Giải trí

Nghệ sĩ Việt làm giàu từ YouTube, Facebook

Việc khán giả xem miễn phí video ca nhạc trên mạng không ngăn cản nhiều nghệ sĩ và doanh nghiệp đứng sau kiếm rất nhiều tiền từ YouTube hay Facebook.

Những năm gần đây, mạng chia sẻ video YouTube trở thành kênh phát hành phổ biến nhất cho các MV (video ca nhạc) trên thế giới cũng như Việt Nam. Đến đầu tháng 3/2017, có 3 MV đến từ Việt Nam đạt hơn 100 triệu lượt xem trên kênh này.

Cụ thể, “Bống Bống Bang Bang” do nhóm 365 trình bày đạt gần 132 triệu lượt xem. Tiếp đến là 2 MV “Phía sau một cô gái” của Soobin Hoàng Sơn (hơn 104,7 triệu) và “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP (khoảng 102,3 triệu). MV “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP cũng vừa cán mốc 100 triệu lượt. Với các nghệ sĩ khác, những MV có vài chục triệu lượt xem của nghệ sĩ Việt Nam rất nhiều.

trieu view 1129 1488473002
Top 3 MV của Việt Nam có lượt xem cao nhất, tính đến 1/3/2017.

Bên cạnh độ thu hút của tác phẩm, tên tuổi nghệ sĩ... con số nhiều lượt truy cập nêu trên cũng cho thấy khả năng kiếm tiền từ các MV của họ cũng như các công ty quản lý, đầu tư. Tùy vào lượt xem, YouTube sẽ trả tiền quảng cáo cho chủ nhân của video. Tại Việt Nam, website này trả 0,3 đôla cho mỗi CPM (Cost per 1000 impressions - Giá cho mỗi 1.000 lần hiển thị). Trên thế giới, mức giá cao hơn, dao động trong khoảng 0,7-1 đôla.

Như vậy, nếu MV có toàn bộ lượt xem đều ở Việt Nam, “Bống bống bang bang” có thể nhận được (132.000.000/1.000)*0,3 = 39.240 đôla, tức gần 903 triệu đồng. Tương tự, MV “Phía sau một cô gái” nhận khoảng 31.410 đôla (khoảng 716 triệu đồng); MV “Chúng ta không thuộc về nhau” nhận khoảng 30.690 đôla (khoảng 700 triệu đồng). Con số thực tế có khi sẽ cao hơn vì có một tỷ lệ truy cập từ nước ngoài.

Ngoài YouTube, các nghệ sĩ cũng có thể kiếm tiền từ Facebook. Với góc nhìn của ngành tiếp thị - quảng cáo, nghệ sĩ là những người có nhiều người theo dõi và tương tác trên Facebook chính là một kênh quảng bá không thể bỏ qua. Họ được xem là những KOL (Key opinion leader - Người có sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng).

“Khi Fanpage (trang dành cho người hâm mộ) của mình có lượng người theo dõi lớn thì đó sẽ là mục tiêu của các nhãn hàng quảng cáo. Nhưng không phải quảng cáo nào mình cũng nhận. Mình chỉ chọn lọc những quảng cáo phù hợp với hình ảnh của cá nhân để hợp tác”, nghệ sĩ Nguyễn Thùy Chi - người thường được biết nhiều hơn với nghệ danh Chi Pu chia sẻ. Hiện cô đang có hơn 8 triệu theo dõi Fanpage, gần 1 triệu theo dõi trên Facebook cá nhân, gần 1,8 triệu theo dõi trên Instagram và hơn 100.000 theo dõi trên YouTube.

Dưới sự hỗ trợ của ekip riêng, Chi Pu gần như sử dụng tất cả các kênh giao tiếp mạng mà giới trẻ tham gia để tạo ảnh hưởng, thậm chí thường xuyên dùng chức năng livestream (trò chuyện trực tuyến) của Facebook để kết nối người hâm mộ. Sự chuyên nghiệp này được trả với cái giá xứng đáng khi các nhãn hàng muốn đặt quảng cáo thông qua các dòng trạng thái (status) của cô. Trong khi đó, Sơn Tùng M-TP lại có lợi thế là lượng người hâm mộ đông và nhiệt tình, sẵn sàng ngày đêm “cày view” cho thần tượng trên YouTube mỗi khi ra mắt một MV mới.

Nu die n vie n Chi Pu 6620 1488473002
Nghệ sĩ Nguyễn Thùy Chi (Chi Pu) là một trong số KOL được nhiều nhãn hàng săn đón.

Với các đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp thị quảng cáo thì bảng giá để các KOL tại Việt Nam nhắc trên thương hiệu trên trạng thái (status) của họ hay dẫn link quảng bá không mấy xa lạ. Theo chia sẻ của người trong ngành, một hoa hậu nổi tiếng hàng đầu hiện nay có giá cho mỗi status ít nhất là 5.000 đôla. Status của một số nữ nghệ sĩ có nhiều người hâm mộ hiện dao động từ 2.000 đôla đến 3.000 đôla. Hay chỉ cần dẫn link, một cựu siêu mẫu có thể kiếm được 10-15 triệu đồng.

Tất nhiên, việc kiểm soát từ những nguồn thu nhập từ YouTube hay Facebook rất “mông lung” và phụ thuộc vào tính tự giác của các KOL lẫn bên đặt hàng quảng cáo mà không ai có thể kiểm soát. “Đặt nghệ sĩ quảng cáo thương hiệu qua Facebook của họ nếu làm hợp đồng thì cứ lấy báo giá cộng thêm 10% thuế thu nhập cá nhân, không hợp đồng thì thôi. Nếu không hợp đồng thì phải chuyển tiền trước 100% trước khi họ chạy quảng cáo. Trường hợp có hợp đồng thì mình có thể thỏa thuận trả thành 2 đợt, trước và sau chạy quảng cáo. Nói chung không có bắt buộc chuyện hợp đồng và đóng thuế. Không bên nào kiểm soát vấn đề này”, một chuyên viên làm trong ngành quảng cáo chia sẻ.

Với nhiều nguồn thu nhập khác nhau, trong đó có các mạng xã hội như YouTube, Facebook, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã có khả năng làm giàu trong ngành công nghiệp giải trí. “Trước đây, tôi học Ngoại thương, không nghĩ mình làm giải trí vì tôi nghĩ làm giải trí sẽ rất nghèo. Bây giờ, thị trường giải trí tiềm năng hơn rồi. Các bạn trẻ có thể học làm giải trí và kiếm được nhiều tiền từ đây”, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó chủ tịch BHD Star Cineplex nhận định tại sự kiện Forbes Talks 2017 với chủ đề “Thành công trong thời đại truyền thông và giải trí mới” vừa diễn ra gần đây.

Tác giả bài viết: Viễn Thông

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok