Giáo dục

Nghề nào cũng phải chấp nhận quy luật đào thải, nghề giáo cũng như vậy!

“Nghề giáo là một nghề nghiệp như mọi nghề nghiệp khác, không nên buộc cho nó những ảo ảnh và kỳ vọng phi thực tế”.

LTS: Sau loạt bài về câu chuyện "giáo viên hợp đồng" đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả đặc biệt là đội ngũ thầy, cô giáo trên cả nước.

Tuy nhiên, để có cái nhìn tổng quan hơn về điều này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Ly - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và Trung tâm Nghiên cứu & Đánh giá Giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành).

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.


PV: Theo thống kê mỗi năm nước ta có thêm khoảng 4.000 sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm, cộng thêm giáo viên hợp đồng có thể bị đẩy ra đường bất cứ lúc nào như nhiều trường hợp ở 2 huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Trước tình hình này, bà đánh giá như thế nào về nền giáo dục Việt Nam hiện nay nói chung, ngành sư phạm nói riêng?

Bà Phạm Thị Ly: Trước đây, sinh viên sư phạm được miễn học phí, vì vậy các trường sư phạm đã thu hút một lượng lớn người học. Do công tác quy hoạch của chúng ta chưa tốt, hiện đã tiến tới chỗ khủng hoảng thừa giáo viên.

Vì thế, cử nhân sư phạm thất nghiệp và nhiều giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc là điều khó tránh. Hiện tượng chúng ta thấy hôm nay là hệ quả những gì chúng ta làm trong thập niên trước.

Mức thu nhập chính thức của giáo viên quá thấp khiến chúng ta không thu hút được nhiều người giỏi vào nghề sư phạm.

gvhd
Nghề nào cũng phải chấp nhận quá trình đào thải, nghề giáo cũng như vậy! (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Số còn bám trụ với nghề giáo, hoặc là họ rất can đảm và yêu nghề, hoặc họ được sự hỗ trợ của người thân, hoặc họ phải làm những việc không mong muốn để kiếm sống, trong đó có cả những việc trái với phẩm chất và cương vị nhà giáo. Không có bất cứ nghiên cứu nào cho chúng ta biết liệu có bao nhiêu nhà giáo đang thuộc mỗi trường hợp trên đây.

Trường hợp thứ ba hủy hoại môi trường giáo dục một cách sâu sắc. Kể cả khi nhà giáo kiếm sống một cách tử tế, điều đó cũng khiến họ không còn thời gian để học hỏi mở rộng thêm hiểu biết, vốn là điều rất cần với mọi nghề nghiệp, nhất là nghề giáo, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả giáo dục.

Cử nhân sư phạm thất nghiệp, ngoài lý do cung vượt cầu nói trên, còn một lý do khác, là chương trình đào tạo trong các trường sư phạm đã không kịp thời thay đổi.

Lẽ ra trường sư phạm phải chuẩn bị cho sinh viên nhiều thứ có ý nghĩa quan trọng và cơ bản hơn chứ không chỉ là tri thức bộ môn và kỹ năng đứng lớp hay soạn giáo án.

Những thứ cơ bản đó là tầm nhìn rộng, kỹ năng tự học và năng lực thích ứng trong một xã hội đang thay đổi.

Có được năng lực đó, sinh viên ra trường, nếu không đi dạy, thì cũng có thể tìm được việc làm, hoặc tạo ra việc làm, trong nhiều lĩnh vực khác.

Chưa nói tới việc, ngay cả kỹ năng sư phạm, các trường cũng vẫn đang đào tạo theo những nguyên tắc truyền thống và không đáp ứng nổi đòi hỏi của thực tế.

Nhiều giáo viên tâm sự rằng, họ phải “chạy chọt”, “đút lót” mới xin được vào làm hợp đồng. Mất tiền mới vào được, nhưng chỉ hợp đồng từng năm một, hết năm nay lại quay lại giống như năm đầu.

Theo bà, có nên tiến tới xóa bỏ cơ chế giáo viên hợp đồng hay không? Bởi lẽ từ giáo viên hợp đồng mà nảy sinh nhiều tiêu cực, bức xúc trong ngành.


Bà Phạm Thị Ly: Tôi cho rằng, chúng ta nên xóa bỏ cơ chế biên chế và duy trì cơ chế hợp đồng, không phải chỉ trong các trường học, mà trong tất cả mọi cơ quan, đơn vị.

Tư duy biên chế là tư duy thời bao cấp. Nhà nước, vốn rất chậm thay đổi mà nay cũng không còn dùng khái niệm biên chế nữa. Chúng ta giờ đây chỉ có hợp đồng có thời hạn và không xác định thời hạn.

Tôi biết là biên chế bảo vệ người lao động không bị sa thải vô cớ và bảo đảm an toàn chỗ làm cho họ, là điều bất cứ người lao động nào cũng mong muốn.

Tuy nhiên, mặt trái của nó là người ta có thể dựa vào đó để không tiếp tục học hỏi và cải thiện.

Thế giới đang thay đổi từng giờ, từng phút, từng giây nên nếu người thầy không học hỏi, thì không thể dạy tốt được. Người thiệt thòi sẽ là học sinh, là con em của chúng ta, là thế hệ tương lai. Không thể hy sinh lợi ích của người học để bảo vệ lợi ích của những giáo viên không chịu học hỏi để tiến bộ.

Còn việc mỗi lần gia hạn hợp đồng là một lần phải tốn thêm tiền đút lót, là một vấn đề khác hẳn. Nói cho cùng, mỗi chúng ta luôn luôn có khả năng lựa chọn: đút lót hoặc không đút lót. Dĩ nhiên mỗi lựa chọn đều kèm theo cái giá phải trả.

Nhưng rất may là hiện nay, hệ thống giáo dục ngoài công lập đã được chấp nhận, tuy nó có vấn đề của nó, nhưng về lâu dài, hệ thống ngoài công lập phải lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu của thị trường, và sẽ phải thay đổi.

Trường tư phải có giáo viên giỏi để tồn tại. Nếu họ nhận hối lộ để tuyển dụng những giáo viên không giỏi, là họ tự khai tử mình. Người giỏi sẽ luôn có chỗ cần đến họ.

Khi đột nhiên bị cắt hợp đồng nhiều giáo viên kêu than, điêu đứng vì mất đi cơ hội được làm nghề mình yêu thích, mất đi miếng cơm manh áo. Nếu còn tồn tại giáo viên hợp đồng thì theo bà cần có cơ chế gì để bảo vệ quyền lợi cho họ?

Bà Phạm Thị Ly: Có nhiều cách khác để bảo vệ người lao động không bị sa thải mà không có lý do chính đáng, thay cho biên chế.

Hợp đồng lao động cần ghi rõ những thước đo nào được sử dụng để đánh giá kết quả công việc của giáo viên.

Trong một xã hội phát triển, các hiệp hội nghề nghiệp, công đoàn độc lập, thậm chí tòa lao động sẽ đóng vai trò hỗ trợ để bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các bên.

Xét về mặt xã hội, quyền lợi của giáo viên phải được nhìn nhận trong tương quan với quyền lợi của học sinh và của hệ thống giáo dục nói chung.

Giáo viên cần được trả lương xứng đáng và cần được bảo vệ trong chừng mực điều đó bảo đảm cho việc thực hiện những mục tiêu cốt lõi của giáo dục.

Chúng ta cần một cơ chế năng động để các trường có thể thay đổi và cải thiện kết quả hoạt động của mình. Nếu có trường nào lợi dụng sự “năng động” để hành xử “tùy tiện” thì đó lại là vấn đề khác.

Để giải quyết những vấn nạn nêu trên, chúng ta cần làm gì từ khâu hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng ngành sư phạm, thưa bà?

Bà Phạm Thị Ly: Như đã nói trên, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng ngành sư phạm đều có vấn đề. Trường sư phạm cần thay đổi chương trình đào tạo theo hướng giáo dục tổng quát (liberal arts education) bên cạnh những tri thức chuyên ngành và kỹ năng nghề nghiệp.

Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là người học và bản thân giáo viên khi họ đã vào nghề.

Nghề giáo là một nghề nghiệp như mọi nghề nghiệp khác, không nên buộc cho nó những ảo ảnh và kỳ vọng phi thực tế.

Vì là một nghề nghiệp, nó đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp, nó đòi hỏi sự cải thiện liên tục, và nó phải chấp nhận quá trình đào thải.

Đối với từng cá nhân, sự thực là năng lực của chúng ta càng mạnh, thì khả năng lựa chọn của chúng ta càng rộng lớn. Cách duy nhất để không bị đào thải, là học hỏi không ngừng để thích ứng với một thị trường lao động đang đòi hỏi ngày càng cao.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tác giả bài viết: Thùy Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok