Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc vừa ký văn bản số 386/BC-BTP báo cáo Chính phủ công tác bồi thường nhà nước năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp năm 2018.
Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh, năm 2017 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 109 vụ việc (trong đó có 54 vụ việc thụ lý mới), đã giải quyết xong 40/109 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 29,14 tỷ đồng. 69 vụ việc còn lại đang tiếp tục giải quyết.
Bên cạnh đó, TAND các cấp đã thụ lý giải quyết 23 vụ án dân sự đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường. Cơ quan chức năng đã giải quyết xong 9 vụ với số tiền Nhà nước phải bồi thường gần 3,7 tỷ đồng; còn 14 vụ đang tiếp tục giải quyết.
Như vậy, tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là 32,82 tỷ đồng - giảm 20,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Bộ Tư pháp cho biết trong năm 2017, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và thực hiện cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường đối với 19 hồ sơ với tổng số tiền cấp phát là 16,55 tỷ đồng. Cụ thể, VKSND Tối cao có 11 hồ sơ, với số tiền cấp phát là 5,12 tỷ đồng; TAND Tối cao có 3 vụ việc, với số tiền cấp phát là 10,15 tỷ đồng; cơ quan thi hành án dân sự có 5 vụ việc với số tiền cấp phát là 1,27 tỷ đồng…
Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đã thực hiện đối với 9 vụ việc, với tổng số tiền là 166,6 triệu đồng. Trong đó, việc hoàn trả được thực hiện trong hoạt động quản lý hành chính (3 vụ với số tiền 35,2 triệu đồng), thi hành án dân sự (4 vụ với số tiền 26,74 triệu đồng) và tố tụng (2 vụ với số tiền 102,6 triệu đồng).
Báo cáo cho thấy, năm 2017 TAND Tối cao, VKSND Tối cao và một số bộ, ngành đã chủ động giải quyết và phối hợp tốt hơn trong việc cung cấp thông tin cho Bộ Tư pháp về tình hình giải quyết các vụ việc phức tạp, được xã hội quan tâm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước theo quy định.
Một số vụ việc phức tạp đã được các cơ quan tố tụng giải quyết dứt điểm như: vụ việc ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận); vụ việc ông Trần Sam Sái (Sóc Trăng); một số vụ án oan sai có tính chất nghiêm trọng đều được các cơ quan tố tụng khẩn trương tổ chức xin lỗi công khai và tiến hành các thủ tục thương lượng bồi thường thiệt hại được nhân dân và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên việc cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường còn trường hợp chưa được thực hiện kịp thời, theo quy định hiện hành.
“Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của cơ quan có trách nhiệm bồi thường đối với người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại còn chậm và đạt tỷ lệ thấp cả về vụ việc (9 vụ việc) và về giá trị tiền (166,6 triệu đồng), làm cho tác dụng răn đe, giáo dục trong xử lý trách nhiệm người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức nói chung chưa cao”- Bộ Tư pháp nêu rõ.
Cơ quan này kiến nghị tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1269/2017 về triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, bảo đảm luật sớm đi vào cuộc sống nhằm đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ, phòng ngừa sai phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đồng thời rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài và chủ động quán triệt thực hiện đúng quy định của Luật trong giải quyết bồi thường, tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí