Kinh tế

Nghệ An: Quyết liệt với doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH

Nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động, cũng như thực hiện các quy định của pháp luật, thời gian qua, BHXH - LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành triển khai các giải pháp thu hồi nợ đọng, và xử lý các doanh nghiệp (DN) trốn đóng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.

trang4 65a DXEH
Khởi kiện các đơn vị nợ BHXH kéo dài

Cuối tháng 2.2017, đoàn khảo sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc, khảo sát tình hình thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2016. Theo báo cáo của địa phương, tính đến 31.12.2016, toàn tỉnh còn 937 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền trên 89 tỉ đồng. Việc doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Vì vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An mà chủ trì là hai cơ quan BHXH và LĐLĐ tỉnh đã tích cực vào cuộc.

Thực hiện Luật BHXH 2014, vào tháng 11.2016, LĐLĐ tỉnh Nghệ An và BHXH tỉnh tổ chức hội nghị ký quy chế phối hợp và trao đổi, cung cấp tài liệu trong việc khởi kiện ra toà án với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Hai bên cam kết phối hợp tích cực, có trách nhiệm, với các giải pháp, lộ trình, phân công trách nhiệm cụ thể.

Đến tháng 12.2016, bà Hoàng Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh cho biết: “LĐLĐ tỉnh vừa nộp đơn khởi kiện Công ty CP may xuất khẩu Venture Nghệ An (trụ sở tại xã Thanh Tiên, Thanh Chương), yêu cầu trả 2,3 tỉ đồng tiền bảo hiểm. Công ty này hoạt động từ tháng 9.2015, hiện có 239 công nhân. Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Nghệ An bị LĐLĐ tỉnh khởi kiện”. LĐLĐ tỉnh cũng chuẩn bị khởi kiện Bệnh viện Thành An Sài Gòn (nợ gần 2 tỉ đồng), doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hảo (nợ hơn 200 triệu đồng) và Công ty CP Nguyễn Trung. Sau khi có thông báo về việc khởi kiện, Bệnh viện Thành An Sài Gòn cam kết mỗi tháng sẽ thanh toán 200 triệu đồng và trả trong vòng 1 năm. Công ty Mỹ Hảo cũng đã thanh toán 55 triệu đồng tiền nợ bảo hiểm. Do đó, LĐLĐ tỉnh Nghệ An ngừng khởi kiện hai doanh nghiệp này.

Thực tiễn nói trên cho thấy, chỉ có khi bị khởi kiện, doanh nghiệp mới chịu thực hiện trả nợ BHXH. Đến tháng 3.2017, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để khởi kiện 8 doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài, đã đốc thúc nhiều lần không có kết quả. Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho biết: “Để khởi kiện, cần một số thủ tục, hồ sơ, và quá trình chuẩn bị không đơn giản, do đó, việc mở phiên toà thường chậm hơn so với mong muốn. Tuy nhiên, dù khó khăn chúng tôi cũng quyết tâm làm”.

Quyết liệt xử lý các đơn vị “trốn” đóng BHXH

Tại Nghệ An, tỉ lệ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cao hơn bình quân chung cả nước, đạt 71,9%; 24.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp cố tình không đóng BHXH bắt buộc cho người lao động vẫn nhức nhối. Tính đến 31.12.2016, toàn tỉnh vẫn còn 26,7% đơn vị, doanh nghiệp (tương đương 2.436 đơn vị, doanh nghiệp) đang hoạt động và 28,1% lao động (tương đương 80.970 lao động) đang làm việc chưa tham gia BHXH bắt buộc theo quy định.

Nguyên nhân của tình trạng này là do số lượng doanh nghiệp lớn, hoạt động kém hiệu quả; chưa có ý thức tuân thủ pháp luật lao động, Luật BHXH. Một số doanh nghiệp chưa có trụ sở ổn định, lao động thay đổi thường xuyên...Việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, hằng năm tỉnh có hơn 13.000 người tham gia xuất khẩu lao động, thuộc diện đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, do trụ sở chính của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đều nằm ở ngoài tỉnh, nên chưa có chế tài xử lý. Vẫn có tình trạng người lao động đề nghị với chủ sử dụng lao động không tham gia BHXH hoặc biến tướng thực hiện các dạng hợp đồng lao động khác để trốn đóng BHXH. Báo Lao Động đã có một số bài phản ánh về vấn đề này, sau đó các doanh nghiệp bị phản ánh đều đã đóng BHXH bắt buộc.

Trước thực trạng đó, BHXH - LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Cán bộ trực tiếp đến với công nhân, chủ doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, giải thích; công tác tuyên truyền được đa dạng hoá thông qua các hình thức hội thi, hội diễn, tiểu phẩm, sân khấu hoá… hấp dẫn, nhẹ nhàng và được đón nhận nhiệt liệt, từ đó góp phần nâng cao nhận thức cho người tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã tích cực vào cuộc, xử lý các đơn vị, doanh nghiệp cố tình không thực hiện đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Năm 2016, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý 1.800 đơn vị, doanh nghiệp vi phạm không đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Qua đó, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, hành vi, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. “BHXH tỉnh sẽ tích cực đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng tỉ lệ đóng BHXH bắt buộc, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động”, ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An cho biết.

Tác giả bài viết: QUANG ĐẠI

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok