Đưa con nhập viện không có nổi 1 triệu đồng
Theo chân ông Nguyễn Ngọc Chí - Khối trưởng khối 3 (thị trấn Bồng Sơn), chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Hoài (mẹ thầy giáo Văn). Ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp là tổ ấm mẹ con thầy Văn, nằm sâu sau những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo. Thầy Nguyễn Như Văn (56 tuổi, ở tổ 3, khối 3, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), đang sống với mẹ già năm nay bước sang tuổi 80.
Rơi nước mắt nhìn cảnh mẹ già chăm người con giáo viên suốt 17 năm sống đời thực vật.
Dù được nghe kể qua về gia cảnh mẹ con bà Hoài, nhưng thật khó cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh 2 phận người bất hạnh. Trong căn phòng chật hẹp tối mù, mùi ẩm mốc lẫn mùi khai bốc lên. Người mẹ già tay cầm chiếc khăn đang nhẹ nhàng lau rửa, vệ sinh cho người con trai nằm liệt giường. Thấy chúng tôi, bà Hoài thả vội chiếc khăn xuống chậu nước, nước mắt chực trào. Trên khuôn mặt người mẹ già, tôi cảm nhận được nỗi khổ tột cùng của bà.
Bà Hoài kể, cuối năm 2002, trên đường đi dạy học từ thị trấn Bồng Sơn về huyện Hoài Ân, do trời tối thầy Văn bị một người đi xe máy ngược chiều tông văng xuống đường. Vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm chạng vạng tối, đoạn đường vắng, mãi hơn 9 giờ tối người đi đường mới phát hiện, báo tin cho vợ thầy Văn.
Hiện nay, 2 mẹ con bà Hoài sống dựa vào số tiền ít ỏi trợ cấp cho người khuyết tật
Sau đó, gia đình đưa thầy đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán, thầy Văn bị chấn thương phần đầu quá nặng, não đã phù nề, gãy xương bả vai, xương sườn… Do không được cấp cứu kịp thời nên sau khi sơ cứu, bệnh viện chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.
“Ngày đó, tôi đang đi hái cà phê thuê trên Gia Lai thì nghe vợ nó gọi điện nói Văn bị tai nạn nguy kịch. Nghe tin tôi ngã quỵ xuống rồi tức tốc đón xe đò về thẳng bệnh viện mà trong người chưa có nổi 1 triệu đồng. Đến viện tôi nghĩ vợ nó đã đóng chi phí nhập viện ban đầu, nhưng nó nói với tôi: má đi đóng tiền viện phí đi, con chỉ có tiền đưa ảnh vào đây thôi. Nghe con dâu nói giọng lạnh nhạt, phũ phàng nhưng chẳng còn cách nào. Tôi tháo đôi bông tai đang đeo để bán nhưng chẳng thấm vào đâu”, bà Hoài ngậm ngùi.
Những lúc bình thường, thầy Văn vẫn khao khát một ngày nào đó được trở lại đứng trên bục giảng.
Cũng theo bà Hoài, "3 tháng đầu tiên ở Chợ Rẫy, vợ nó còn nấn ná ở lại bệnh viện cùng tôi chăm sóc. Nhưng chỉ ban ngày, còn ban đêm là nó về nhà người thân nghỉ mặc cho tôi thức trắng đêm chăm sóc.
Từ tháng thứ tư, vợ nó về quê và từ đó 2 đứa cháu nội cũng biền biệt tới giờ, không hề hỏi thăm gì đến bệnh tình, sức khỏe của chồng và cha nữa. Năm ngoái, đến thằng cháu nội lấy vợ, vợ nó cũng chẳng báo cho tôi biết”, bà Hoài đau xót.
Bà Hoài kể tiếp: “Thật lòng, nếu không nhờ anh em đồng nghiệp, bà con trong xóm quyên góp và vay mượn của người thân thì không đủ tiền để hơn 9 tháng ròng điều trị ở Chợ Rẫy, 3 tháng tại Bệnh viện Điều Dưỡng quận 8, chi phí gần 70 triệu đồng. Hết khả năng vay mượn, nhưng bệnh tình không có biểu hiện phục hồi, tôi đành xin bác sĩ đưa con về nhà cho tiện chăm sóc”.
Khi còn khỏe, bà Hoài bán cháo, bán xôi kiếm thêm tiền lo cho con nhưng giờ già cả bà phải ở nhà có mắm ăn mắm cho qua ngày.
Chị Nguyễn Thị Liêm (em gái của thầy Văn), buồn bã: “Bản thân tôi buôn gánh bán bưng, gia đình nghèo nên không giúp được gì nhiều cho mẹ. Hàng tháng, tôi giúp vài ba ký gạo, chai nước mắm để mẹ nuôi anh. Thời gian trôi qua, nỗi đau giờ cũng dần nguôi ngoai, nhưng tôi buồn vì chị dâu và các cháu của mình khi chồng, cha gặp nạn lại bỏ mặc”.
6.500 ngày… mẹ già tần tảo chăm con
Năm nay, bà Hoài đã 79 tuổi nhưng suốt hơn 17 năm qua bà chưa một phút sống thảnh thơi. Bởi, sau khi thầy Văn bị tai nạn sống thực vật, vợ và 2 con cũng không ngó ngàng đến mà phó mặc cho bà chăm sóc. Từ đó đến nay, đã hơn 6.500 ngày dài đằng đẵng, người mẹ già sớm hôm tần tảo kiếm từng đồng bạc lẻ vừa nuôi bản thân, vừa chăm sóc cho người con trai nằm liệt giường. Giờ đây, ở cái tuổi gần đất xa trời khiến bà đang mường tượng viễn cảnh đứa con khốn khổ không biết nương tựa vào ai khi bà nằm xuống.
Suốt hơn 17 năm qua, bà Hoài chẳng mốt phút thảnh thơi vì phải lo cho người con sống thực vật bị vợ và các con bỏ rơi.
Kể từ khi người con trai bị nạn, ngoài khoản trợ cấp ít ỏi hàng tháng cho người khuyết tật đặc biệt nặng. Mỗi sáng, bà Hoài nấu vài ký xôi đậu đi bán kiếm tiền mua thêm thức ăn bồi bổ cho con. Hình ảnh cụ bà khập khiễng lê bước trên từng con phố, đứng trước các cổng trường học, bệnh viện bán xôi. Bất kể nắng mưa, mùa hè hay đông giá rét để nuôi con bệnh tật đã quá quen thuộc với người dân và các cháu học sinh ở thị trấn Bồng Sơn.
“Ngày trước khi còn sức khỏe tôi nấu cháo bán, khi bán xôi ngày kiếm đôi ba chục mẹ con cơm mắm qua ngày. Bây giờ, tuổi cao sức yếu chẳng thể làm gì được nên mẹ con có gì ăn nấy thôi. Có những lúc quá mệt mỏi tôi đã nghĩ đến cái chết, nhưng rồi lại nghĩ đến con. Thôi đành phó mặc cho số phận cam chịu sống cùng cực để nuôi con”, bà Hoài thở dài.
Suốt hơn 17 năm qua, thầy Văn sống đời thực vật nên mọi sinh hoạt cá nhân đều một tay mẹ già gần 80 tuổi chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Hòa - nguyên hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 3 Bồng Sơn, chia sẻ: “Dù thầy Văn bị nạn đã gần 20 năm, nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp nhà trường luôn nhớ về Văn. Sau tai nạn bất ngờ ấy đến với Văn, ngoài việc ủng hộ giúp đỡ về vật chất cho cụ bà có điều kiện thuốc thang cho Văn, Ban giám hiệu nhà trường còn làm mọi thủ tục cho anh được hưởng các chế độ chính sách trong ngành. Hàng năm, vào dịp 20/11 chúng tôi trực tiếp xuống nhà thăm hỏi động viên gia đình và tặng quà cho gia đình”.
Chia tay bà Hoài, hình ảnh bà cụ già yếu cùng người con trai sống đời thực vật, chúng tôi không biết rồi cuộc sống của mẹ con bà sẽ về đâu?. Ông Nguyễn Ngọc Chí - Khối trưởng khối 3 cũng không giấu được nỗi lo về cuộc sống phía trước của mẹ con bà Hoài, khi bà ngày một già yếu.
“Gia cảnh của bà không những ở khối chúng tôi mà cả người dân trên địa bàn thị trấn Bồng Sơn ai cũng biết nên hết lòng cảm thông chia sẻ đùm bọc trong nhiều năm qua. Có điều sự giúp đỡ này không thể lo hết những khó khăn của mẹ con bà. Rồi đây khi bà Hoài mất đi, mọi thứ chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn hơn khi anh Văn còn nằm đó”, ông Chi lo lắng.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Mã số 3345: Bà Trần Thị Hoài (79 tuổi, ở tổ 3, khối 3, thị trấn Bồng Sơn huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Số ĐT: 034 5622 365. |
Tác giả: Doãn Công
Nguồn tin: Báo Dân trí