Kinh tế

Ngày đêm bảo vệ gốc đào như củi khô, cả nhà ăn Tết vài trăm triệu

Những gốc đào có độ tuổi từ 30 đến 60 năm, bị sâu mục, tưởng chỉ còn làm củi khô nhưng dưới bàn tay chăm sóc của nghệ nhân vườn đào đào Nhật Tân, những "khúc củi" đó vẫn đâm chồi, nảy lộc thành những thế đào độc đáo...

Xem Clip:

Tết Đinh Dậu 2017 đến gần, thời điểm này các nhà vườn đào đang trong tâm thế chuẩn bị cho đào "lên sóng".

Ngoài những dáng đào truyền thống thì các dáng đào đẹp, độc, lạ, mang dáng dấp của chú gà vàng cũng đang được các nhà vườn dày công chăm sóc, kỳ công tạo thế.

Trong đó, phải kể đến những gốc đào có độ tuổi từ 30 đến 60 năm, thân cây bị sâu, mục tưởng chừng chỉ còn làm củi khô nhưng dưới bàn tay chăm sóc của nghệ nhân vườn đào đào Nhật Tân, những "khúc củi" đó vẫn đâm chồi, nảy lộc thành những thế đào hình kim kê độc đáo...

Các gốc đào cổ thụ này thân xù xì, đen nhánh, rêu bám quanh từ gốc đến ngọn. Ngoài ra, chúng còn có những cây nấm kỳ quái mọc sát gốc, hình nấm linh chi hoặc nấm ngọc cẩu. Đặc điểm này chỉ xuất hiện ở gốc đào lũa cổ thụ.

Những cây bị lũa (sâu, mục) thân đòi hỏi sự chăm sóc cầu kỳ hơn nhưng đổi lại dáng cây đẹp, vô cùng sang trọng.

Mỗi gốc đào lũa được chủ vườn cho thuê dao động từ 20 triệu đến 100 triệu tùy thuộc vào độ tuổi, dáng dấp của gốc đào.

Chính vì độ độc đáo, hiếm có nên chủ vườn thường không bán mà chỉ cho thuê. Nếu bán thì chi phí rất cao, có thể lên tới vài trăm triệu một gốc.

Anh Trần Tuấn Việt, nghệ nhân trồng đào, cho biết: "Những gốc đào lũa được trồng ở Nhật Tân có nguồn gốc từ đào rừng. Khi cây già sẽ bị sâu, mục nhưng nó vẫn còn phần rễ. Với cách chăm sóc của bà con trồng đào thì những gốc cây này vẫn lên được những cây hoa đẹp".

Theo anh Việt, để chăm sóc một gốc đào lũa, đòi hỏi ở cả sự may mắn, vì nó phụ thuộc vào khả năng sinh tồn của cây. Có cây sức đề kháng lớn, còn phát triển tốt hơn cây bình thường. Còn cây nào sức đề kháng yếu, dù có dày công chăm sóc cũng khó mà cứu được.

Về phương pháp chăm sóc đào lũa, anh Việt bật mí, sau Tết nguyên đán, anh cho xe chở về vườn, trồng lại trên đất và thay đất hỗn hợp, bón phân chuyên dụng, tạo thế. Đặc biệt là công đoạn "ép" cho đào nở đúng Tết đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật và sự cầu kỳ, tỉ mẩn. Khoảng trung tuần tháng 11 âm lịch, anh dùng dao khoanh 1 hay vài vòng xung quanh cành đào, thân đào để ức chế sinh trưởng thân lá, kích thích phân hóa mầm hoa...

Trung bình một vụ Tết, các gốc đào lũa mang lại cho gia đình anh Việt thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng.

Dưới đây là những hình ảnh độc đáo của gốc đào lũa "lên sóng" trong dịp Tết Đinh Dậu:

Dáng của cây đào này là kê vàng vô song. Để một gốc đào rỗng từ thân đến ngọn ra hoa, nảy lộc như thế này là cả một quá trình chăm sóc đầy vất vả của nghệ nhân. Ảnh: Tuấn Anh

Một gốc đào lũa uốn lượn, xù xì, thân cây mục, xẻ làm đôi. Ảnh: Tuấn Anh

Cận cảnh đào bị hỏng thân nhưng có giá 50 triệu. Ảnh: Tuấn Anh

Nghệ nhân trồng đào Tuấn Việt cắt cành cho gốc lũa có tên Kim kê thưởng nguyệt. Ảnh: Tuấn Anh

Cành và chồi mọc ra từ thân bị sâu mục. Ảnh: Tuấn Anh

Những gốc đào mục, rỗng đòi hỏi sự chăm sóc công phu, vài trăm cây mới được một gốc. Ảnh: Tuấn Anh

Hoa đào khoe sắc chờ ngày "bung lụa". Ảnh: Tuấn Anh

Nấm mọc từ gốc cây, có hình "ngọc cẩu". Ảnh: Tuấn Anh

Nấm "linh chi" quý hiếm mọc trên đào lũa 60 năm tuổi. Ảnh: Tuấn Anh

Ảnh: Tuấn Anh

Những gốc đào lũa nổi tiếng bởi hình dáng kì quái, cổ kính. Ảnh: Tuấn Anh

Dáng đào thông truyền thống của Nhật Tân. Ảnh: Tuấn Anh

Tác giả bài viết: Diệu Bình - Tuấn Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok