Kinh tế

Nghệ An: Chuẩn bị nguồn nhân lực đón làn sóng đầu tư nước ngoài

Theo dự báo, trong thời gian tới, Nghệ An sẽ đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào. Mặc dù được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông thuận lợi, có chính sách đầu tư nhiều ưu đãi và nhất quán, nguồn nhân lực dồi dào, tuy nhiên, phần lớn lao động tại Nghệ An hiện chỉ mới đáp ứng yêu cầu lao động phổ thông còn lao động kỹ thuật có tay nghề cao thì đang còn ở dạng tiềm năng.

Với nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, thì nguồn nhân lực chiếm vị trí quan trọng, bởi lao động có tay nghề sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Theo đại diện Trường Cao đẳng Nghề số 4 – Bộ Quốc phòng, để đáp ứng được yêu cầu về lao động có tay nghề kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp nước ngoài, việc đào tạo phải đáp ứng được 3 tiêu chí: kiến thức, kỹ năng và thái độ - ý thức làm việc. Cho nên, ngay từ bây giờ, các trường nghề phải có các bước khảo sát, chuẩn bị đủ về mặt thời gian để lên kế hoạch đào tạo.

Trường Cao đẳng Nghề số 4 – Bộ Quốc phòng xác định những nghề chủ yếu mà các DN nước ngoài sẽ đầu tư vào Nghệ An như: công nghiệp ô tô, điện tử, điện lạnh... để xây dựng lộ trình và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.


Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 4 – Bộ Quốc phòng nói: Riêng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Nghệ An họ cần lao động chủ yếu ở các ngành nghề công nghiệp tô tô, công nghiệp phụ trợ, điện, điện tử… Những ngành này là thế mạnh của trường chúng tôi, chúng tôi đang đầu tư để đào tạo nghề theo tiêu chuẩn Quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đón chào các nhà đầu tư Nhật Bản đến với tỉnh Nghệ An vào đầu tháng 11 vừa qua

Trong các cuộc khảo sát, tiếp xúc và làm việc mới đây của các đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc với tỉnh Nghệ An và một số trường nghề, một trong các vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhiều đó chính là lao động có tay nghề kỹ thuật cao. Theo ông Nguyễn Duy Nam – Hiệu trưởng Trường Cao đăng nghề Kỹ thuật – Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc: Bên cạnh lao động đang được các trường nghề đào tạo, Nghệ An còn có lợi thế quan trọng, đó là nguồn nhân lực có tay nghề hết thời hạn lao động ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc về nước hàng năm. Đây là những lao động thực sự có tay nghề cao, quen với môi trường làm việc công nghiệp ở các nước… Nếu như các doanh nghiệp cần thì có ngay, không cần phải qua đào tạo.

Đoàn doanh nghiệp Hội đồng Khu công nghiệp Gaeseong - Hàn Quốc khảo sát tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An

Ký kết Bản ghi nhớ thỏa thuận (MoA) giữa tỉnh Nghệ An với Tập đoàn TKV Holdings của Hàn Quốc ngày 8/11/2016 vừa qua


Một phương án khác đang được áp dụng, đó là đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo các trường nghề, vấn đề này phải có sự tham gia của chính quyền tỉnh trên cơ sở các biên bản, thỏa thuận ký kết với các nhà đầu tư.

Ông Lê Ngọc Hoa- Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ngoài những g ì chúng ta đã tạo nên thì hiện nay, nguồn lao động là một trong những trăn trở của các nhà đầu tư. Tỉnh đang xây dựng một chương trình phát triển nguồn nhân lực có sự kết nối, gặp gỡ của trường nghề và các doanh nghiệp nước ngoài, để xây dựng nghề và văn hoá doanh nghiệp mà các nhà đầu tư đang cần. Với “cái bắt tay” giữa trường nghề - doanh nghiệp – chính quyền, tôi tin tưởng, Nghệ An sẽ có đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản nghe giới thiệu quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam vào ngày 4/11/2016


Hàng năm, tỉnh Nghệ An có khoảng 30.000 học sinh phổ thông tốt nghiệp, chưa kể số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng nghề. Đây là những lợi thế cơ bản về nguồn lao động. Tuy nhiên, để lợi thế này thành hiện thực, công tác đào tạo nghề có chất lượng phải sớm được chuẩn bị và triển khai. Có như vậy mới tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Nghệ An trong nay mai.

Tác giả bài viết: Thái Dương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok