Dấu hiệu nào cần nghĩ trẻ đang bị say nắng?
Những ngày gần đây, nền nhiệt độ tại miền Bắc liên tục tăng, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời đã lên tới 37-39 độ C. Nắng nóng trùng vào thời gian trẻ nhỏ được nghỉ hè, vì vậy cha mẹ cần phải cảnh giác nguy cơ bị say nắng nhất là lúc bé chơi ngoài trời.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến trẻ có nguy cơ bị say nắng. Say nắng ở trẻ nhỏ xảy ra khi trẻ chơi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời đặc biệt là thời điểm cao điểm (buổi trưa, buổi chiều). Trẻ bị say nắng khi nhiệt độ thân nhiệt tăng đột ngột gây rối loạn thân nhiệt khiến trẻ mất nước dẫn tới tình trạng chóng mặt, hoa mắt, đau đầu chóng mặt, mất nước, nặng có thể tổn thương thần kinh.
Nắng nóng kéo dài khiến trẻ rất dễ bị say nắng, nếu vui chơi ngoài trời, ảnh minh họa. |
Sau khi trẻ chơi ngoài nắng mà xuất hiện các triệu chứng khó chịu, ra mồ hôi nhiều, buồn nôn, cha mẹ cần nghĩ tơi trẻ bị say nắng. Khi đó, cha mẹ cần phải đưa trẻ tới nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo cho trẻ, dùng khăn chườm mát cho trẻ, uống thêm nước để trẻ nhanh chóng phục hồi.
Trẻ bị say nắng nhẹ có thể hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khát nước, bồn chồn, toàn thân mệt mỏi. Bệnh chuyển biến nặng sẽ có thêm vã mồ hôi, chân tay lạnh, hôn mê bất tỉnh…
“Khi chăm trẻ, nếu cha mẹ thấy các dấu hiệu mệt mỏi nhiều hơn, kích thích không đáp ứng, lơ mơ thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được bác sĩ khám và đánh giá tình trạng”, bác sĩ Vinh nói.
Làm gì khi trẻ say nắng?
Lương y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho biết, trong Đông y, say nắng là do chính khí hư suy, thử nhiệt hoặc thử thấp xâm nhập vào cơ thể tạo thành bệnh. Bệnh nặng có thể khiến kinh khí bế tắc gây ra hôn mê.
Trẻ nhỏ chơi ngoài trời với ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu, nhiệt xâm nhập vào cơ thể không thể thoát ra được rất dễ gây ra say nắng.
“Khi trẻ bị say nắng, người lớn cần đưa trẻ vào bóng râm. cởi bỏ quần áo và cho uống nước thêm một chút muối, dùng khăn lạnh lau hõm nách, bẹn. Trẻ bị bất tỉnh thì dùng ngón tay nhấn mạnh vào huyệt trung nhân (rãnh dưới chóp mũi) và thập tuyền (trên đầu 10 ngón tay) sẽ có tác dụng giải nhiệt”, Lương y Bùi Hồng Minh nói.
Trẻ vốn tính hiếu động, cha mẹ cần phải chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ để tránh bị say nắng xảy ra. Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh say nắng, cha mẹ hông để trẻ chơi vào thời điểm nắng nóng cao, tránh cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, luôn nhắc nhở trẻ uống nước. Nếu quan sát thấy nước tiểu đậm màu cần phải bổ sung nước cho trẻ ngay. Khi trẻ đi ra ngoài cần phải đội mũ vành rộng, kính râm, áo chống nắng… tránh cho trẻ ra ngoài vào những thời điểm nắng nóng cao.
Tác giả: Ngọc Minh
Nguồn tin: emdep.vn