Giáo dục

Nghệ An: Chuyển giao 6 trường CĐ, TCCN về Sở LĐTB&XH

Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2017, 6 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của Nghệ An sẽ được chuyển giao từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Đây cũng là nội dung chính tại cuộc họp do đồng chí Lê Minh Thông - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì vào chiều 8/3.

Đó là các trường: Trung cấp Việt Anh, Trung cấp Tổng hợp Miền Trung, Trung cấp Y khoa Miền Trung, Trung cấp Việt Úc, Trung cấp KT - KT Hồng Lam và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật.

Theo quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo bàn giao nguyên trạng chức năng quản lý nhà nước đối với 6 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh (ngoại trừ các ngành sư phạm). Trong đó, có 296 biên chế và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ hữu cùng các số liệu, tài liệu, hồ sơ và tài sản, cơ sở vật chất hiện có của các nhà trường.

Đồng chí PCT tỉnh Lê Minh Thông và đại diện các ngành Lao động, Giáo dục và Nội vụ chứng kiến lễ ký kết bàn giao chức năng quản lý nhà nước giữa Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo

truong hoc
Lễ ký kết bàn giao chức năng quản lý nhà nước giữa Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Mỹ Hà

Sau khi chuyển giao, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường từ năm 2016 trở về trước. Từ năm 2017, việc tuyển sinh được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và nghề nghiệp và hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Những học sinh tuyển sinh từ năm 2016 được học chương trình hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học. Sau khi học xong, nếu các em có nguyện vọng thì được liên thông theo quy định hiện hành.

Giờ học của giáo viên và học sinh Trường Trung cấp Việt Anh. Ảnh: Mỹ Hà

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Việc chuyển giao các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của Nghệ An được triển khai theo đúng các quy định của nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số băn khoăn như vấn đề nhân lực, cơ sở vật chất và các cơ chế liên quan. Vì vậy, trong quá trình thực hiện các ngành giáo dục, lao động, nội vụ và các nhà trường cần phải bàn giải pháp kỹ càng, bảo đảm sớm ổn định công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao, đảm bảo quyền lợi của học sinh, sinh viên.

Tác giả bài viết: Mỹ Hà/Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok