Du lịch

Ngày Tết "lai rai" với khô đặc sản Sóc Trăng

Nếu có dịp đến Sóc Trăng, du khách thường không thể không thưởng thức các món ăn nổi tiếng của vùng đất 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và trong đó có các món trứ danh như khô thịt heo, khô thịt trâu.

Đến thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) vào những ngày gần Tết, nhiều người rất thích khi được thưởng thức món khô thịt heo (lợn). Anh Huỳnh Thanh Tâm giới thiệu với chúng tôi: “Khô thịt heo là món ăn chủ yếu do người Hoa ở địa phương chế biến. Ở Sóc Trăng cũng có người làm khô thịt heo nhưng nói tới loại khô độc đáo này thì nguồn gốc xuất thân cũng như ra đời, phát triển sớm nhất vẫn là Lịch Hội Thượng”.
Khô thịt heo trông rất hấp dẫn.
Để có khô thịt heo ngon cần có các nguyên vật liệu như thịt nạc heo, rượu mùi, đường, muối và gia vị. Với bí quyết chế biến và cân đối trong việc trộn nguyên liệu, liều lượng riêng sẽ làm cho khô thịt có mùi vị thơm ngon. Thịt heo bà con thường chọn thịt đùi, lạng thành những miếng mỏng, tẩm ướp gia vị cho thấm đều rồi đem phơi dưới nắng. Nếu nắng tốt thì chỉ cần 2 nắng là thịt heo sẽ khô, cho vào túi bảo quản ăn dần. Miếng thịt heo phơi khô nướng lên sẽ dậy mùi thơm ngào ngạt, vừa có cái cay cay, vừa có vị ngòn ngọt, vừa có chút dai dai, vừa có chút giòn giòn ăn rất hấp dẫn.

Hiện trên thị trường Sóc Trăng có bán 2 loại là khô thịt heo còn tươi, khi ăn phải được chiên hoặc nướng và loại thịt heo sấy khô cho vào túi có thể ăn liền. Nhiều người vẫn thích loại thịt khô vì ít béo hơn và có thể sử dụng để trộn chung với xoài, cóc, bưởi hay lá sầu đâu để làm gỏi lai rai mỗi khi có khách. Hiện nay, khô thịt heo ở Sóc Trăng được bán với giá dao động từ 270.000 đồng đến 300.000 đồng/kg.

Về thăm quê hương Sóc Trăng, quý khách có thể mua các túi quà như bánh pía, mè lào, lạp xưởng,… và thưởng thức các đặc sản nổi tiếng của vùng như: Bún nước lèo, bánh cóng, nem nướng,… Ngoài ra, khô thịt heo cũng là món ngon, khoái khẩu không thể bỏ qua của nhiều du khách.

Khô thịt trâu Thạnh Trị.
Đến thăm tỉnh Sóc Trăng, không chỉ có món khô thịt heo mà du khách còn được thưởng thức món khô thịt trâu.

Khô trâu ở huyện Thạnh Trị được chế biến theo kiểu cổ truyền, thịt trâu bắp được lát thành những miếng mỏng lớn hơn bàn tay, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm xả bằm, muối, tỏi, ớt,… rồi để khoảng nửa ngày cho ngấm. Sau đó, đem thịt phơi nắng hoặc sấy trong lò. Khô thành phẩm sẽ là những miếng khô thật mỏng, thơm lừng vị xả và mùi thịt trâu đặc trưng. Thường thì chế biến khoảng hơn 4kg thịt tươi mới có được 1kg thịt khô. Hơn nữa, thịt trâu có vị mát, nhiều đạm lại không chứa nhiều cholesterol như thịt bò, ăn khô trâu vừa cung cấp lượng đạm đầy đủ lại khá an toàn, tốt cho sức khỏe.

Để thưởng thức khô trâu cũng có rất nhiều cách, nhưng ngon nhất vẫn là nướng. Trước tiên, ngâm khô vào trong nước lạnh khoảng 5 phút, sau đó thì đem nướng, đặc biệt sẽ ngon hơn nếu được nướng trên bếp than đước. Khi khô chín đều ở cả hai mặt và lên hương thơm lừng, thì dằn cho miếng khô mềm và tơi ra. Tiếp theo là nước chấm, phần không thể thiếu đối với món khô trâu này, me chín được dằm với nước sôi để nguội, cho nhựa me ra hết, sau đó cho đường, muối, nước mắm, sả, ớt trộn đều, tạo thành một thứ nước chấm sền sệt, chua chua, ngòn ngọt. Khô trâu mà chấm với nước mắm me là hết ý! Món này đặc biệt “bắt” khi nhắm với bia kèm theo dĩa dưa chua nho nhỏ.

Tác giả bài viết: Cao Xuân Lương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok