Thể thao

Ngày lễ tình nhân: Hạnh phúc muộn màng của chàng VĐV khuyết tật

Một sáng thức dậy, Đỗ Đại Dương thấy bé Bông, 4 tuổi cầm chiếc lược tự loay hoay chải tóc. Bên cạnh, Bống cũng nũng nịu đòi bố tháo sợi dây chun, anh thấy bình yên, hạnh phúc chẳng phải là gì xa xôi quá.

Mái ấm hạnh phúc của vợ chồng anh Đỗ Đại Dương (ảnh: Thúy Hằng)

Anh Đỗ Đại Dương (sinh năm 1969, trú ở phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội), VĐV bóng bàn khuyết tật, Trung tâm thể thao người khuyết tật Hà Nội từng khước từ tình cảm nhiều cô gái dành cho mình, sợ mình không thể mang lại hạnh phúc cho họ. Cho đến khi, anh Dương gặp chị Tạ Thị Lương, cô gái quê ở thành phố Phủ Lý, Hà Nam kém anh 13 tuổi, lên Hà Nội học nghề thợ may, ở nhờ nhà người quen ngay sát nhà.

“Tôi từng có lúc chỉ ước mình ngồi được bình thường”

Là con trai duy nhất trong một gia đình có tới 4 chị em gái, Đỗ Đại Dương từng là niềm tự hào của cả nhà với sự thông minh, vẻ ngoài điển trai và chiều cao 1,8 m. Tốt nghiệp lớp 12, anh đăng ký và trúng tuyển vào khóa đào tạo phi công tại Nga. Tuy nhiên, trước ngày sang Nga, anh Dương bất ngờ gặp tai nạn giao thông. Người đàn ông cao lớn ngày nào bỗng chốc bị liệt hai chân, trở thành tàn phế.

Anh Dương nhớ lại quãng thời gian kinh hoàng này: “Bác sĩ nói với gia đình tôi, tôi bị mất 95% sức khỏe, có thể phải chuẩn bị lo hậu sự”. Không đầu hàng số phận, gia đình đưa anh Dương tới tất cả các bệnh viện hàng đầu về chấn thương chỉnh hình. Động lực mạnh mẽ trong Dương cũng thúc giục anh phải sống.

Anh Đỗ Đại Dương giành được nhiều thành tích với bộ môn bóng bàn cho người khuyết tật
NHÂN VẬT CUNG CẤP

Dương kể: “Trong suốt 5 năm đầu tiên gặp tai nạn, tôi chỉ có thể ôm gối và nằm sấp trên giường. Tôi luôn ước được ngồi bình thường, không cao xa gì. Đau đớn, tuyệt vọng thì nhiều không kể hết. Nhưng như có duyên số giữ tôi lại với cuộc đời, tôi dần bình phục”.

Gắn bó với chiếc xe lăn, anh Dương nỗ lực tự tập luyện phục hồi chức năng. Từ một người ngồi không vững, anh Đỗ Đại Dương đã làm chủ được chiếc xe, không phải nhờ người thân trong các việc sinh hoạt cá nhân, lại có thể điều khiển cả xe máy ba bánh.

Được người thân giới thiệu tới Trung tâm thể thao người khuyết tật Hà Nội, anh Đỗ Đại Dương đến đăng ký chơi các môn như cử tạ, cầu lông, bóng bàn, sau này trở thành VĐV bóng bàn của trung tâm. Năng khiếu thể thao bẩm sinh cùng sự nỗ lực của bản thân, Đỗ Đại Dương tham gia nhiều giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, ParaGames và giành được hàng chục HCV, HCB, HCĐ từ các đấu trường trong nước và quốc tế.

Sức khỏe bình phục, thành tích thể thao rạng rỡ, thế nhưng mãi đến năm 36 tuổi, người đàn ông sinh năm 1969 vẫn chưa tính đến chuyện gắn bó cuộc đời cùng một người phụ nữ. Cho đến năm 2004, sau ParaGames diễn ra tại Việt Nam.

Anh Đỗ Đại Dương và con gái lớn, bé Bống (ảnh: THÚY HẰNG)

Hạnh phúc nở muộn

Ngồi hạnh phúc bên cạnh vợ và hai cô con gái dễ thương, Đỗ Đại Dương chỉ có thể nói từ một chữ “duyên” giúp anh có được tất cả những điều quý giá này.

Anh kể lại duyên số với người bạn đời: “Lương đến nhà bác ở nhờ trong thời gian học thợ may, tôi tình cờ thấy cô hàng xóm xinh xinh và dễ thương, chúng tôi có nói dăm ba câu chuyện. Sau đó, thi thoảng, Lương có sang nhà tôi chơi, chúng tôi cùng chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Thế nhưng, vài năm đầu, chẳng ai nghĩ là chúng tôi sẽ yêu cũng như cưới nhau. Cho đến năm 2003, đợt đó ParaGames diễn ra ở Hà Nội, đoàn VĐV khuyết tật Việt Nam tập trung ở khách sạn Quảng Bá, gần hồ Tây, cần nhiều tình nguyện viên hỗ trợ, giúp đỡ các VĐV. Lương xung phong tham gia. Sau gần một tháng được chứng kiến, cùng giúp đỡ người khuyết tật, Lương thêm cảm thông, tôi mới đủ dũng khí để nói ra lời cầu hôn với cô ấy”.

Biết nhau thì đến 3 năm, nhưng thời gian để từ khi anh Dương và chị Lương quyết định kết hôn đến lễ cưới chỉ có vài tuần lễ, mọi người cả hai gia đình đều bất ngờ. Gia đình cô dâu Tạ Thị Lương phản đối, mọi người cho rằng cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh như Lương sẽ tìm được nơi chốn đỡ vất vả hơn.

Tuy nhiên, Lương đã đem lòng thương, yêu anh hàng xóm và quyết lấy anh bằng được. Cô gái trẻ 23 tuổi lên xe hoa với anh VĐV bóng bàn khuyết tật Đỗ Đại Dương vào một ngày mùa đông, khi tết Nguyên đán năm 2004 chỉ còn vài ngày nữa là gõ cửa.

Cuộc sống tiếp tục thử thách vợ chồng anh chị khi ngày cưới đã qua lâu mà Dương và Lương mãi chưa có con. Hai vợ chồng chạy chữa nhiều nơi, sau cùng họ chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại một bệnh viện chuyên điều trị hiếm muộn tại Hà Nội.

Hạnh phúc muộn màng nhưng cuối cùng cũng đã mỉm cười, năm 2008, anh Dương và chị Lương đón cô con gái đầu lòng xinh xắn và bụ bẫm với hai má lúm đồng tiền. Cháu được đặt tên là Đỗ Phương Anh. 4 năm sau, họ chào đón tiếp cô công chúa thứ hai, Đỗ Minh Ngọc.
Ông bố hạnh phúc bên cô công chúa thứ hai, bé Bông (ảnh: THÚY HẰNG)

Ngồi buộc tóc cho các con, anh Đỗ Đại Dương bộc bạch: “Cuộc sống thử thách vợ chồng chúng tôi rất nhiều, nhưng đến ngày hôm nay, chúng tôi đều an lòng khi mỗi ngày thức dậy, thấy các con mạnh khỏe, ngoan ngoãn. Vợ chồng chúng tôi có thể vất vả như thế nào cũng được, chỉ mong các con được học hành tử tế, nên người”.

Mỗi sáng, anh Dương tự đi xe máy từ Long Biên vào nội thành tập luyện tại bộ môn bóng bàn. Buổi chiều, anh giúp vợ làm vàng mã tại gian nhà nhỏ ngay trên phố Nguyễn Sơn. Nghề phụ này được hai vợ chồng anh tự học, tự làm từ năm 2004 đến tận bây giờ, đủ giúp hai vợ chồng tự trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học.

Chị Tạ Thị Lương và con gái khoe các huy chương của chồng (ảnh: THÚY HẰNG)

Bế con gái, chỉ lên những tấm huy chương vàng, bạc, đồng treo lúc lỉu trong gian phòng, chị Tạ Thị Lương, người bạn đời của anh Dương bộc bạch: “Thể thao là người bạn, là động lực giúp chồng tôi vượt qua những khó khăn và những lúc bi quan nhất. Tôi tin vào duyên phận, nó đưa tôi đến với anh Dương, chưa bao giờ tôi hối tiếc”.

Đi qua những dông bão của cuộc đời, chị Lương, anh Dương đang có một mái nhà, rất ấm với những đứa con đáng yêu. Người ta bảo, tình yêu là không biên giới, tuổi tác hay bất kể khó khăn gì cũng chỉ là những con số mà thôi...

Tác giả bài viết: Thúy Hằng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok