Giải trí

Nghệ sĩ Việt hồi tưởng thời thù lao chỉ bằng bát phở

NSND Thanh Hoa, nhạc sĩ Đoàn Bổng nhớ trong thời bao cấp khó khổ, thứ mà nghệ sĩ nhận được sau đêm diễn nhiều khi chỉ là khoanh giò, cân thịt lợn...

Trước khi công cuộc Đổi mới bắt đầu với Đại hội 6 tháng 12/1986, cả nước sống trong thời kỳ bao cấp. Giới nghệ sĩ không ngoại lệ. Nhạc sĩ Văn Dung - nguyên Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội - cho rằng cái khổ của nghệ sĩ thời đó kể cả ngày không hết, nhưng nó nằm trong nỗi khổ chung của cả nước. Theo ông, ca sĩ lúc ấy không có kiểu cách "ngôi sao". Hàng ngày, họ ăn vận bình thường, giản dị và vẫn phải đối mặt với cái đói, cái nghèo như bao người.

Bạn yêu nhạc nghe hát chủ yếu qua Đài Tiếng nói Việt Nam hay Đài truyền thanh Hà Nội. Truyền hình chưa phát triển và cũng hiếm nhà có tivi, vậy nên hầu hết khán giả không biết mặt ca sĩ. Vì chẳng mấy ai có tiền mua vé vào rạp, các buổi biểu diễn miễn phí ngoài trời thu hút rất đông khán giả.

NSND Thanh Hoa từng là giọng ca quen thuộc trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ở Hà Nội, mỗi tối thứ bảy, chủ nhật, từ trẻ con đến người lớn nô nức ra công viên Thống Nhất, vườn Bách Thảo, hồ Thiền Quang… Những chương trình này được tổ chức bởi các cơ quan đoàn thể nhà nước. Vì là nhiệm vụ chung nên khi biểu diễn xong ca sĩ thường chỉ được bồi dưỡng bữa cơm, bát phở. Thế nhưng, NSND Thanh Hoa cho rằng đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 50 năm làm nghề của bà. Có những đêm giao thừa, dù pháo đã nổ báo hiệu thời khắc năm mới, Thanh Hoa vẫn mải mê hát Làng lúa làng hoa đến nỗi ông bầu phải giục bà đi xuống.

Ngoài phần lương cố định, các nghệ sĩ biểu diễn có thêm vài đồng tiền "phụ cấp thanh sắc" (khoản khấu hao giọng hát và nhan sắc). Ngoài ra, khẩu phần ăn của họ được ưu tiên hơn chút đỉnh. Trong khi người bình thường được 13,5 kg gạo một tháng thì văn công có thể được đến 15 hoặc 18 kg. Mọi người nhìn vào như vậy là thấy "sướng lắm rồi", nhạc sĩ Văn Dung kể.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng, tác giả ca khúc Dòng sông quê anh, dòng sông quê em kể ca sĩ thời bao cấp không biết mặc cả. Sau khi chương trình kết thúc, ban tổ chức sẽ gửi lại họ một phong bì, chỉ khi về nhà, nghệ sĩ mới biết phong bì chứa bao nhiêu tiền.

Nhạc sĩ Lân Cường - nguyên chủ tịch Công đoàn, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - hồi tưởng khi còn đương nhiệm, ông thường mời các ca sĩ nổi tiếng bấy giờ như Thu Hiền, Quốc Hương, Quang Thọ, Quang Hưng, Mạnh Hà, Ái Vân, Vũ Dậu, Tô Lan Phương… đến cơ quan biểu diễn. Tiền thù lao của cả đoàn chia ra chỉ đủ mỗi người mua một, hai bát phở.

Nếu biểu diễn ở địa phương, ca sĩ thường được người dân mời dùng cơm và biếu nhiều thức quà quê như giò, gà, chả lụa… NSND Thanh Hoa kể có lần thù lao của cả đoàn là một con lợn. Vì không ai biết mổ nên họ nhờ người dân làm thịt và chia hộ. Hoặc khi bà đi diễn ở nhà máy đường Vạn Điểm, ai cũng cầm về mấy ôm bã mía để đun nấu.
Ca sĩ Ái Vân được ái mộ bởi giọng hát và nhan sắc xinh đẹp.
Quần áo biểu diễn thời bấy giờ vẫn còn sơ sài. Nam ca sĩ mặc sơ mi vào mùa hè, comple vào mùa đông. Nữ ca sĩ mặc áo dài, áo tứ thân. Những lúc ra công trường hoặc xuống địa phương, có khi họ phải mang nguyên ủng hoặc quần áo bảo hộ lên sân khấu vì khói bụi dày đặc. Dàn nhạc nhiều khi chỉ độc một chiếc guitar hoặc organ nhưng ca sĩ và khán giả đều rất nhiệt tình.

Sự ái mộ thời ấy cũng khá ý nhị. Nhiều viên chức nhà nước thường nhường chỗ cho ca sĩ trong lúc họ xếp hàng mua thực phẩm... Một số nam thanh niên để ảnh Ái Vân, Thu Hiền… trong ví. Hiếm người xin chữ ký hay chụp ảnh cùng thần tượng như bây giờ. Nhìn chung, ca sĩ không giữ khoảng cách với khán giả.

Ngoài nhiệm vụ biểu diễn cho người dân, nhiều nghệ sĩ cũng ra chiến trường phục vụ bộ đội. NSND Thanh Hoa kể lại trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, đoàn văn công cũng phải đeo ba lô con cóc nặng đến vài chục cân, trèo đèo lội suối để đến được doanh trại. Sân khấu ngoài chiến trường có khi là hai cái thùng xe tải cũ kê sát vào nhau. Không ai dám bật đèn sáng vì sợ địch phát hiện. Các chiến sĩ ngồi dưới vừa nghe hát vừa dấm dúi soi đèn pin để được nhìn thấy mặt ca sĩ. "Lúc đó, mọi người mặc định đây là vinh dự do Đảng và Nhà nước giao phó, chẳng ai màng đến quyền lợi gì khác", giọng ca Tàu em qua núi chia sẻ.

"Bài hát của mình vang lên là vui rồi"

Ca sĩ là vậy, đời sống nhạc sĩ cũng không khá hơn là bao. Tầng lớp sáng tác thời kỳ ấy đều phải sống dựa vào các cơ quan Nhà nước như nhà xuất bản, đài phát thanh, trường học, đoàn văn công… để lấy chế độ. Việc sáng tác được coi như nhiệm vụ nối dài từ sau Cách mạng. Người nhạc sĩ cũng là "chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng".

Nhạc sĩ Đoàn Bổng tâm sự khi lương công nhân được 10 đồng thì nhuận bút một bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam được khoảng vài đồng. Tuy nhiên, các nhạc sĩ đều hăng hái sáng tác vì đam mê bởi "bài hát của mình được vang lên là vui rồi". Ông trầm ngâm: "Đây là thời kỳ giới nhạc sĩ ăn không đủ no nhưng vẫn để lại những tuyệt phẩm âm nhạc".

Kênh duy nhất để họ phổ biến tác phẩm của mình là sóng phát thanh và các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng. "Mặc dù lúc đó, vẫn đề tác quyền âm nhạc chưa được chú trọng nhưng cũng không bao giờ xảy ra chuyện vi phạm bản quyền hay đạo nhạc", nhạc sĩ Phó Đức Phương hồi tưởng.

Một số gương mặt nghệ sĩ quen thuộc trong thời bao cấp. Từ trái qua: Như Quỳnh, Phạm Ngọc Khôi, Thúy Hà, Lệ Quyên, Ái Vân, phía trước là Mạnh Hà - Tuệ Quân.
Nhạc sĩ Lân Cường kể năm 1975, ông sáng tác ca khúc Viva Cuba – Viva Việt Nam. Tác phẩm được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm để phát. Tuy nhiên, dàn nhạc và ca sĩ mãi không khớp được một nốt. Khi nhạc sĩ Lân Cường phàn nàn, nhạc trưởng Cao Việt Bách nửa đùa nửa thật nói rằng, mười mấy con người của dàn nhạc chỉ được thù lao 7 đồng nên chơi được thế thôi. Sau đó, tác phẩm này được hát ở Liên hoan sinh viên thế giới. Nhạc sĩ Lân Cường được Trung ương Đoàn bồi dưỡng thêm khoản phụ cấp. "Số tiền ấy vừa đủ để tôi chiêu đãi năm, sáu anh em tham gia biểu diễn", tác giả ca khúc Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai kể.

Nhạc sĩ Lân Cường tâm sự thế hệ nghệ sĩ thời đó đến nay "người còn, kẻ mất". Ông và những người bạn của mình vẫn thường hàn huyên, ôn nghèo kể khổ. Ông muốn chia sẻ những câu chuyện xưa để nhắc nhở giới trẻ: "Giá trị của nghệ thuật lớn hơn giá trị của đồng tiền, việc tác phẩm và tiếng hát của bạn được ghi nhớ là điều mà mọi nghệ sĩ nên hướng đến".

Tác giả bài viết: Vĩ Thanh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok