Trong nước

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh: ‘Giành thắng từng bước’ tiến tới thắng lợi hoàn toàn

Đàm phán, thương lượng là nghệ thuật đấu tranh ngoại giao trực diện, là quá trình chuyển hóa sức mạnh chính trị, quân sự, thành lợi thế trên bàn đàm phán, nhằm mục tiêu giành thắng lợi cuối cùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ hai tại Trụ sở Bộ Ngoại giao - số 1 Tôn Thất Đàm, năm 1962. (Ảnh tư liệu)

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đấu tranh ngoại giao Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, trên cả phương diện chiến lược và sách lược, vận dụng một cách nhuần nhuyễn kinh nghiệm ngoại giao truyền thống, kết hợp với sử dụng nghệ thuật ngoại giao “giành thắng lợi từng bước” để giành thắng lợi cuối cùng.

Trong cuộc đối đầu giữa dân tộc Việt Nam với các đế quốc đối thủ có sức mạnh vượt trội về mọi mặt, đặc biệt là về vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, bộ máy quân sự, ngoại giao chuyên nghiệp, bài bản, vấn đề phải giải quyết là so sánh lực lượng, thực lực trong đàm phán để đạt được mục tiêu chiến lược.

Do đó, Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm chỉ đạo: “vừa đánh, vừa đàm”, “giành thắng lợi từng bước”, nhằm chuyển hóa lực lượng, tạo thế và lực mới. Trong cuộc đấu tranh này, không được nóng vội chủ quan, xa rời mục tiêu chiến lược.

Người quán triệt: “Ngoại giao chỉ thắng lợi khi cách mạng ta thắng lợi”; “Chúng ta cần nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, chống tư tưởng sợ Mỹ, tư tưởng đàm phán khi chưa có điều kiện có lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài, không tin tưởng vào sức mình”. Người phân tích, ta phải biết thắng từng bước, phải: “Kiên trì phương châm ra sức hạn chế cuộc chiến tranh xâm lược của địch và thắng địch trong cuộc chiến tranh hạn chế đó”.

Trong quá trình đấu tranh trên bàn hội nghị: “miền Bắc cứ đàm, miền Nam cứ đánh”. Theo phương châm chỉ đạo của Người, chính trị, quân sự và ngoại giao được xác định là ba mặt trận, phối hợp tấn công nhịp nhàng. Hồ Chí Minh quán triệt, phải coi trọng mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận quân sự, mặt trận chính trị; kết hợp giữa “đánh và đàm” đưa đến hiệu quả cao nhất.

Người chỉ rõ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện nay, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành trên bàn hội nghị cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường.

Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà phải căn cứ vào tình hình quốc tế và tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động. Nói chuyện với đoàn đại biểu Chính phủ ta sắp lên đường đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris (5/1968), Người căn dặn: “Các chú đi Pháp, ở nhà người ta đánh cho các chú phát huy, nghĩa là phải biết tận dụng thắng lợi trên chiến trường để làm “vốn” đàm phán. Phải phối hợp quân sự với ngoại giao, vừa đánh, vừa đàm mới có hiệu quả cao nhất”.

Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta đã phối hợp đấu tranh hiệu quả cả trên ba mặt trận: quân sự , chính trị và ngoại giao; huy động được sức mạnh của ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân với vận động quốc tế và hoạt động đối ngoại của Đảng; từng bước làm phá sản mưu đồ “quốc tế hóa cuộc chiến tranh Việt Nam” của đế quốc Mỹ; làm thất bại âm mưu giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam giống như cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Kiên quyết đấu tranh cho mục tiêu độc lập và thống nhất Tổ quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, “ngoại giao phải biết thắng từng bước”; “ngoại giao phải dĩ bất biến, ứng vạn biến”; ngoại giao có khi phải “nhân nhượng” (đúng nguyên tắc); trong khi đàm phán, thương lượng, phải có đầu óc thực tế, biết tìm ra mẫu số chung cho mỗi cuộc đối thoại.

Việc dự tính sự cần thiết phải tìm cho Mỹ một lối thoát danh dự, cho thấy tư tưởng hòa bình, thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời chứng tỏ sự phán đoán tài tình của Người về kết cục tất yếu của cuộc chiến mà Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam.

Để tạo thế thuận lợi cho việc triển khai chủ trương “vừa đánh vừa đàm”; “giành thắng lợi từng bước”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện nhiều hình thức đấu tranh, phối hợp hoạt động quân sự trên chiến trường với vận động quốc tế, nêu cao thiện chí hòa bình trước dư luận tiến bộ trên thế giới; kêu gọi các phong trào đấu tranh chính trị ủng hộ Việt Nam.

Do đó, cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam đã được đông đảo nhân dân tiến bộ trên thế giới đồng tình, trong đó có cả các tầng lớp nhân dân, thanh niên, sinh viên Mỹ, tạo nên những làn sóng đấu tranh mạnh mẽ và liên tục, phản đối việc đưa binh lính Mỹ đến chiến trường Việt Nam; đòi nhà cầm quyền Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam...

Đó là điều kiện thuận lợi cho mặt trận ngoại giao chuyển sang giai đoạn tấn công, buộc chính quyền Tổng thống Mỹ L. Johnson phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán.

Tháng 5/1968, Việt Nam và Mỹ tiến hành đàm phán tại Hội nghị Paris, mở đầu cho một thời kỳ đấu tranh ngoại giao sôi động, đạt tới đỉnh cao trong việc sử dụng nghệ thuật “vừa đánh vừa đàm”. Hội nghị Paris kéo dài hơn ba năm, trong các phiên họp chính thức, cũng như trong các cuộc đàm phán “bí mật” và các cuộc đấu trí “hành lang”... các nhà ngoại giao Việt Nam đã khiến cho kẻ địch phải kính nể về tính kiên trì, kiên quyết, khôn khéo, để cuối cùng đạt được mục tiêu chiến lược: Mỹ phải rút hết quân đội về nước, mở ra cục diện mới trên chiến trường miền Nam.

Có thể nói, cùng với sự chỉ đạo trên mặt trận chính trị, quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến to lớn trên mặt trận ngoại giao, góp phần đánh bại mọi thủ đoạn chiến lược chiến tranh của Mỹ. Ngoại giao trở thành một trong ba mặt trận liên hoàn, tấn công trực diện vào kẻ thù.

Nghệ thuật đấu tranh ngoại giao “vừa đánh vừa đàm”; “giành thắng lợi từng bước” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo ra thế và lực mới, tác động trở lại trên chiến trường, góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng. Nghệ thuật ngoại giao “giành thắng lợi từng bước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sự linh hoạt sáng tạo, mềm dẻo nhưng kiên định, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực lực và dư luận; thể hiện khôn khéo về sách lược và chiến lược, góp phần quy tụ được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (1/1973), rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Nắm bắt thời cơ thuận lợi, mùa Xuân 1975, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 47 năm sau, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển tích cực, trở thành đối tác toàn diện và hướng tới những tầm cao mới. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đang tiếp tục được vận dụng nhuần nhuyễn, thích hợp trong hoàn cảnh mới.

Tác giả: PGS.TS.TRẦN MINH TRƯỞNG

Nguồn tin: baoquocte.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok