Giáo dục

Ngành GD chưa 'tề gia' thì sao góp phần phát triển đất nước?

Tại Văn bia đá Quốc Tử Giám đến nay vẫn còn lưu giữ dòng chữ 'Hiền tài là nguyên khí Quốc gia' được Tiến sĩ Thân Nhân Trung thảo ra cách đây 500 năm trước. Nhưng giờ đây, ngẫm chuyện 'giáo dục là quốc sách hàng đầu' nhưng ngành giáo dục còn chưa 'tề gia' sao có thể góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.

Không phải ngẫu nhiên câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bởi từ thời các triều đại phong kiến như Lý, Trần, Lê...giáo dục luôn được coi trọng để tuyển dụng nhân tài. Nhiều người tài đức vẹn tròn đã được lựa chọn qua các kỳ thi để đóng góp sức lực cho đất nước.

Dẫn giải lịch sử để thấy rằng, qua nhiều thời đại, ngành giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu và có ý nghĩa quan trọng trong tuyển dụng "hiền tài". Thế nhưng, thời gian vừa qua, những lùm xùm của chính những người làm công tác giảng dạy cũng như quản lý trong ngành "quốc sách hàng đầu" này lại khiến người dân, dư luận lo lắng.

Không lo lắng sao được khi kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia hàng loạt vụ gian lận thi cử diễn ra tại nhiều tỉnh thành như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... khiến dư luận mất niềm tin vào chất lượng đầu vào của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước khi mà những người không có thực lực nghiễm nhiên đỗ thủ khoa nếu vụ việc tiêu cực thi cử chấn động trên không được phát giác.

Ảnh: vietnamfinance

Không đắn đo về đạo đức nhà giáo xuống cấp trầm trọng sao được khi cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên Trường THCS Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh), chỉ đạo cả lớp tát một học sinh 231 cái, cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau, cô giáo dạy Toán im lặng suốt 3 tháng lên lớp, không giảng bài và mới đây, một cô giáo tiểu học ở trường Tiểu học Thụy Hùng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) bị phụ huynh tố dùng thước đánh trúng mắt khiến mắt học sinh này bị sưng vù, nguy cơ bị mù một bên mắt.

Nỗi lo nhân lên nhiều lần khi công tác quản lý giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại khi trong dự thảo của chính Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần mới bị đuổi học hay như mới đây trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2019 của Trường ĐH Sư phạm TPHCM quy định điều kiện xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên: nam cao 1,55m trở lên; nữ cao 1,50m trở lên. Dù sau khi dư luận chỉ ra những điều bất hợp lý, những quy định trên đã được loại bỏ nhưng không ai có thể biết rằng, nay mai ngành giáo dục có tiếp tục đưa ra những quy định tréo ngoe như trên.

Có quá nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra khiến ngành giáo dục mất niềm tin trong nhân dân và xã hội và tất nhiên không khó lý giải việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đứng "đội sổ" khi chỉ có 140 phiếu tín nhiệm cao trong khi có tới 137 phiếu tín nhiệm thấp.

Không biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nhớ câu nói của các cụ truyền lại nhiều đời "Tề gia, trị quốc". Khi mà tề gia - bản thân Bộ Giáo dục và đào tạo còn chưa yên ổn, liên tục có chuyện từ nhỏ nhặt vụn vặt đến chuyện lớn như gian lân thi cử thì làm sao có thể làm được những chuyện lớn. Trong khi đó, giáo dục là quốc sách hàng đầu của một quốc gia, "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"...mà ngành giáo dục còn chưa "tề gia" sao có thể góp phần vào công cuộc đổi mới đát nước.

Tác giả: Thiên Nga

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok