết chỉ có những người làm việc cho Cục 121 được phép truy cập Internet hoặc được phép ra nước ngoài.
Tuy nhiên, nguồn tin cho hay các điệp viên tình báo Triều Tiên không thể thoát khỏi con mắt kiểm soát của chính quyền Malaysia.
"Tất cả cơ quan tình báo trong khu vực đều nhận thức được điều này và họ đang tăng cường hoạt động để theo dõi các hành vi của Triều Tiên", ông nói.
Tác giả bài viết: Phương Vũ
Nguồn tin: