Kinh tế

Nghi Long chú trọng phát triển chăn nuôi "sạch"

Giảm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng quy mô đàn và tách chăn nuôi khỏi khu dân cư, đầu tư xây hầm bi ô ga, hầm ủ chất thải chăn nuôi... là những biện pháp hiệu quả hướng đến việc phát triển chăn nuôi hàng hóa mà không gây ô nhễm môi trường tại xã Nghi Long - huyện Nghi Lộc.

Gia đình ông Đặng Văn Năm ở xóm 1 - xã Nghi Long vừa làm nghề bán hàng ăn, uống giải khát lại vừa chăn nuôi lợn đàn. Trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có vài chục con lợn thịt. Trước đây, ông chưa quan tâm nhiều đến khâu vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nên lượng chất thải xả ra hàng ngày của đàn gia súc đã gây nên mùi hôi thối khó chịu. Khi nghe dân làng kêu ca, thấy khách hàng ngày càng thưa giảm, ông nghĩ rằng: xử lý môi trường phải là việc làm cấp bách.

images1325437 DSCN3656
Gia đình anh Lê Văn Anh là một trong những hộ chăn nuôi sớm xây bể khí bi ô ga đảm bảo vệ sinh môi trường.

Năm 2011, ông bỏ ra 15 triệu đồng xây một hầm bi ô ga để thu nạp chất thải chăn nuôi. Từ khi có bể khí sinh học này, mùi hôi thối hầu như không còn, ruồi nhặng giảm hẳn và khách hàng lại tăng lên. Gia đình lại có thêm nguồn chất đốt. Thấy lợi ích từ nhiều đường đem lại, ông Năm đã vận động nhiều hộ dân trong xã làm theo. Riêng xóm 1 nơi gia đình ông cư trú đã có 13 hộ chăn nuôi xây bể bi ô ga như ông.



Tuy nhiên, trong thời gian đầu, số hộ có ý thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi ở Nghi Long chưa phải là nhiều. Phần lớn đang để chất thải lộ thiên mà không có biện pháp xử lý. Thậm chí nhiều hộ gia đình xả bừa bãi chất thải chăn nuôi vào mương thoát nước làm gia tăng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư, như ở xóm 1 - xóm có tỷ lệ hộ chăn nuôi cao thì ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng.

Trước yêu cầu bức bách cần phải bảo vệ môi trường khi chăn nuôi phát triển mạnh, năm 2015, UBND xã Nghi Long xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, UBND xã đã tập trung cao cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong vấn đề bảo vệ môi trường.

2images1325440 DSCN3659
Hầu hết hệ thống mương thoát ở Nghi Long đã được lắp tấm đậy, đảm bảo môi trường

Xã Nghi Long đã từng bước giảm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đồng thời tăng quy mô đàn và tách chăn nuôi khỏi khu dân cư. Trên cơ sở hiệu quả việc xây bể bi ô ga của các hộ dân trên địa bàn trong thời gian qua, UBND xã chỉ đạo nhân rộng các mô hình đã làm để vừa xử lý được chất thải chăn nuôi, vừa tận dụng chất đốt. Hộ nào không xây bể bi ô ga thì xây hầm ủ phân đảm bảo vệ sinh môi trường. Xã hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi một phần kinh phí bằng 1/3 tổng trị giá đầu tư xây dựng các công trình này.

Xóm 1 là khu dân cư được chọn điểm chỉ đạo. Trước đây, vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi chưa được mọi người quan tâm nhiều nên môi trường bị ô nhiễm quanh năm, đặc biệt là về mùa hè nóng nực. Bên cạnh việc tuyên nhắc nhở, nếu hộ nào vẫn xả chất thải chăn nuôi ra hệ thống mương máng, xóm tổ chức đắp chặn mương thoát, đồng thời đề nghị xã có biện pháp xử phạt theo quy định. Nhờ những biện pháp hiệu quả, đến nay, số hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ giảm đến 50%, thay vào đó là chăn nuôi tập trung, quy mô đàn 20 đến 30 con. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều có các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo. Môi trường tuy chưa thật sự trong lành nhưng tình trạng ô nhiễm cũng đã giảm được 70%.

3images1325441 DSCN3667
Các hộ chăn nuôi xây bể khí bi ô ga vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng nguồn chất đốt

Ngoài xóm 1, các xóm 2, 6, 7 và nhiều xóm khác bắt đầu cũng có sự chuyển biến tích cực trong bảo vệ môi trường chăn nuôi. Hiện, toàn xã đã có 100% số hộ chăn nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường; xây được hàng trăm bể khí bi ô ga và hầm ủ chất thải chăn nuôi.

Trong điều kiện đất sản xuất bị thu hồi thì chăn nuôi ở Nghi Long đang là thế mạnh, trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện, toàn xã có 1.500 con lợn, 1.300 con bò, 37.000 con gia cầm. Mỗi năm, thu nhập từ chăn nuôi đạt 25 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35% nội ngành nông nghiệp. Cấp ủy, chính quyền cùng với người dân Nghi Long đang có sự nỗ lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường để chăn nuôi của địa phương được phát triển bền vững.

Tác giả bài viết: Nhật Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok