Trong nước

Nghệ An xây mỗi chuồng bò cho người dân tộc Ơ Đu giá 236 triệu đồng

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chi hơn 5 tỷ đồng để mua bò giống cho đồng bào người Ơ Đu nhưng chi tới 12 tỷ đồng để xây chuồng.

Trước đó, tháng 8/2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định 3829/QĐ-UBND, phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025 tại bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh (huyện Tương Dương).

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An được giao làm chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án với nguồn kinh phí 120 tỷ đồng (ngân sách Trung ương chiếm 90%).

Mục tiêu của đề án nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện giống nòi cho người Ơ Đu. Bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống như phong tục, tiếng nói, nhà ở của đồng bào dân tộc này.

Có lãng phí xây 67 "biệt thự" cho bò?

Ngày 11/7/2019, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định số 2618/QĐ-UBND về việc phân khai kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019.

Theo đó, có 6 nội dung, bao gồm hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao (cả kinh phí vắc xin tiêm phòng) với số tiền dự kiến là hơn 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất với kinh phí là hơn 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm là hơn 1,5 tỷ đồng.

Có 10 chuồng bò giá trị 2,36 tỷ đồng đồng phục vụ nuôi nhốt bò cho người Ơ Đu ở Nghệ An

Đáng chú ý, trong mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền gần 13 tỷ đồng tại bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương), chủ đầu tư đã cho xây dựng 67 chuồng trại.

Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng.

Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc một chuồng bò tương ứng gần 236 triệu đồng. Kích thước mỗi chuồng là 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m; Trước và sau đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông. Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn...

Được biết, hạng mục xây dựng nhà ở cho bò đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Hiện tại, tổng vốn được ngân sách Trung ương cấp về cho dự án là 28,181 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp cấp năm 2018 là 18,182 tỷ đồng và vốn sự nghiệp cấp năm 2019 là 9,369 tỷ đồng.

Tổng kinh phí đã thực hiện đối với đề án trên là 27,709,237 tỷ đồng.

Có 10 chuồng bò được xây dựng 2,36 tỷ đồng cho người Ơ Đu

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đơn vị chủ đầu tư được xây dựng 67 chuồng trại với tổng số tiền hơn 12,6 tỷ đồng kể trên.

Dư luận cho rằng, việc xây dựng chuồng bò như trên đối với đồng bào người Ở Đu là chưa thật sự cần thiết.

Chủ tịch UBND xã Nga My (huyện Tương Dương) Vi Văn Đậu cho biết, các hạng mục đã thực hiện như xây dựng chuồng và cấp giống bò, làm giếng khoan, bồn nước. Bên xã chỉ được thông qua, hôm nào cấp bò thì xã đi nhận.

Loại 231 người Ơ Đu không có ra khỏi đề án

Trong quá trình triển khai đề án này, kế thừa số liệu khảo sát thực tế và niên giám thống kê huyện Tương Dương, đến 31/12/2015, ở bản Đửa xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) có 45 hộ với 231 nhân khẩu người Ơ Đu.

Tuy nhiên, thực tế ở bản Đửa không có người Ơ Đu nào nên bị loại khỏi đề án kể trên vào tháng 2/2019.

Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, nguồn gốc người Ơ Đu rất khó xác định. Việc đưa người Ơ Đu ở bản Đửa vào đề án là sự nhầm lẫn đáng tiếc.

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, chúng tôi thừa nhận có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình phê duyệt do kế thừa các số liệu đề án đã cung cấp trước đó.

Chủ tịch UBND xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) Vi Đình Phúc cho biết: “Trên địa bàn xã Lượng Minh và bản Đửa tuyệt đối không có người dân tộc Ơ Đu. Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu cũng chưa triển khai hạng mục nào”.

Tác giả: Quốc Huy - Phạm Tâm

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok